Chuyên gia hiến kế phục hồi trong và sau đại dịch

27/09/2021, 19:37

TCDN - Các chuyên gia kinh tế - xã hội cho rằng để phục hồi sau dịch, Việt Nam cần phải đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, khôi phục lại chuỗi cung ứng, triển khai nhanh các gói hỗ trợ, cần phải sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch.

Sáng 27/9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội. Chủ trì toạ đàm là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Thu ngân sách đang chững lại, nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy

Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm khoảng 15-17%. Thu hút FDI đang chịu nhiều rủi ro, cũng có hiện tượng dịch chuyển đơn hàng nhưng vẫn là điểm sáng tới thời điểm này và Việt Nam đang nỗ lực níu kéo các nhà đầu tư lớn ở lại.

Theo ông Lực, chính sách hiện thiếu nhất quán, giật cục, thay đổi rất nhanh, thay đổi nhiều nên doanh nghiệp bị động. Trong khi sửa những bất cập chính sách chậm, nên tăng chi phí, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất ở nhiều doanh nghiều, địa phương khác nhau.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: "Chúng ta đã áp đặt mô hình 'Zero COVID-19' quá dài. Phong tỏa cứng đất nước chỉ có thể kéo dài trong 7 ngày, nhiều nhất là 10 ngày, không thể phong tỏa cả nửa năm trời".

Cùng với đó là câu chuyện cải cách, hoàn thiện thể chế đang bị chậm lại; thể chế cho mô hình kinh tế số rất chậm.

Ngoài ra, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh, cơ cấu lại nền kinh tế đang chững lại, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước chậm, nguồn thu ngân sách đang thiếu hụt lớn. Thu ngân sách năm nay chủ yếu liên quan tới giao dịch đất đai, kinh doanh chứng khoán thu thuế nhiều (6.000-7.000 tỷ đồng), nên khó ổn định trong tương lai tới.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nếu chúng ta không chủ động về vacine và không có chiến lược vaccine hợp lý thì khả năng cao khôi phục kinh tế sẽ xa vời.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ông Vũ Thành Tự Anh phân tích: Tác động của đợt dịch lần thứ 4 tới tốc độ tăng trưởng rất rõ ràng. Sắp tới sẽ có số liệu của quý 3, nhưng nhìn vào mức tiêu thụ điện thì có thể thấy phạm vi toàn quốc, 2 tuần đầu tháng 9 so với thời kỳ trước giản cách thì mức độ tiêu thụ điện giảm khoảng 25%, riêng miền Nam giảm gần 30%, cho thấy tốc độ tăng trưởng quý 3, chắc chắn sẽ tương đối thấp so với các quý trước.

“Nếu chúng ta không mở cửa bán tự động nền kinh tế cho phép giao thương và đi lại thì nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy, sụp đổ là rất lớn”, ông Anh nhấn mạnh.

Cải cách thể chế nâng cao hiệu lực chính sách

PGS.TS. Phạm Hồng Chương cùng nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trước tiên cần thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ, nhất quán mới có thể mở cửa trở lại. Quan điểm tiếp cận chống dịch ở nước ta lấy phòng bệnh, dồn mọi nguồn lực cho khoanh vùng, cách ly, giãn cách… và đang chuyển sang tình trạng miễn dịch cộng đồng mới là rất tốn kém.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, cần đẩy nhanh tiêm vaccine đặc biệt cho cả ngư dân, nông dân và cho phép sử dụng lao động an toàn, tạo nguồn lao động xanh để doanh nghiệp và các hộ nông ngư nghiệp được quyền thuê lao động đảm bảo hoạt động trở lại khi đủ điều kiện. Đồng thời cho phép tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian giãn cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương.

Cùng với đó, cần kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính làm đứt gẫy chuỗi cung ứng từ Trung ương tới địa phương, không xử lý vội vàng không tuân theo quy luật kinh tế thị trường gây mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thông suốt, đảm bảo tính liên thông liên vùng.

Trong đó, theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hạn chế đi lại thông minh hơn sẽ giúp cân bằng mối quan tâm về an toàn và kinh tế. Bởi mọi người đều có thể làm lây nhiễm Covid - 19 ngay cả khi đã được tiêm chủng nên chưa thể bỏ việc hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, thay vì cách ly theo quy mô rộng, các địa phương cần thực hiện cách ly có mục tiêu để vừa chỉ bỏ ra chi phí phù hợp, vẫn đáp ứng yêu cầu chặn đứt các vòng lây của virus gây ra dịch bệnh Covid - 19.

Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh “đã đến lúc cần suy nghĩ và thực hiện những cải cách thể chế quan trọng để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách”. Để thực hiện mục tiêu này, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần đơn giản hoá các quy trình và thủ tục hành chính; sử dụng thông minh các công cụ thị trường (chính sách khuyến khích); tăng cường thực thi các quy định pháp luật; thúc đẩy các quy trình có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. 

Trong khi đó, ông Vũ Thành Tự Anh kiến nghị, mặc dù gói hỗ trợ tài khóa đã được ban hành nhưng quy mô còn quá nhỏ, và hiệu lực thì thấp, Vì vậy ưu tiên trong quý IV và tháng sau đó là làm thế nào để giải ngân hiệu quả nhất gói an sinh xã hội và các gói hỗ trợ, phê chuẩn triển khai ngay gói miễn giảm thuế; khởi động lại các dự án đầu tư công.

Vào nặm 2022, ngân sách quan trọng, tôi nghĩ Quốc hội kiên quyết trong việc chấp nhận có một gói hỗ trợ nền kinh tế và kích cầu cao hơn nhiều so vứoi năm 2021, chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn. Trong điều kiện lãi suất giảm, trái phiếu đang giảm, tỷ lệ bội chi ngân sách đang trong tầm kiểm soát, thì trong bối cảnh bất thường thì cần có 1 quyết tâm bất thường đó là chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn.

Bên cạnh đó cần ưu tiên cho đầu tư công trung hạn với các dự án lớn như cao tốc bắc Nam, sân bay Long Thành, cơ sở hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các đại biểu đều thống nhất rằng, việc kiểm soát thành công dịch Covid-19 và một số giải pháp, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của năm 2020 đã giúp Việt Nam ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91% - một trong những mức cao nhất thế giới và được duy trì khá tốt những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, do đại dịch, sức khỏe người dân và doanh nghiệp bị suy giảm đáng kể. Cùng với đó, với chủng mới của virus, dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại vào năm 2021, tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội, hệ thống y tế và sức khỏe thể chất và tinh thần người dân, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Quý 3/2021 và việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm, phần nào đó tác động đến việc thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết 5 năm đã được Quốc hội phê chuẩn.

Linh Giang
Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia hiến kế phục hồi trong và sau đại dịch tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chính phủ sẽ xây dựng kịch bản để phục hồi kinh tế
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 (ngày 6/9), Thủ tướng nhấn mạnh, phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.
ADB: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi ở mức 6,7%
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ở các quốc gia lân cận, và tăng lên 7,0% trong năm 2022.