Chính phủ sắp có nghị quyết gỡ vướng cho "siêu" Ủy ban

29/03/2020, 07:43

TCDN - “Phải hành động quyết liệt, tháo gỡ từng bước nhưng phải khẩn trương và triệt để các vướng mắc trong hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty”.

Phát biểu trên được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhằm cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty do Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu, chiều 28/3.

Rà soát lại các vướng mắc

Phó thủ tướng cho biết, ông hết sức chia sẻ khó khăn với các tập đoàn, tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Chính phủ và Thủ tướng nhận diện đầy đủ về các khó khăn tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, đang tập trung tối đa nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và tin tưởng rằng các tập đoàn, tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp, người dân luôn chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành với Chính phủ trước khó khăn này và chúng ta sẽ vượt qua đại dịch, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển.

h

Về các kiến nghị của các bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty được xác định là vấn đề hết sức cấp bách, do đó, Bộ KH&ĐT tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất chính sách, giải pháp; tập trung rà soát từng vấn đề thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan quản lý nhà nước; đề xuất các nhóm giải pháp chính sách toàn diện, đồng bộ, hữu hiệu triển khai được ngay, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng thường trực giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), các bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm và chủ động phối hợp với Bộ KH&ĐT, trực tiếp làm việc để xử lý từng vấn đề thuộc trách nhiệm; rà soát lại toàn bộ các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty. Kiến nghị Chính phủ xử lý dứt điểm các vướng mắc theo đúng thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Thực hiện đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, xác định rõ các vướng mắc do quy định của pháp luật, do tổ chức thực hiện, đề xuất phương án, trách nhiệm xử lý cụ thể. UBQLVNN chủ động phối hợp với Bộ KH&ĐT, chịu trách nhiệm về các kiến nghị Chính phủ trong dự thảo Nghị quyết bảo đảm giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty.

Rà soát, kiến nghị cụ thể đối với các vấn đề vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung các luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, không nêu chung chung như “vướng mắc do quy định của pháp luật”... Báo cáo, đề xuất giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối với các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.

Về các vấn đề cụ thể đề xuất với Chính phủ, Phó thủ tướng Thường trực nhấn mạnh Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của VPCP, các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng xử lý từng vướng mắc về các vấn đề như: thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư (theo Luật Đầu tư) dự án dưới 5.000 tỷ đồng thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương; trình tự, thẩm quyền quyết định đầu tư của DN, phê duyệt của UBQLVNN đối với các dự án thuộc thẩm quyền, trách nhiệm phê duyệt của UBQLVNN.

Đối với các vướng mắc cụ thể khác trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, Phó thủ tướng Thường trực giao Bộ KH&ĐT phối hợp với UBQLVNN, các bộ, cơ quan liên quan rà soát các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, xác định rõ các vướng mắc thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp xử lý cụ thể trong dự thảo Nghị quyết; báo cáo giải trình rõ việc kiến nghị hoặc lý do không kiến nghị Chính phủ quyết nghị chỉ đạo xử lý. 

Phó thủ tướng Thường trực yêu cầu UBQLVNN, các tập đoàn, tổng công ty phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát thực hiện ngay các nhiệm vụ tồn đọng; hoàn tất thủ tục đối với các vấn đề báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền; báo cáo rõ, đề xuất giải pháp xử lý vướng mắc do quy định của pháp luật; vấn đề vượt thẩm quyền, chậm chễ, trì trệ trong phối hợp xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, nhất là đối với các dự án thuộc Đề án 1468.

Lấy ví dụ cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà Ủy ban cần sớm khắc phục. Đó là, một số công việc xử lý còn chậm, trong đó có việc xem xét, quyết định theo thẩm quyền đối với đề nghị của các Tập đoàn, Tổng công ty. Công tác cán bộ, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo tại doanh nghiệp được bàn giao từ các bộ về Ủy ban cần kịp thời hơn nữa. Công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan chưa chặt chẽ. Việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động còn lúng túng, còn có tổng công ty nhà nước (Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam) tiếp tục còn thua lỗ...

Liên quan đến nhiều lĩnh vực

Theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ đã phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức rà soát, tổng hợp, đánh giá toàn diện những vướng mắc trong quá trình hoạt động của Uỷ ban để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý.

Kết quả rà soát cho thấy, những vướng mắc trong hoạt động của Uỷ ban không chỉ phát sinh trực tiếp từ các dự án của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Uỷ ban theo quy định tại Nghị định số 131/NĐ-CP mà còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác nhau (như công tác sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu và phá sản doanh nghiệp, quy chế tài chính, người đại diện, thuế, xử lý nhà đất, giao đất, cho thuê đất…).

Trên thực tế, Chính phủ, Thủ tướng đã và đang xem xét, chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động nêu trên của Uỷ ban cũng như của các doanh nghiệp do Uỷ ban làm đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, một số vướng mắc khác cũng đang được xem xét, xử lý trong từng trường hợp cụ thể hoặc trong khuôn khổ các đề án, báo cáo riêng.

Bộ KH&ĐT kiến nghị ban hành Nghị quyết của Chính phủ để xử lý vướng mắc đối với dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu với các nội dung như: Giao nhiệm vụ cho các bộ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án hoàn thiện quy định của các luật có liên quan; xử lý ngay một số vướng mắc xuất phát từ đặc thù của dự án do doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu cần hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phân hóa các doanh nghiệp quy mô lớn như các Tập đoàn: Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp hóa chất Việt Nam, Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 2.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Chính phủ sắp có nghị quyết gỡ vướng cho "siêu" Ủy ban tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan