Chuyển đơn qua PC03 vụ một doanh nghiệp bị tố lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

26/12/2023, 10:58
báo nói -

TCDN - Một Công ty bị tố chiếm đoạt tài sản khi “biến” khu đất không thuộc sở hữu của mình để ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng cho nhiều khách hàng nhằm tạo lòng tin để khách hàng giao tiền. Công an Tp.HCM đã nhận đơn tố cáo và chuyển đơn cho phòng Cảnh sát Kinh tế xem xét, giải quyết.

Một chuỗi hành vi đưa khách hàng vào thế đã rồi

Theo bà Vũ Thị Vân ngụ tại quận Gò Vấp, Tp.HCM cho biết, vì có nhu cầu bán lô đất ở Long An, nên bà đã ký gửi lô đất này cho Dung - nhân viên của một công ty trụ sở tại Hoàng Việt, quận Tân Bình, Tp.HCM.

Ngày 17/10/2023, Dung báo cho bà Vân rằng có khách quan tâm đến lô đất của bà với giá cao và hẹn bà đến 34 Lê Duẩn, quận 1, Tp.HCM để dẫn khách xem đất.

Theo đó, vào sáng ngày 18/10, khi bà Vân đến gặp Dung tại điểm hẹn, một lát sau xuất hiện một người phụ nữ xưng tên Hiền và nói có nhu cầu mua đất của bà Vân tại Long An. Sau khi Hiền được bà Vân cho xem những giấy tờ đất liên quan đế thửa đất thì cả 3 cùng lên xe ôtô để đi đến thực địa thửa đất tại Long An.

Trên xe lúc này ngoài bà Vân, Dung và Hiền còn có thêm 2 nhân viên khác của Công ty. Nhưng thay vì xe chạy đi Long An thì lại đi hướng ra cao tốc Long Thành – Dầu Giây đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Lúc này bà Vân bắt đầu thắc mắc thì được Dung đáp rằng, “hôm nay công ty em có sự kiện mở bán đất ở Phú Mỹ nên ghé qua đó trước rồi đi Long An sau, em gái của chị Hiền có ý định mua 2 miếng đất ở dưới Phú Mỹ nên chị Hiền muốn xuống dưới đó chụp hình, quay phim cho em chị Hiền coi đất luôn”. Nghe vậy bà Hiền cũng xác nhận “đúng”.

Đồng thời, lúc này trên xe Dung bắt đầu rỉ tai với bà Vân và bà Hiền rằng, “có khách ở Nha Trang muốn mua 4 nền đất liền nhau, khách này bên em đã theo lâu lắm rồi, cô này ở Nha Trang bay vào không kịp lúc công ty mở bán hôm nay để mua được giá ưu đãi có chiết khấu là 5 chỉ vàng và sổ tiết kiệm 50 triệu đồng”.

Để đánh vào tâm lý sẽ được của hời trong việc cọc giữ chỗ giùm, Dung bắt đầu năn nỉ 2 vị khách: “nhờ hai chị mỗi người đặt cọc 2 lô giữ chỗ dùm cho khách này, rồi chiều khách này bay vào kịp thì sẽ mua lại và trả cọc lại cho, phần chiết khấu hai chị sẽ hưởng”. Cùng với đó, Dung đưa điện thoại cho bà Vân xem hình nhân viên bên công ty đang đứng đón khách ở sân bay để bà tin. Tuy nhiên, vì không có nhu cầu và khả năng mua đất nữa nên bà Vân không đồng ý, còn bà Hiền nói “để ra đó xem thế nào rồi tính”.

Sau đó, xe dừng tại một khu đất trống ở phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu bà Vân thấy có khoảng hơn 10 chiếc xe 7 chỗ đã đưa khách đến đó. Bà Vân được dẫn vô một căn nhà có khoảng 25 người gồm khách và nhân viên đang ngồi ở đó để trao đổi, tư vấn. Lúc này, Dung lại tiếp tục năn nỉ bà Vân đặt cọc giữ chỗ dùm cho người mua đất từ Nha Trang do họ bay vào không kịp, còn cố cho xem bằng chứng trễ chuyến bay. Dung liên tục dùng lời lẽ nài nỉ bà Vân bằng nhiều cách thức rất thuyết phục, lôi cuốn, còn bà Hiền thì có các hành vi, lời lẽ ẩn ý để thôi thúc bà Vân đồng ý và làm theo bà Hiền.

Khu đất tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu

Khu đất tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu

Thấy bà Hiền đồng ý làm và nghĩ sẽ kiếm lời được trong ngày nên bà Vân cũng đồng ý ký vào phiếu đặt cọc để đặt cọc 1 lô đất với số tiền 100 triệu đồng. Và để tạo lòng tin cho bà Vân đặt cọc, Dung giới thiệu bà với sếp mình là Ánh, được Ánh ghi và ký vào trên phiếu cọc của bà với nội dung “Công ty sẽ hoàn trả cọc trong ngày cho bà nếu khách không mua lại”, sau đó bà Vân đồng ý cọc và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của ông T- Giám đốc Công ty.

Tiếp đó, vào đầu giờ chiều ngày 18/10, bà Vân và bà Hiền về trụ sở của Công ty . Tại đây, nhân viên của Công ty dẫn một người phụ nữ được giới thiệu tên là Nhi, chính là người muốn mua lại lô đất của bà Vân đã đặt cọc. Bà Nhi bịt mặt, đeo khẩu trang kín, còn mang theo sẵn một túi tiền có logo của Ngân hàng ACB. Qua nói chuyện, nhu cầu mua đất của bà Nhi có thay đổi, không muốn mua vị trí và lô đất mà bà Vân và bà Hiền đã đặt cọc.

Để giải quyết việc này Dung và Bảo nhân viên đã in phiếu cọc mới rồi đưa cho bà Vân ký lại để cọc cho một lô đất ở vị trí và địa chỉ khác, đồng thời thu lại phiếu cọc cũ, bà Vân đồng ý.

Khi bà Vân ký đổi lại phiếu cọc xong, bà Nhi xem phiếu cọc rồi lại tiếp tục đưa ra điều kiện là “Công ty phải ký hợp đồng với bà Vân và phải đóng đủ 50% giá trị lô đất này thì bà Nhi mới mua”.

Sau khi tính toán miếng đất của bà Vân có giá 2 tỷ 200 triệu đồng, trừ đi chiết khấu thì còn lại là 2 tỷ 015 triệu đồng, bà Nhi khẳng định nếu bà Vân ký hợp đồng với công ty và thanh toán đến 50% thì bà Nhi sẽ mua với giá chênh lệch tăng thêm 16% trong ngày với số tiền là 2 tỷ 552 triệu đồng tương đương số tiền chênh lệch bà Vân được hưởng 457 triệu đồng. 

Lúc đó thấy bà Nhi mang sẵn tiền để trên bàn, khẳng định mua với điều kiện rõ như vậy, nghĩ đến việc sẽ được hưởng 457.000.000 đồng, cộng với việc các nhân viên của Công ty nói tốt, cổ vũ, còn bà Hiền cũng hùa vào và đồng ý ký hợp đồng, thanh toán… cho nên bà Vân đã đồng ý ký hợp đồng với Công ty. Sau đó, bà Vân đi vay tiền người nhà để thanh toán 50% giá trị lô đất.

Sau khi ký hợp đồng, trong ngày bà Vân đã chuyển khoản 4 lần vào tài khoản cá nhân của ông Lê Đức T và cà thẻ 3 lần tại công ty để thanh toán thêm tổng số tiền là 947 triệu đồng cho Công ty và cộng với 100 triệu đồng tiền cọc trước đó, lúc này bà Vân đã thanh toán 50% giá trị lô đất với tổng số tiền là 1.047 triệu đồng.

Công ty lập phiếu xác nhận nộp tiền và đưa hợp đồng để bà Vân ký Hợp đồng nguyên tắc số 33/2023/HĐNT-PLA ngày 18/10/2023. Thế nhưng, bất ngờ bà Nhi lại nói rằng “hợp đồng này vẫn còn ba bên sợ tranh chấp nên không mua nữa”, khiến bà Vân sốc và ra sức giải thích, mặc dù trước đó chính bà Nhi yêu cầu bà phải ký hợp đồng với công ty. 

Tiếp đó, bà Nhi yêu cầu bà Vân phải giảm giá thêm 50 triệu đồng/lô và đưa ra điều kiện là “bà Vân phải đi ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng đất với chủ đất, rồi nộp hồ sơ đăng bộ sang tên bà và nhận về giấy biên nhận nộp hồ sơ thì bà Nhi mới mua”. Đồng thời, nhân viên của Công ty nói bà Vân phải thanh toán đủ 100% giá trị lô đất theo hợp đồng thì mới đi công chứng đăng bộ được. Thấy vậy bà Vân yêu cầu bà Nhi phải đặt cọc tiền mua đất trước cho bà 400 triệu đồng thì bà mới tiếp tục đi vay tiền để nộp thêm. Nhưng bà Nhi chỉ đồng ý cọc cho bà Vân 100 triệu đồng (nhưng trên phiếu cam kết cọc thì lại ghi 150 triệu đồng cho giá trị lô đất là 2 tỷ 552 triệu đồng).

Nhận số tiền 100 triệu đồng của bà Nhi, bà Vân nộp cho Công ty nhưng nhân viên công ty báo bà vẫn còn thiếu 867,5 triệu đồng nữa mới đủ điều kiện đi công chứng.

Sau khi vay của người thân số tiền 35.000 USD, ngày 19/10, bà Vân mang 35.000 USD lên Công ty để nộp cho kế toán và được quy đổi ra được 857 triệu đồng nhưng vẫn còn thiếu 10 triệu đồng, bà Vân chuyển khoản vào số tài khoản của ông Lê Đức T. Như vậy đến lúc này bà Vân đã thanh toán đủ 2 tỷ 015 triệu đồng, trong đó tiền của bà bỏ ra là 1 tỷ 915 triệu đồng, còn của bà Nhi là 100 triệu đồng.

Sau khi nộp đủ tiền xong, Công ty bố trí xe chở vợ chồng bà Vân và một nhân viên của công ty xưng là Tuấn xuống Văn phòng công chứng Thân Văn Quý ở thành phố Bà Rịa để công chứng.

Đáng chú ý, hồ sơ công chứng đã được một người tên Tú chuẩn bị sẵn và họ đưa hợp đồng cho vợ chồng bà Vân ký. Khi ký thì bà Vân mới biết được chủ đất có tên là Nguyễn Thị Thúy Hằng, trong khi người này bà chưa bao giờ gặp hay giao dịch gì, còn giá chuyển nhượng ghi trong Hợp đồng công chứng của thửa đất này chỉ là 200 triệu đồng. Vì nghĩ ký xong, nộp biên nhận để sang luôn theo điều kiện của bà Nhi nên bà Vân không quan tâm mà chỉ ký và làm theo yêu cầu của Tú. 

Tuy nhiên, khi ký xong thì Tú yêu cầu bà Vân phải đưa lại bản gốc Hợp đồng nguyên tắc số 33/2023/HĐNT-PLA, Phiếu cọc và toàn bộ các chứng từ, biên nhận tiền gốc mà bà đang giữ cho Tú, nên bà Vân đã giao lại hết cho Tú tại Phòng công chứng.

Sáng ngày 20/10, vợ chồng bà Vân lên Công ty theo lịch hẹn, nhưng nhân viên công ty nói “bà Nhi không đi công chứng được vì phải chờ lô đất của bà Hiền công chứng xong và nộp để có biên nhận, bà Nhi chỉ đồng ý mua theo cặp vì sợ bà Hiền không bán thì 4 miếng của bà Nhi muốn mua không liền kề”. 

Lúc này, bà Vân bức xúc tranh cãi với nhân viên Công ty nhưng tất cả các nhân viên của Công ty đều chối bỏ trách nhiệm và đổ thừa cho bà Nhi và bà Hiền với nhiều lý do. Bà Hiền đều đưa ra lý do để trốn tránh, lúc thì mèo ốm chết, lúc thì chồng đi công tác ở Singapore... 

Sau khi biết mình bị lừa mua đất với chiêu trò vô cùng tinh vi của Công ty, bà Vân đã làm đơn gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an… tố giác ông T. Giám đốc Công ty cùng một số đối tượng có liên quan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1 tỷ 915 triệu đồng của bà bằng thủ đoạn gian dối trong việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Không chỉ một người tố bị lừa

Cũng với cách thức nêu trên, Công ty sau khi biết nhu cầu mua đất của bà Trần Kim Hồng ngụ tại Phường 13, quận Tân Bình, Tp.HCM đã giới thiệu cho bà này một khu đất view biển đẹp ở Vũng Tàu. Sau đó, bà Hồng đã đồng ý đi mua và cũng được Công ty dùng các thủ đoạn đặt cọc, ký hợp đồng nguyên tắc giống như quá trình của bà Vân nêu trên.

Sau đó, bà Hồng tiến hành thanh toán số tiền 50% với số tiền hơn 1 tỷ đồng cho phía Công ty nhưng được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của ông T- Tổng giám đốc công ty này. Sau khi thanh toán xong bà Hồng mới phát hiện ra dấu hiệu lừa đảo của công ty này.

Bởi vì, hợp đồng nguyên tắc bà Hồng ký với Công ty thì nội dung đã được soạn sẵn thể hiện công ty này là chủ sở hữu khu đất để bán cho khách hàng. Tuy nhiên, sau khi người nhà của bà Hồng kiểm tra biết được người sở hữu thật sự của khu đất này không phải là Công ty mà của một người khác.

Từ việc phát hiện ra những dấu hiệu lừa đảo của Công ty, bà Hồng đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty.

Ngày 11/12, sau khi nhận đơn tố cáo của bà Hồng, bà Vân, Công an Tp.HCM đã chuyển đơn cho phòng Cảnh sát Kinh tế Tp.HCM để xem xét giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả về văn phòng cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM để theo dõi.

Có dấu hiệu của tội lừa đảo

Liên quan đến sự việc này, Luật sư Nông Minh Đức – Công ty Luật Tùng Dương – thuộc Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng, qua xem xét hồ sơ thì: Hợp đồng nguyên tắc của Công ty có dấu hiệu của tội lừa đảo, vì hợp đồng này ghi rõ “quyền sử dụng đất của bên A (Công ty ) đối với thửa đất…”. Theo đó khách hàng đã tin tưởng và giao tiền cho Công ty để rồi công ty này thực hiện việc chiếm đoạt. Sau đó, Công ty đã thu lại Hợp đồng nguyên tắc và Phiếu thu nhằm xoá chứng cứ lừa đảo. Đây có thể được xem là thủ đoạn tinh vi nhằm che dấu hành vi lừa đảo.

Và việc sau khi khách hàng ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty nhưng phải chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Tổng giám đốc công ty này, Luật sư Nông Minh Đức nhận định, đây là hành vi lừa đảo được lên kế hoạch để tổ chức, và nó nằm trong 1 chuỗi hành vi có ý thức, có kế hoạch phạm tội. Thể hiện giám đốc là kẻ chủ mưu, lên kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch.

Thanh Quang
Bạn đang đọc bài viết Chuyển đơn qua PC03 vụ một doanh nghiệp bị tố lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan