Cơ hội và thách thức đối với kế toán viên trong chuyển đối báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế

28/07/2024, 20:36
báo nói -

TCDN - Nghiên cứu "Cơ hội và thách thức, những kỹ năng cần có cho kế toán viên khi chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS" nhấn mạnh vào việc nghiên cứu về cơ hội và thách thức mà việc chuyển đổi báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) mang lại cho kế toán viên.

6-1

TÓM TẮT:

Nghiên cứu "Cơ hội và thách thức, những kỹ năng cần có cho kế toán viên khi chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS" nhấn mạnh vào việc nghiên cứu về cơ hội và thách thức mà việc chuyển đổi báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) mang lại cho kế toán viên. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, việc áp dụng IFRS không chỉ giúp nâng cao chất lượng thông tin tài chính mà còn tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong quá trình hợp tác và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng đồng nghĩa với việc đối diện với nhiều thách thức và yêu cầu cao về kiến thức và kỹ năng của người làm kế toán. Do đó, nghiên cứu về cơ hội và thách thức, cũng như những kỹ năng cần có cho kế toán viên khi thực hiện chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS là vô cùng cần thiết và quan trọng để kế toán viên có thể thích nghi và phát triển trong môi trường kế toán ngày càng quốc tế hoá.

1. Cơ hội và thách thức cho kế toán viên khi chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS.

Việc chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS mang lại nhiều cơ hội cho kế toán viên. Dưới đây là một số cơ hội quan trọng mà kế toán viên có thể tận dụng từ việc áp dụng IFRS.

Thứ nhất: Mở rộng cơ hội nghề nghiệp

Việc hiểu biết và áp dụng IFRS giúp kế toán viên mở rộng cơ hội nghề nghiệp, từ việc làm việc cho các doanh nghiệp quốc tế đến việc tham gia vào các dự án và công việc có tính quốc tế cao.

Thứ hai: Nâng cao uy tín và chuyên môn, tham gia vào môi trường làm việc chuyên nghiệp.

IFRS đặt ra các yêu cầu cao về tính minh bạch và tin cậy trong báo cáo tài chính. Việc tham gia IFRS giúp kế toán viên nâng cao uy tín và chuyên môn trong ngành, từ đó tạo ra cơ hội thu hút khách hàng và đối tác mới. Đồng thời giúp kế toán viên có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.

Thứ ba: Học hỏi và phát triển cá nhân

Việc tham gia vào quá trình chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS giúp kế toán viên học hỏi và phát triển kỹ năng mới, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận và thích nghi với các thay đổi trong ngành kế toán

Bên cạnh những cơ hội, vẫn còn rất nhiều những khó khăn, thách thức cho kế toán viên trong quá trình chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS.

Thứ nhất: Hiểu biết và khả năng áp dụng chuẩn mực mới

IFRS có cấu trúc và yêu cầu khác biệt so với chuẩn mực kế toán trong nước. Kế toán viên cần phải nắm vững và áp dụng đúng các quy định của IFRS, điều này đòi hỏi họ phải có kiến thức sâu rộng và khả năng áp dụng linh hoạt (ThS. Nguyễn Ánh Hồng (2020).

Các cơ sở đào tạo tại Việt Nam hiện nay chưa có chương trình đào tạo về IFRS một cách hệ thống. Mặc dù trong những năm gần đây, việc đào tạo về IFRS đã được chú trọng hơn trong các trường đại học. Sinh viên đại học của rất nhiều các trường đại học khi tốt nghiệp ra trường chưa có hiểu biết về IFRS.

Hiện nay mới chỉ có một số các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như Hiệp hội kế toán Anh Quốc (ACCA), Hiệp hội kế toán công chứng Australia (CPA Australia), Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) có chương trình đào tạo IFRS cho một số ít học viên. Và một số công ty kiểm toán lớn cũng chỉ đào tạo IFRS cho nhân viên trong công ty. Hầu hết các kế toán viên trong các doanh nghiệp tại Việt Nam là những người trực tiếp lập báo cáo tài chính đều chưa được đào tạo và tiếp cận với IFRS.

Thứ hai: Hệ thống các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật, IFRS hiện nay.

Cơ chế, chính sách cho việc áp dụng IFRS ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, do đó một số kỹ thuật đặc biệt của IFRS chưa có căn cứ để thực hiện.

Thứ ba: Thách thức về ngôn ngữ và văn hóa

IFRS có thể yêu cầu sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa kế toán quốc tế, điều này có thể là một thách thức đối với kế toán viên làm việc trong môi trường kế toán nội địa. Rào cản ngôn ngữ là tiếng Anh và các thuật ngữ khó hiểu mang tính học thuật, ước lệ của từ vựng chuyên ngành kế toán gây ra không ít khó khăn cho người dạy, lẫn người học Bản gốc IFRS bằng tiếng Anh đã được chuyển đổi sang tiếng Việt, tuy nhiên do quan điểm dịch thuật có thể có sự khác biệt dẫn đến những người đọc hiểu văn bản có nhiều quan điểm nhận định khác nhau, chưa có quy định cụ thể để hướng dẫn.

Các chương trình đào tạo của các tổ chức nghề nghiệp uy tín trên thế giới về IFRS đều xây dựng bằng tiếng Anh, khi kế toán viên muốn học tập và thi các chứng chỉ nghề nghiệp liên quan đến IFRS đòi hỏi phải có trình độ nhất định về tiếng Anh, nhưng số lượng kế toán viên tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ để tham gia học và thi chưa cao.

Thứ tư: Chi phí và thời gian

Quá trình chuyển đổi đòi hỏi chi phí và thời gian đáng kể từ việc nâng cao trình độ của kế toán viên, cập nhật hệ thống kế toán và thực hiện các bước chuyển đổi. Hơn nữa IFRS thường được cập nhật và điều chỉnh liên tục, do đó, kế toán viên cần phải duy trì việc cập nhật kiến thức và kỹ năng liên tục để đáp ứng yêu cầu đặt ra của IFRS.

2. Kỹ năng cần có cho kế toán viên khi chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS

Khi chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS, Kế toán viên cần phải có kiến thức sâu về các nguyên tắc và quy định của IFRS để áp dụng chúng vào quá trình chuyển đổi báo cáo tài chính. Kế toán viên cần phải phát triển những kỹ năng sau để đáp ứng được yêu cầu của môi trường kế toán hiện đại và thành công trong quá trình chuyển đổi. Đó là:

Thứ nhất: Kỹ năng phân tích và đánh giá thông tin tài chính.

Kế toán viên cần phải có khả năng phân tích và đánh giá thông tin tài chính theo chuẩn mực quốc tế để đảm bảo tính chính xác và minh bạch của báo cáo.

Thứ hai: Kỹ năng làm việc độc lập và tự chủ

Trong quá trình chuyển đổi báo cáo theo IFRS, kế toán viên cần phải có khả năng làm việc độc lập và tự chủ để xác định và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Thứ ba: Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm

Kế toán viên cần phải có khả năng giao tiếp hiệu quả và làm việc trong nhóm để trao đổi thông tin và giải quyết vấn đề liên quan đến chuyển đổi báo cáo tài chính.

Thứ tư: Kỹ năng sáng tạo và linh hoạt

Để áp dụng hiệu quả chuẩn mực IFRS vào quá trình kế toán, kế toán viên cần phải có khả năng sáng tạo và linh hoạt trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phức tạp.

Thứ năm: Kỹ năng quản lý thời gian và áp lực

Trong quá trình chuyển đổi báo cáo theo chuẩn mực quốc tế, kế toán viên cần phải có khả năng quản lý thời gian và áp lực để hoàn thành công việc một cách hiệu quả và đúng hạn.

Thứ 6: Áp dụng công nghệ thông tin: Kế toán viên cần phải sử dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình kế toán, tăng cường tính chính xác và hiệu quả trong việc xử lý thông tin tài chính (Hồng Nhung (2023).

Thứ bảy: Kỹ năng sử dụng Ngoại ngữ hiệu quả.

Hiện nay, IFRS bản gốc là tiếng anh, các chương trình đào tạo về IFRS của các tổ chức nghề nghiệp cũng được xây dựng bằng tiếng Anh. Kế toán viên cần có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để có thể hiểu được các thuật ngữ, cụm từ chuyên ngành để sử dụng trong quá trình chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS.

Những kỹ năng trên đều đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS. Việc nắm vững và phát triển những kỹ năng này sẽ giúp kế toán viên thích nghi và thành công trong môi trường làm việc ngày càng phức tạp và đa dạng của ngành kế toán hiện nay.

3. Giải pháp

Để giúp kế toán viên chuẩn bị tốt nhất cho quá trình chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS, tác giả đề xuất các giải pháp sau:

Thứ nhất: Đào tạo và nâng cao trình độ: Việc đào tạo các kế toán viên có trình độ chuyên môn và hiểu biết về IFRS là yêu cầu tất yếu của các trường đại học và cao đẳng hiện nay.

Nhu cầu đào tạo IFRS tại các trường Đại học và Cao đẳng trong thời gian sắp tới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và trở thành một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm hàng đầu. Trong tiến trình đó, các trường Đại học và Cao đẳng của Việt Nam sẽ đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, để có thể xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực cho quá trình đào tạo, khắc phục được các trở ngại phát sinh trong việc tiếp cận IFRS cho sinh viên, cũng như chuẩn hóa trình độ người học phù hợp với nhu cầu mới.

Tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, workshop về IFRS để cung cấp kiến thức mới và kỹ năng cần thiết cho kế toán viên.

Thứ hai: Thực hành và áp dụng

Tạo điều kiện cho kế toán viên thực hành và áp dụng các quy định của chuẩn mực kế toán quốc tế vào công việc hàng ngày, từ đó nâng cao khả năng hiểu biết và kỹ năng thực tiễn.

Thứ 3: Kiểm tra và đánh giá định kỳ

Tổ chức kiểm tra nội bộ và đánh giá hiệu quả của quá trình chuyển đổi, từ đó điều chỉnh và cải thiện quy trình theo hướng phát triển.

Thứ tư: Hỗ trợ từ cấp quản lý

Về phía doanh nghiệp, cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho kế toán viên tham gia các khóa đào tạo, cung cấp tài liệu và thông tin hữu ích để họ có thể chuẩn bị tốt nhất cho quá trình chuyển đổi.

Về phía Nhà nước: Cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để kế toán viên có căn cứ thực hiện việc chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn để nâng cao trình độ cho kế toán viên.

Thứ năm: Hợp tác và giao lưu kiến thức

Khuyến khích kế toán viên tham gia các nhóm nghiên cứu, hội thảo, hoặc các cộng đồng chuyên ngành để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về quá trình chuyển đổi.

Thứ 6: Sử dụng công nghệ thông tin

Hiện nay việc áp dụng IFRS đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ quá trình thu thập, chuẩn hóa và xử lý dữ liệu, cũng như kết nối mọi hoạt động từ tất cả các phòng ban bên trong DN hoặc với các bên liên quan từ bên ngoài.

Đồng thời, Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo IFRS phù hợp cho không chỉ đội ngũ trực tiếp làm IFRS mà cả lãnh đạo của DN - người sử dụng và đưa ra các quyết định liên quan đến báo cáo tài chính theo IFRS.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quyết định số 345/QĐ-BTC, ngày 16/3/2020 phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam. Bộ tài chính ban hành ngày 16 tháng 3 năm 2020;

2. ThS. Nguyễn Ánh Hồng (2020). Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức, Tạp chí Tài chính, kỳ 5, tháng 05/2020;

3. Hồng Nhung (2023). Áp dụng IFRS: Những thách thức và lưu ý, Báo Kiểm Toán, Tháng 6/2023

ThS. Nguyễn Ngân Giang - ThS. Đinh Thị Vân Anh

Bộ môn Kế toán, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Công Nghiệp Việt Trì

Tạp chí in số tháng 7/2024