Chứng khoán 19/11: Nên "ôm" cổ phiếu nào?

19/11/2020, 06:38

TCDN - VGT, PVS, CTG, LPB, PVT là những mã cổ phiếu được giới chuyên gia phân tích chứng khoán khuyên nhà đầu tư nên quan tâm trong phiên giao dịch ngày 19/11.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu VGT nằm tại mức 11.2

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang ở trong trạng thái tăng giá trung hạn từ đầu tháng 8 đến nay với xuất phát điểm từ ngưỡng hỗ trợ 6.5. Thanh khoản cổ phiếu những ngày giao dịch gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Hôm nay 18/11, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo RSI cũng chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VGT nằm tại khu vực xung quanh giá 9. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 11.2, cắt lỗ nếu ngưỡng 8.5 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua PVS với giá mục tiêu 18.300 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS – sàn HNX) ghi nhận doanh thu thuần 14.725 tỷ đồng (tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái); lợi nhuận sau thuế 635 tỷ đồng (giảm 0,5%), hoàn thành 98% kế hoạch doanh thu và 99% kế hoạch lợi nhuận năm 2020, chủ yếu nhờ vào hạch toán các khoản hoàn nhập.Bên cạnh đó, các dự án mỏ khí lớn như Cá Voi Xanh và Lô B – Ô Môn tiếp tục bị chậm tiến độ vì các vướng mắc trong đàm phán, tài chính.

Về kết quả kinh doanh năm 2020, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế PVS lần lượt đạt 17,881 tỷ đồng (tăng 5,4% so với năm trước đó) và 778 tỷ đồng (giảm 3,7% so với năm trước đó), EPS FW 2020 = 1.498 đồng/CP (giảm 15,7%). Giả định (1) Giá dầu trung bình 2020 là 41 USD/thùng (giảm 36% so với năm trước) và (2) Mảng Xây lắp và Cơ khí cải thiện biên lợi nhuận gộp 5%.

img2219-152931196104259445877

Năm 2021, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế PVS lần lượt đạt 18.619 tỷ đồng (tăng 4,1% so với năm trước đó) và 903 tỷ đồng (tăng trưởng 16%), EPS FW 2021 là 1.738 đồng/CP (tăng trưởng 16,0%). Giả định (1) Giá dầu trung bình 2021 là 45 USD/thùng (tăng trưởng 9,8%) và (2) PVS thi công các dự án lớn.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 18.300 đồng/CP, tăng 17,3% so với mức giá ngày 17/11/2020 là 15.600 đồng dựa trên phương pháp P/E 2021= 10.5x.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 64% và nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam lên mua từ phù hợp thị trường khi chúng tôi (1) nâng dự phóng thu nhập ròng 2020-2024 thêm 22% và cập nhật mô hình định giá đến cuối 2021, (2) giả định chi phí vốn thấp hơn và (3) nâng tỷ lệ P/B mục tiêu lên 1,7 lần so với giả định trước đây.

Chúng tôi nâng dự phóng thu nhập ròng 2020 thêm 16% đạt 10,4 nghìn tỷ đồng (+9,3% YoY) so với dự báo trước đây và nâng dự phóng lợi nhuận trước dự phòng thêm 7%. Trong khi đó, chúng tôi giữ giả định chi phí dự phòng hầu như không đổi.

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng cho vay sẽ gia tăng trong năm 2021 đạt 7,5% so với dự phóng 3,5% trong năm 2020. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng mức tăng liên tục trong tỷ trọng cho vay bán lẻ là yếu tố để hỗ trợ mức tăng NIM.

Chúng tôi dự phóng phí tiếp cận từ thương vụ bancasurrance độc quyền sẽ củng cố cho tăng trưởng thu nhập ngoài lãi (NOII) 2021.

Chúng tôi kỳ vọng dự phòng sẽ đạt đỉnh trong năm 2020 và ROE dự phóng sẽ tăng trong vòng 3 năm tới. Sự cải thiện trong các nền tảng cơ bản cùng chênh lệch định giá ổn định của các ngân hàng quốc doanh, khiến chúng tôi tin rằng CTG sẽ tiếp tục thu hẹp định giá với BID. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với P/B 2021 đạt 1,48 lần.

Rủi ro: rủi ro thực hiện trong quá trình nâng tỷ trọng bán lẻ; thương vụ bancasurrance không hoàn thành như dự kiến; dịch COVID-19 có thể dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu LPB với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) và nâng giá mục tiêu thêm 9,7% lên 17.000 đồng/CP. Mức giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu được dẫn dắt bởi mức tăng tổng cộng 8,4% trong dự báo lợi nhuận 2020-2024, mức giảm trong lãi suất chiết khấu từ 14,2% còn 13,0% và hiệu ứng tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá đến cuối năm 2021.

Chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận sau thuế 2020/2021/2022 thêm lần lượt 13,6%/10,3%/4,0% do (1) mức tăng trung bình 3 năm 6,4% trong NII và (2) mức tăng trung bình 3 năm 17,0% trong thu nhập ròng khác, phần nào được bù đắp bởi mức giảm trung bình 3 năm 18,2% trong thu nhập phí thuần (NFI) và mức tăng trung bình 2,5% trong chi phí hoạt động kinh doanh.

ROE và ROA dự phóng 2021 của chúng tôi lần lượt là 13,7% và 0,85% so với trung vị ngành là 17,6% và 1,67%. P/B dự phóng 2021 của chúng tôi theo giá mục tiêu là 0,99 lần.

Rủi ro chính: (1) LPB không thể phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 và/hoặc tăng vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài; (2) các phòng giao dịch bưu điện (PTO) nâng cấp không thể ghi nhận doanh thu như dự kiến.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVT

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi tăng giá mục tiêu cho Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) thêm khoảng 17% khi tăng dự báo lợi nhuận cố lõi năm 2020 thêm 7%, cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021 và giảm tỷ lệ WACC thêm 70 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, chúng tôi hạ khuyến nghị từ mua còn khả quan khi giá cổ phiếu đã tăng khoảng 40% trong 3 tháng qua.

Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận năm 2020 thêm 7% do số dư tiền mặt tính đến cuối quý 3 cao hơn dự kiến và thu nhập tài chính ròng cao hơn khi không có hoạt động đầu tư nào trong 9 tháng năm 2020.

Trong khi đó, chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2024 gần như không đổi khi chúng tôi kỳ vọng chi phí tài chính thấp hơn sẽ bù đắp cho tác động từ đóng góp lợi nhuận thấp hơn của các tàu chở dầu mới do tiến độ đầu tư chậm trong năm 2020/2021.

Dù chúng tôi dự báo EPS cốt lõi năm 2020 giảm 25,5% YoY do giá thuê tàu của PVT giảm do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, chúng tôi kỳ vọng triển vọng phục hồi với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2020-2025 khoảng 12%, được dẫn dắt bởi nhu cầu vận tải gia tăng từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) và các hợp đồng vận tải dầu thô/LPG/hóa chất quốc tế mới.

PVT có năng lực tài chính mạnh mẽ với số dư tiền mặt cuối kỳ đạt 147 triệu USD, tỷ lệ đòn bẩy ròng âm ở mức -10,5% tính đến cuối quý 3/2020 và triển vọng phục hồi lợi nhuận, sẽ hỗ trợ triển vọng gia tăng cổ tức tiền mặt, từ 700 đồng trong năm 2020 (lợi suất khoảng 5%) lên 1.000 đồng trong năm 2021 (lợi suất khoảng 7%).

Định giá của PVT hấp dẫn tại EV/EBITDA dự phóng là 4,1 lần – thấp hơn 55,9% trung vị của các công ty cùng ngành – trong khi PVT có bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn và tỷ lệ ROE cao hơn đáng kể so với các đối thủ.

Yếu tố hỗ trợ: cổ tức tiền mặt năm 2020 cao hơn dự kiến.

Rủi ro: giá thuê tàu quốc tế biến động mạnh.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VEA

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) từ khả quan lên mua. VEA cho phép cơ hội đầu tư lớn vào thị trường xe máy (2W) và tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong tiêu thu ôtô (4W) tại Việt Nam. Chúng tôi cũng kỳ vọng doanh số bán phương tiện giao thông sẽ phục hồi trên diện rộng trong năm 2021.

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 17% khi cập nhật mô hình định giá sang cuối năm 2021, nâng P/E thêm 10% nhằm phản ánh mức giảm 1,2 điểm % trong chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi còn 13,0%, và tăng tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng giai đoạn 2020-2023 thêm 2% khi kết quả kinh doanh 9 tháng 2020 vượt kỳ vọng trước đó của chúng tôi về biên lợi nhuận của các công ty liên kết và doanh số xe 4W mặc dù doanh số mảng xe 2W thấp của Honda Việt Nam.

Chúng tôi điều chỉnh tăng trưởng doanh số xe du lịch ( PC) 2020 từ -27% lên -12% trong khi điều chỉnh giảm tăng trưởng mảng xe 2W năm 2020 từ -10% còn -16%. Trong giai đoạn 2020-2023, chúng tôi dự báo doanh số mảng xe PC/2W sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 14%/4% từ mức cơ sở thấp 2020.

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với P/E dự phóng 2021 của VEA đạt 10,3 lần so với P/E trung bình 5 năm trượt các công cùng ngành là 10,6 lần. Lợi suất cổ tức 2019/2020 cũng là khá hấp dẫn đạt 11,2%/11,3% (sẽ được thanh toán trong giai đoạn 2020/2021).

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: nhu cầu xe 2W và 4W phục hồi thấp hơn dự kiến; cạnh tranh gay gắt hơn trong thị trường 4W; thay đổi trong chính sách cổ tức của VEA hoặc các công ty liên kết sẽ dẫn đến lợi suất cổ tức thấp hơn kỳ vọng.

PV(t/h)
Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán 19/11: Nên "ôm" cổ phiếu nào? tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan