Chuyển đổi xanh: Thiếu cả nguồn vốn và quy trình tiếp cận

26/03/2024, 17:12
báo nói -

TCDN - Chuyển đổi xanh và thực hành ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) được xác định là con đường không thể khác cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế…

10-1

Nguy cơ rớt khỏi chuỗi cung ứng

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh, hiện nay biến đổi khí hậu, các xung đột địa chính trị, địa kinh tế và khủng hoảng năng lượng thường trực đang khiến thế giới phải thay đổi với việc thiết lập “trật tự xanh”.

Hiện các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam đều đã và đang chuẩn bị cho những quy định cụ thể về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Như Châu Âu có kế hoạch hành động tuân thủ cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), quy định về phòng chống phá rừng(EUDR); Mỹ Dự thảo Luật Cạnh tranh sạch… Các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ có những cơ chế tương tự trong thời gian tới.

Thực tế, động lực tăng trưởng của Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ chiếm 30% thị phần xuất khẩu và Châu Âu chiếm 10% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Việc áp dụng các quy chuẩn nói trên sẽ tạo áp lực đối với doanh nghiệp Việt khi phải đối mặt với rào cản kỹ thuật để gia nhập các thị trường lớn, giá thành hàng hóa tăng lên, giảm tính cạnh tranh, cùng với đó là áp lực từ các doanh nghiệp đầu chuỗi.

Vì vậy để giữ được thị trường và động lực, chuyển đổi xanh là bắt buộc thậm chí là phải nhanh khi các nhà mua hàng ngày càng gia tăng áp lực phải thay đổi. “Nếu chậm chân thì cho dù xuất hiện bài bản ở các thị trường truyền thống nhưng vẫn có thể rớt ra khỏi chuỗi cung ứng rất nhanh trong vòng 2-3 năm tới. Vì vậy chuyển đổi xanh là bắt buộc và thực hành ESG là cơ hội cho các doanh nghiệp", bà Thủy khuyến nghị.

Trong bối cảnh đó, với những chuyển động chính sách và thực tiễn trong nước sau cam kết mạnh mẽ tại COP26, Việt Nam đang tích cực “xanh hóa” nền kinh tế. Trong đó, một số chính sách quan trọng và có tác động đến diện rộng các doanh nghiệp như Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó bổ sung dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon; Dự thảo Quyết định về việc ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Cùng với các quy định về kiểm kê khí nhà kính, doanh nghiệp lại càng không thể chậm trễ chuyển đổi.

Không thể chờ khi có đủ nguồn lực và nền tảng

Theo dự báo của World Bank, Việt Nam đang có nhu cầu tài chính lớn để chuyển đổi nền kinh tế “xanh hơn”, trong đó khu vực tư nhân được dự báo sẽ chi khoảng 350 tỷ USD.

Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tính đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó chủ yếu cấp cho năng lượng tái tạo (gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Tuy nhiên, nguyên nhân khiến chưa thu hút được nhiều nguồn vốn vào tăng trưởng xanh là do thiếu cơ sở pháp lý về phân loại xanh, quy trình tiếp cận vốn xanh chưa được ban hành. Hiện Chính phủ (NHNN) đang dự thảo Nghị định về việc ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; Hoàn thiện cơ sở pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi.

Một khó khăn khác là Việt Nam chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon. Sàn giao dịch tín chỉ carbon Việt Nam sẽ vận hành thí điểm vào năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2028, chậm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Khảo sát 2.734 doanh nghiệp vào cuối năm 2023 của Ban IV cho thấy, bức tranh chuyển đổi xanh đang có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều “mảng xám”, khi 64% doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì cho giảm phát thải và chuyển đổi xanh; gần 52% cho đánh giá mức độ cần thiết chuyển đổi ở cấp bình thường, không cần thiết và rất không cần thiết. Rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, trong đó vốn và nhân sự là hai vấn đề nổi bật. Tuy nhiên, có điều đáng mừng là các doanh nghiệp đang nhận thức tốt việc giảm phát thải và chuyển đổi xanh giá trị tăng thêm từ tín chỉ carbon cũng chính là để tối ưu hiệu quả hoạt động của mình.

Bà Thủy chia sẻ, câu chuyện từ các doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi xanh đang thực chứng điều này. Điển hình như Công ty May Hồ Gươm, khi ý thức được sự chuyển động và sức ép mua sắm xanh, đã kiên quyết phấn đấu để đạt được chứng chỉ LEED của Mỹ. Phần thưởng cho những nỗ lực này là trong năm 2023, mặc dù tăng trưởng ngành dệt may trong nước sụt giảm gần 10%, nhưng May Hồ Gươm vẫn tăng trưởng cao. Và hơn thế, khi các nhà mua hàng quốc tế vào tìm kiếm đơn vị gia công sản xuất tại Việt Nam thì May Hồ Gươm luôn trong nhóm đầu danh sách lựa chọn, và lúc đó, thậm chí công ty còn có quyền lựa chọn đối tác.

Theo bà Thủy, chuyển đổi xanh và thực hành ESG là một hành trình dài và khó khăn với doanh nghiệp, đòi hỏi nguồn lực lớn. Song doanh nghiệp không thể chờ khi có đủ nguồn lực và nền tảng mới làm.

“Trong bối cảnh nhận thức chưa đủ thì rất khó dung hợp chuyển đổi xanh vào chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Khi chưa biết khởi hành từ đâu thì nên bắt đầu bằng các sáng kiến nhỏ. Qua quá trình thực hiện, doanh nghiệp sẽ biết mình ở đâu trong quá trình chuyển đổi, cũng như đúc rút được kinh nghiệm trong triển khai để từ đó có những bước đi xa hơn”, bà Thủy khuyến nghị và cho biết, đây cũng là tư vấn của các chuyên gia quốc tế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng chỉ ra một con đường giúp các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, thực hành ESG hiệu quả là tiếp cận các dự án và cuộc thi về các lĩnh vực này. Bà Trần Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần HHP GLOBAL - đại diện Top 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc “Sáng kiến ESG Việt Nam 2023” cho biết: “Trước đây, cứ nói đến sản xuất giấy là nghĩ ngay đến ô nhiễm môi trường. Cách đây 10 năm khi tái cấu trúc doanh nghiệp, chúng tôi đã khát khao đầu tư nhà máy mới với công nghệ tiên tiến đạt chuẩn thế giới. Và đến năm 2020, chúng tôi xây dựng nhà máy mới theo tiêu chuẩn xanh LEED. Với ESG, chúng tôi cũng có công ty nước ngoài tư vấn, song phải đến tháng 3/2023, khi tham gia “Sáng kiến ESG Việt Nam 2023” mới thấy rất đúng với những mong muốn chưa thực hiện được của mình. Đặc biệt sau khi lọt vào top 20, doanh nghiệp nghiêm túc hơn trong việc tìm hiểu ESG và mọi chuyện đã có thay đổi đột biến. Tháng 8/2023, HHP chính thức thành lập Tiểu ban ESG. Thực hành ESG đã phát triển thành chiến lược của chúng tôi với lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035. Doanh nghiệp cũng đổi tên từ CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng sang CTCP HHP GLOBAL với mong muốn không chỉ sản xuất xanh hơn mà còn vươn tầm quốc tế, mở rộng xuất khẩu. “Từ cuộc thi đó, doanh nghiệp có sự đồng hành trực tiếp từ chương trình và chuyên gia. Nhờ sự kết nối này con đường phát triển đã rộng mở”, bà chia sẻ và khuyến nghị: “Thực hành ESG không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà trở thành lợi thế cho những doanh nghiệp muốn đi nhanh.

Hà Quyên

Tạp chí in số tháng 3/2024
Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi xanh: Thiếu cả nguồn vốn và quy trình tiếp cận tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận