"Chứng khoán năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn"

15/03/2022, 10:43

TCDN - Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS cho rằng, năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn, nhiều thách thức hơn, nhiều thách thức hơn và đòi hỏi nhà đầu tư kiên nhẫn hơn.

Tại cuộc tọa đàm về chứng khoán sáng 15/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, sau năm 2021 tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán 2 tháng đầu năm 2022 diễn biến trồi sụt. Chỉ số chính VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm, chưa tìm kiếm được động lực bứt phá trong bối cảnh có nhiều biến số khó lường cả trong và ngoài nước.

Về chính sách phát triển dài hạn, UBCKNN đang xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030, dự kiến trình thông qua trong năm nay. Đây được kỳ vọng là "xương sống", định hình cấu trúc và mở ra một giai đoạn phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường trong tầm nhìn 10 năm tới.

img-4290-16412715030811096197964

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN nhận định: còn nhiều dư địa cho thị trường chứng khoán năm 2022

Năm 2021, mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 nhưng TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển ổn định, tạo ấn tượng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và các doanh nghiệp.

Kết thúc năm 2021, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 1.498,28 điểm vào ngày 31/12/2021, tăng 35,7% so với cuối năm 2020 và được đánh giá là một trong những chỉ số chứng khoán tăng trưởng cao nhất thế giới. Tính đến ngày 28/12/2021, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020 và 92% GDP năm 2021.

Tính chung cả năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỷ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020. Giá trị giao dịch tiếp tục gia tăng trong 2 tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.385 tỷ đồng/phiên, tăng 14,2% so với bình quân năm trước.

Về quy mô giao dịch TTCK Việt Nam hiện đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 trong ASEAN sau Thái Lan.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, các thị trường khác cũng ghi nhận những kết quả ấn tượng trong năm 2021 như: Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) duy trì ổn định, với quy mô niêm yết đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm trước đó. Giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2021 đạt 11,25 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với bình quân năm 2020.

Xét về khía cạnh huy động vốn, năm 2021 tổng mức huy động vốn tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, đấu giá cổ phần hoá tăng gấp 2,2 lần so với 2020.

Năm 2021 cũng ghi nhận sự tăng trưởng kỷ lục của số tài khoản nhà đầu tư mở với 1,5 triệu tài khoản, là đột biến, sự gia tăng ồ ạt của nhà đầu tư F0. 2 tháng đầu năm 2022 xu hướng này tiếp tục tiếp diễn, 2 tháng số mở mới đã bằng 1/4 năm 2021.

Bà Tạ Thanh Bình cũng nhận định: bước sang 2022, tiếp tục là một năm vô cùng khó khăn, phức tạp cho thế giới và cả Việt Nam. 

Dưới góc độ thị trường trong nước, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới quá trình hồi phục của DN và nền kinh tế, giá nguyên vật liệu đầu vào ngày càng tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp tới chi phí hoạt động của DN, nền kinh tế.

Bên cạnh đó, viễn cảnh tăng lãi suất sẽ khiến dòng vốn dịch chuyển từ thị trường mới nổi sang thị trường phát triển. Tuy nhiên, bà vẫn nhận thấy dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022.

Theo bà Bình, trong năm 2022, Bộ Tài chính, UBCK sẽ có một số giải pháp tập trung:

Thứ nhất, tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, qua đó góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và hiệu quả.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, đặc biệt là thị trường TPDN riêng lẻ, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các trường hợp cố tình, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững; tăng cường vai trò giám sát tuyến 1 của SGDCK trong việc phân tích, đánh giá và chịu trách nhiệm xác định các giao dịch nghi vấn có khả năng vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán; yêu cầu CTCK tăng cường quản lý các hội nhóm do môi giới lập; xử lý nghiêm công ty chứng khoán hỗ trợ các hoạt động thao túng chứng khoán.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và giao dịch cho thị trường TPDN phát hành riêng lẻ nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho thị trường.

Thứ tư, triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên TTCK Việt Nam.

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS cho rằng, năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn, nhiều thách thức hơn, nhiều thách thức hơn và đòi hỏi nhà đầu tư kiên nhẫn hơn. Điều này có thể hiểu được bởi thị trường chứng khoán thường sẽ tăng chậm lại sau một quá trình tăng rất mạnh.

Năm 2022, có thể thấy giá nguyên liệu hàng hóa dầu tiêu chuẩn Brent, WTI, chỉ số hàng hóa nikkei, đồng, sắt và giá xăng dầu, than…đồng loạt tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán ở các thị trường phát triển đều giảm.

Mối quan hệ liên thị trường là điều đáng ngại sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam Thêm nữa, lạm phát tại Mỹ, Châu Âu tăng mạnh trong 20-30 năm trở lại đây. Tôi lo ngại lạm phát ở khu vực Châu Á, Đông Nam Á sẽ bắt đầu ảnh hưởng từ quý II/2022, quý III/2022.

Áp lực điều chỉnh chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có sự đồng pha. Ngắn hạn, VN-Index đối mặt kháng cự 1.400 – 1.410 điểm. Đôi khi, bất chấp lạm phát, dòng tiền vẫn trú ẩn ở các mã chứng khoán.

Trong năm tới, không phải câu chuyện nhóm ngành nào dẫn dắt, mà theo các cổ phiếu riêng lẻ thuộc diện đứng đầu, có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực như: Xuất nhập khẩu, cảng biển, bảo hiểm, dầu khí, thủy sản, phân bón hóa chất và thép, cao su tự nhiên.

PV
Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn" tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Rủi ro chứng khoán có thể còn tăng thêm
Hiện tại, các nhóm ngành mạnh cũng đang gặp áp lực chốt lời nên rủi ro toàn thị trường chứng khoán tiếp tục tăng, theo cảnh báo của một số công ty chứng khoán.