Cơ chế đặc thù cho Hà Nội: Đề nghị nâng mức dư nợ vay lên 90%

28/04/2020, 08:03

TCDN - Chính phủ đề xuất mức dư nợ vay của ngân sách Hà Nội được nâng lên không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp chiều 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu rõ một số nội dung xin ý kiến UBTVQH.

Theo đó, với quy định của dự thảo Nghị định, mức dư nợ vay của ngân sách thành phố được nâng lên không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

Lý do của đề xuất này là theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Hà Nội, nhu cầu vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 300.000 tỷ đồng, trong khi Thành phố chỉ cân đối ngân sách được 105.000 tỷ đồng, nên việc huy động vốn đầu tư phát triển tập trung cho các dự án trọng điểm nhằm sớm triển khai đồng bộ, hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả là hết sức cần thiết.

Dự kiến trong thời gian tới, Hà Nội vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài đã ký Hiệp định để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm khoảng 23 nghìn tỷ đồng (trên 1 tỷ USD).

“Việc quy định tăng hạn mức dư nợ vay từ 70% (theo Nghị định số 63/NĐ-CP) lên 90% bảo đảm cho thành phố Hà Nội có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải thích.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, hiện Tp.HCM đã được áp dụng mức dư nợ vay 90% theo Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng được phép tạm ứng quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng mức tạm ứng không quá 50% so với số dư quỹ dự trữ tài chính thành phố bình quân 3 năm trước.

Về mức chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố Hà Nội quản lý, dự thảo quy định “không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố do HĐND thành phố Hà Nội quy định”…

Cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2020 đến hết năm ngân sách 2022. Riêng cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù về tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính được thực hiện từ năm ngân sách 2020. Quy định như trên để đảm bảo đồng bộ về thời gian thực hiện cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù áp dụng cho thành phố Hà Nội với việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM theo Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, đa số ý kiến tại Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng ý với việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách Hà Nội lên 90% để bảo đảm tương đồng với cơ chế đặc thù của TP.HCM, nhằm tạo dư địa cho Thủ đô có thể tăng quy mô vay vốn đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, trong bối cảnh nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp và các dự án ODA về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đã được chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho địa phương vay lại .

Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố là 70% như quy định hiện hành. Vì với tỷ lệ 70% đã cao hơn mức quy định của Luật Ngân sách nhà nước là 60%. Mặt khác, trên thực tế, tính đến ngày 31/12/2019 thì dư nợ vay của Thành phố mới đạt khoảng 12% mức dư nợ cho phép (11,4 nghìn tỷ đồng/71,4 nghìn tỷ đồng).

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng về cơ bản, các đề nghị của Chính phủ trong dự thảo Nghị định là hợp lý, song một số điểm có quy định khác với luật hiện hành.

“Có thể xử lý bằng cách đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp ngay trong kỳ họp thứ 9 tới đây”, ông Uông Chu Lưu đề xuất.

Hải Tiến
Bạn đang đọc bài viết Cơ chế đặc thù cho Hà Nội: Đề nghị nâng mức dư nợ vay lên 90% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan