Chủ Trường Quốc tế Mỹ - AISVN nói gì về số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng của phụ huynh?

04/04/2024, 15:33
báo nói -

TCDN - Phụ huynh cho rằng, đến thời điểm này, dưới vỏ bọc cái gọi là “hợp đồng hợp tác đầu tư”, chủ Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) – bà Nguyễn Thị Út Em đã huy động đến khoảng 4.000 tỷ đồng. Bà Em thừa nhận, Công ty gặp khó khăn trong việc quản lý vận hành, do thua lỗ, thiếu hụt dòng tiền…

Số tiền chi vào việc gì?

Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) thừa nhận Công ty CP Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIS) - sở hữu Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) gặp khó khăn trong việc quản lý, vận hành do thiếu tài chính, lỗ, thiếu hụt dòng tiền…

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng thua lỗ, thiếu hụt dòng tiền, bà Em cho hay: “Công ty AIS đã đầu tư chi phí lớn cho các công trình xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trong nhà trường từ vốn chủ sở hữu đầu tư và nguồn vốn huy động của phụ huynh. Đồng thời, hàng năm nhà trường vẫn thường xuyên chi kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, đóng các chi phí chương trình tú tài quốc tế (IB), trong khi các khoản này nhà trường không thu bù phụ huynh trong nhiều năm qua”.

Chủ Trường Quốc tế Mỹ - AISVN nói số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng chỉ đầu tư cho giáo dục?.

Chủ Trường Quốc tế Mỹ - AISVN nói số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng chỉ đầu tư cho giáo dục?.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Em, hàng năm, nhà trường chi khoản kinh phí lớn cho hoạt động của tuyến xe buýt (bus) dài hạn miễn phí đưa đón học sinh, trong khi mức học phí của Trường AISVN chỉ vừa đủ hoặc không đủ chi phí cho mỗi học sinh. Thực tế, với dự kiến công năng khoảng trên 4.000 học sinh nhưng thực tế nhà trường mới chỉ tuyển được gần 1/2 số lượng.

Mặt khác, trong các năm 2022-2023, lãi suất các hợp đồng vay và lãi huy động trái phiếu lên cao, dẫn đến chi phí tài chính của Công ty AIS tăng mạnh, cộng với khó khăn dịch Covid khiến tình hình càng khó khăn, do nguồn thu giảm mạnh, trong khi gần như toàn bộ chi phí không đổi.

“Ngoài ra Công ty AIS hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động đầu tư khác ngoài giáo dục”, bà Em khẳng định. Với tình trạng thua lỗ trên, Công ty AIS đã mất thanh khoản trong ngắn hạn, dẫn đến việc trả chậm lương của giáo viên và chậm hoàn tiền lại cho các phụ huynh học sinh với hợp đồng hợp tác đầu tư.

"Bắc thang lên hỏi ông trời"…

Trong ngắn hạn, Trường AISVN dự kiến chi khoảng 125 tỷ đồng, gồm tổng nợ chi lương vận hành của Trường: một phần còn lại là tháng 1-2-3/2024 là khoảng 48 tỷ đồng, tổng dự tính chi phí vận hành của Trường từ tháng 4 đến tháng 6/2024, sau khi cắt giảm các chi phí hợp lý là 77 tỷ đồng. Dự kiến khoản thu khoảng 121 tỷ đồng, thu bổ sung vốn lưu động chủ đầu tư 4 tỷ đồng và thuyết phục phụ huynh đủ chi phí (IB) nâng cao, phí xe buýt, phí cơ sở vật chất, học phí thường niên học phí trọn khóa 47 tỷ đồng.

Theo đó, Trường AISVN đã yêu cầu phụ huynh đóng mức phí hỗ trợ từ 9,5 triệu đồng đến 25,5 triệu đồng/học sinh cho các khối lớp khác nhau. Tính đến thời điểm hiện tại, phụ huynh đã đóng hơn 20 tỷ đồng và khoản tiền đóng góp từ 1/4-1/7/2024 sẽ được chuyển đổi thành cổ phần, khi Công ty AIS thực hiện phương án cổ phần hóa hoặc hoàn trả lại phụ huynh theo đề nghị của phụ huynh.

Quảng cáo Trường AISVN là phi lợi nhuận nhưng đến thời điểm này, cả ngàn phụ huynh chưa biết tiền mình đi đâu, về đâu?

Quảng cáo Trường AISVN là phi lợi nhuận nhưng đến thời điểm này, cả ngàn phụ huynh chưa biết tiền mình đi đâu, về đâu?

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, phương án này như “bắc thang lên hỏi ông trời”, tiền này có hoàn lại được không?. Anh T, phụ huynh của học sinh đang theo học tại Trường cho hay: “Đối với những “hợp đồng đầu tư” trước đó, Trường ký với phụ huynh khả năng là không thể hoàn lại được, về lý thuyết sau này bán được cổ phần cho nhà đầu tư khác sẽ trả nhưng xác suất đó cực kì thấp.

Khoản tiền 125 tỷ đồng kêu gọi từ phụ huynh là khoản phí để con em tiếp tục học đến tháng 6/2024 và không nghĩ sẽ được hoàn lại. Có những phụ huynh ký hợp đồng đã thanh toán được 1 nửa, nay trường đề nghị đóng nốt phần còn lại trong khi không biết năm sau con em còn được học tiếp tại Trường hay không nhưng trường vẫn yêu cầu đóng tiếp”.

Về dài hạn, cũng theo bà Em, Trường AISVN sẽ mời các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và khả năng tham gia vào việc chuyển nhượng, ưu tiên cho phụ huynh hiện đang có con em học tại Trường. Trong đó, Trường đã thực hiện các công việc của quá trình tái cấu trúc và vẫn đang làm việc với tất cả các nhà đầu tư có sự quan tâm. Tuy nhiên, do yếu tố bất ổn về nội tại nên các cuộc đàm phán đang gặp khó khăn.

Theo phụ huynh, cơ sở hạ tầng từ năm 2017, Trường AISVN không đầu tư thêm hạng mục nào.

Theo phụ huynh, cơ sở hạ tầng từ năm 2017, Trường AISVN không đầu tư thêm hạng mục nào.

Về phương án đàm phán, Công ty AIS đề xuất 2 phương án, một là, ưu tiên đàm phán với các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, giải quyết nhanh chóng được các vấn đề của Trường, hài hòa lợi ích giữa 3 bên.

Phương án 2 là, Sở Kế hoạch - Đầu tư Tp.HCM hỗ trợ thẩm định để sớm hoàn tất phương án thực hiện cổ phần theo hướng chuyển đổi các gói đầu tư dài hạn của phụ huynh thành cổ phần. Trong phương án này, Trường dự kiến sẽ kêu gọi tăng vốn hoạt động.

Về những phương án này, theo nhiều phụ huynh thì vẫn còn hết sức mông lung và họ vẫn băn khoăn về số tiền còn lại tại Trường (khoảng gần 3.600 tỷ đồng) đã đi đâu, về đâu?. Đó là chưa tính đến việc Trường AISVN phát hành trái phiếu và các khoản hỗ trợ từ phụ huynh khoảng 120 tỷ đồng (trong năm 2023 và tính đến tháng 4/2024).

Như vậy, theo phụ huynh, số tiền tạm tính tại trường khoảng 4.000 tỷ đồng đã đi đâu mà đến 2022 đã kiệt quệ dòng tiền và năm 2023-2024 không có tiền để trả lương cho người lao động (cả nước ngoài vào trong nước)?. Đồng thời, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhiều tỷ đồng…

Thực tế, trước những tình huống đó, Trường nhiều lần yêu cầu phụ huynh nộp thêm tiền để vận hành, dù vậy, sau khi đã đóng thêm tiền, Trường AISVN vẫn đóng cửa?. Mặt khác, cơ sở hạ tầng từ năm 2017 không đầu tư thêm hạng mục nào, trong khi đó nhiều hợp đồng của phụ huynh từ năm 2018 trở về trước chưa được thanh toán.

Tương lai của Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) vẫn thật mù mờ.

Hiền một số phụ huynh đã cho học sinh quay trở lại trường theo thông báo của nhà trường từ ngày 3/4/2024. Tuy nhiên, mới chỉ một số ít và chia thành các nhóm nhỏ do vẫn chưa đủ lượng giáo viên và nhân viên hỗ trợ.  

Chi Thanh - Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Chủ Trường Quốc tế Mỹ - AISVN nói gì về số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng của phụ huynh? tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan