AISVN kêu gọi phụ huynh đóng 125 tỷ để duy trì hoạt động: “Bình mới rượu cũ”
TCDN - Bà Út Em – Chủ tịch Hội đồng Trường Quốc tế Mỹ - AISVN thừa nhận trường đang mất khả năng tài chính, cần nguồn lực huy động từ phụ huynh với tổng số tiền 125 tỷ để trường có thể hoạt động trong 3 tháng. Liệu đây có phải là chiêu “bình mới rượu cũ” khi bà Em đã dùng nhiều lần chiêu này?
Ngày 29/3, Trường quốc tế AISVN thông báo kết quả khảo sát nguyện vọng của toàn thể phụ huynh về chương trình học sắp tới của con em của họ. Theo kết quả, số phụ huynh muốn con tiếp tục học tại trường là 84,56%. Ngoài ra, phụ huynh mong muốn các cam kết trong hợp đồng đã ký với nhà trường được đảm bảo.
Chiều ngày 30/3, tại cuộc họp giữa Sở GD&ĐT Tp.HCM, Công an Tp.HCM, Hội đồng Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (Trường quốc tế AISVN) và gần 900 phụ huynh, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố đã công bố tờ trình báo cáo về việc tái cơ cấu của trường.
Theo tờ trình được CTCP Giáo dục quốc tế Mỹ AIS (chủ đầu tư Trường quốc tế Mỹ - AISVN) gửi UBND Tp.HCM và Sở GD&ĐT, công ty cho biết sắp tới dự kiến cần khoản chi 125 tỷ đồng. Hiện, tổng nợ chi lương, vận hành của trường trong tháng 01, 02 và tháng 03 là 48 tỷ đồng. Chi phí vận hành của trường từ tháng 4/2024 đến 6/2024 (kết thúc năm học) là 77 tỷ đồng.
Theo đó, trường dự kiến khoản thu là 121 tỷ đồng và thu bổ sung vốn lưu động chủ đầu tư 4 tỷ đồng.
Theo tính toán của nhà trường, tùy vào khối lớp, chương trình học sẽ thu các mức khác nhau từ 9,5 đến 25,5 triệu đồng/tháng, thu 3 tháng.
Về quỹ đầu tư trước đó bà Út Em có thông tin, mọi đàm phán giữa chủ trường với các nhà đầu tư đều chưa có kết quả vì trường có quá nhiều lùm xùm về tài chính. Đội ngũ giáo viên nước ngoài rất căng thẳng, nếu không đảm bảo tài chính sẽ nghỉ việc. Vậy nên phương án huy động nguồn lực tài chính từ phụ huynh là phương án khả thi tại thời điểm này.
Do đó, theo phương án ngắn hạn đến tháng 6, bà Út Em đề nghị xin hỗ trợ từ phụ huynh, là khoản chênh lệch để bù giá học phí mà thời gian qua bà không xoay sở nổi.
Căn cứ vào kết quả buổi làm việc, trên cơ sở trao đổi thống nhất của Cha mẹ học sinh về kinh phí hỗ trợ, đóng góp để chi trả các chi phí cố định duy trì hoạt động dạy và học của trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM đã phối hợp cùng đại diện Cha mẹ học sinh, Trường quốc tế AISVN và Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thống Nhất thực hiện mở tài khoản để tiếp nhận kinh phí từ phụ huynh bắt đầu từ chiều ngày 01/4.
Anh T, phụ huynh của học sinh đang theo học tại trường thông tin: “Đối với những “hợp đồng đầu tư” trước đó trường ký với phụ huynh khả năng là không thể hoàn lại được, về lý thuyết sau này bán được cổ phần cho nhà đầu tư khác sẽ trả nhưng xác suất đó cực kì thấp. Khoản tiền 125 tỷ đồng kêu gọi từ phụ huynh là khoản phí để con em tiếp tục học đến tháng 6 năm nay và không nghĩ sẽ được hoàn lại. Có những phụ huynh ký hợp đồng đã thanh toán được 1 nửa, nay trường đề nghị đóng nốt phần còn lại trong khi không biết năm sau con em còn được học tiếp tại trường hay không nhưng trường vẫn yêu cầu đóng tiếp”.
Về dài hạn, Bà Út Em đưa ra phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Theo đó, phụ huynh đóng tiền, thực tế sẽ là hợp đồng góp vốn dưới hình thức dân sự, phù hợp với pháp luật. Khi cổ phần hóa thì phụ huynh được hưởng giá trị cổ phần tương đương. Với các khoản vay từ đợt 1 cho đến nay, ai có nhu cầu thì sẽ chuyển tiền thành cổ phần. Nếu không thì khi nhà trường có phương án, như bán cổ phần, sẽ trả lại.
Cơ quan chức năng đánh giá phương án cổ phần hóa là khả thi, song sẽ phải xây dựng chi tiết, tính toán phần góp của phụ huynh và chủ đầu tư cũng như phương án kêu gọi đầu tư.
Trước đó, khi gặp khó khăn về tài chính, Trường đã nhiều lần yêu cầu phụ huynh đóng thêm tiền để tiếp tục hoạt động. Nay là “chiêu cũ” nhưng bối cảnh mới, khiến phụ huynh bất an, lo lắng. Liệu đóng tiền và con họ có tiếp tục được học hay sẽ phải dừng lại như hiện nay?.
Bài toán tài chính sẽ còn đeo đuổi bà Út Em.
Cách đây vài ngày, Chủ Trường Quốc tế Mỹ - AISVN bị cấm xuất cảnh do nợ thuế cá nhân. Bên cạnh đó, Trường còn bị đình chỉ tuyển sinh năm học 2024 – 2025.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899