"Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có thể tăng thêm bội chi 1%"

11/11/2021, 16:18

TCDN - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nếu được thông qua thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023 thì có thể làm tăng thêm bội chi ngân sách khoảng 1%.

Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trao đổi trước phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Liên quan đến chương trình phục hồi kinh tế, đại biểu Ma Thị Thúy đặt câu hỏi: Bộ trưởng Kinh nghiệm quốc tế trong triển khai các gói hỗ trợ và việc thực hiện ở Việt Nam?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các nước thường đưa ra các gói hỗ trợ rất lớn, quyết định rất nhanh, bất chấp kỷ luật tài chính, chấp nhận tăng nợ công... qua đó có tốc độ tăng trưởng và khôi phục kinh tế rất nhanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng dẫn chứng, Mỹ đã bỏ 27,9% GDP, chấp nhận tăng nợ công lên 21,1 %, đẩy tỷ lệ nợ công của Mỹ lên 133% GDP. Trung Quốc tăng 6,1% và tăng nợ công lên 9,7% điểm, tổng nợ công của Trung Quốc là 66,8%. Thái Lan tăng 15,6%, nợ công tăng 9,4%, tổng là 50,5%.

Chính sách tài khóa các nước này đều tăng cho chi y tế và phòng chống dịch, trợ giúp xã hội và hộ gia đình có thu nhập thấp với phương thức là cấp phát bằng tiền mặt; hỗ trợ lương thực, tiền điện, chi trả chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, miễn giảm thuế phí cho doanh nghiệp trong 1 số ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng; hỗ trợ dòng tiền cho một số lĩnh vực ưu tiên; đầu tư cho hạ tầng… Mỹ dùng 1.200 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng.

Chính sách tiền tệ duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp, tăng tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu đãi miễn giảm thuế; hạn chế chi trả cổ tức…

Về quan điểm của chương trình phục hồi kinh tế, gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ cho cả cung và cầu của nền kinh tế; thực hiện linh hoạt phù hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế…

Tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời và hỗ trợ và phối hợp tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa; giữa chính sách và giải pháp gắn với cơ chế thực hiện đảm bảo khả thi và hiệu quả hỗ trợ; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế.

Về mục tiêu, Bộ trưởng cho hay, Chương trình phục hồi phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần NQ 128; đảm bảo chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để hoạt động trong mọi điều kiện trước tác động của dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5-7%.

Ổn định kinh tế vĩ mô, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu ngân sách nhà nước; an toàn hệ thống tín dụng; đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân, người nghèo, đối tượng yếu thế; tránh phá sản giải thể và thâu tóm của doanh nghiệp.

Về đối tượng và phạm vi Chương trình là người dân, người lao động, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngành có khả năng phục hồi nhanh và tạo động lực lan tỏa, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước có trọng tâm, trọng điểm.

“Bộ xây dựng chương trình thời gian thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023. Nếu được Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp cuối năm nay sẽ thực hiện từ đầu năm 2022 để phục hồi và phát triển nhanh nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, trong chương trình phục hồi chưa tính bội chi. Nếu được Quốc hội thông qua chương trình phục hồi kinh tế sẽ tăng thêm bội chi khoảng 1%. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, khi kinh tế phát triển, GDP lớn lên chúng ta giải quyết được nhiều mục tiêu, các chỉ số nợ công và bội chi sẽ giảm, không tác động lớn đến các chỉ tiêu vĩ mô của chúng ta.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có thể tăng thêm bội chi 1%" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2023
Việt Nam bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch Covid-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Vì vậy, phải xây dựng được Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế đến năm 2023.