Chuyên gia kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế VAT với phân bón
TCDN - Nhiều chuyên gia kiến nghị sửa đổi chính sách thuế VAT với mặt hàng phân bón do phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT, điều này dẫn đến nhiều bất cập.
Tại Hội thảo: “Thực trạng và giải pháp toàn diện cho sự phát triển của ngành Vật tư Nông nghiệp và Nông nghiệp Việt Nam" vừa diễn ra, TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết phân bón là vật tư quan trọng số một với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt và ngành trồng trọt hiện chiếm từ 64 - 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Đến hết năm 2020, cả nước có 841 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất 39,25 triệu tấn/năm. Có 24.349 sản phẩm phân bón lưu hành tại Việt Nam đã được công nhận. Đồng thời, có 380 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào nhóm sản phẩm vi sinh nông nghiệp phục vụ trồng trọt, bao gồm: phân bón hữu cơ và hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, hiện nay vật tư nông nghiệp lại rất phức tạp về chất lượng trong khi đó, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhẹ. Cùng với đó là các chính sách về thuế phí chưa thực sự phù hợp, vẫn còn nhiều bất cập.
Chính vì vậy, TS Nguyễn Trí Ngọc cho rằng: Trước hết là phải thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước từ đó giảm giá bón vật tư nông nghiệp tới tay người nông dân. Tiếp đó, kiến nghị quốc hội cho sửa càng sớm càng tốt Luật Thuế 71 đối với lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón.
Theo Luật số 71/2014/QH13, phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT. Theo phản ánh của doanh nghiệp, điều này dẫn đến nhiều bất cập.
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Phần lớn các nước này đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VAT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.
Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lại gặp nhiều khó khăn. Do phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; đồng thời không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Về phía nhà nước cũng mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%. Còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm - nghĩa là mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được.
Đưa ra giải pháp nhằm khắc phục thực trạng giá vật tư nông nghiệp tăng cao, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế thì cho rằng: Để khắc phục tình trạng tăng giá vật tư nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách cả trong sản xuất và trong sử dụng vật tư nông nghiệp.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, các bộ ban, ngành cần tiếp tục xem xét điều chỉnh các loại thuế phí có liên quan đến sản xuất vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, chính sách hoàn thuế, chính sách ưu đãi, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất nhập khẩu, các loại thuế phí có liên quan đến lĩnh vực này một cách cẩn trọng và toàn diện… để các mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu có thể giảm bớt khó khăn cho nông dân.
Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường bình ổn giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp chống tình trạng đầu cơ, nâng giá vật tư nông nghiệp sản xuất và tiêu thụ vật tư nông nghiệp kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái của các đại lý các nhà phân phối bán lẻ. Cần Xem xét ban hành các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất quản lý để các địa phương và các cơ quan quản lý có thể áp dụng thống nhất rõ ràng công khai, minh bạch. Cần có đủ chế tài đủ nghiêm để xử lý các trường hợp vi phạm...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899