Cổ phiếu của VNG được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch nhưng vẫn lỗ kỷ lục hơn 1.500 tỷ đồng

03/06/2023, 10:43
báo nói -

TCDN - Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định đưa cổ phiếu VNZ của CTCP VNG ra khỏi diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 5/6/2023 sau khi doanh nghiệp này nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán. Trong báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế VNG năm 2022 âm 1.534 tỷ đồng.

HNX vừa thông báo đưa cổ phiếu VNZ của CTCP VNG ra khỏi diện hạn chế giao dịch từ 5/6/2023. Nguyên nhân là do công ty đã nộp lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán theo quy định tại điểm b khoản 5 điều 34 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

vng

Trước đó, HNX quyết định đưa cổ phiếu VNZ vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5 do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin.

Tại báo cáo tài chính của VNG năm 2022 do Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam kiểm toán, mức lỗ sau thuế của doanh nghiệp này tăng thêm 220 tỷ so với báo cáo tự lập lên mức 1.534 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp từ trước đến nay.

Lý giải về sự chênh lệch này, VNG cho biết khoản lỗ sau thuế tăng lên là do ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến thuế, tài sản cố định vô hình và dự phòng cho các hoạt động đầu tư tài chính.

Lợi nhuận gộp của VNG ghi nhận giảm 23,4 tỷ đồng về 3.427 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng thêm gần 130 tỷ đồng lên 1.579 tỷ đồng.

Khoản lỗ từ công ty liên kết tăng 58,7 tỷ đồng lên mức lỗ 181,2 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Công ty Cổ phần Zion, công ty con do VNG sở hữu 69,98%. Đây là đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay và được đi vào hoạt động từ năm 2005.

Sang quý 1/2023, VNG tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng trước áp lực chi phí hoạt động. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại ngày 31/3/2023 giảm về còn 5.052 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần 3 tháng đầu năm của VNG đạt 1.852 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 847 tỷ, lần lượt tăng 11% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, các loại chi phí ở mức cao với 8 tỷ đồng chi phí tài chính, 544 tỷ đồng chi phí bán hàng và 337 tỷ chi phí quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VNG phải gánh thêm khoản lỗ công ty liên doanh liên kết gần 27,5 tỷ đồng.

Đầu năm 2023, cổ phiếu VNZ từng gây chú ý với chuỗi phiên tăng trần, đẩy thị giá lên mức cao nhất lịch sử chứng khoán trong nước với 1,56 triệu đồng/cp. Sau 10 phiên tăng trần liên tiếp, VNZ bắt đầu điều chỉnh hiện đang giao dịch quanh mức 776.000 đồng/cp (chốt phiên 2/6), đây vẫn đang là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán.

PV
Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu của VNG được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch nhưng vẫn lỗ kỷ lục hơn 1.500 tỷ đồng tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

EVNGENCO 2 nộp ngân sách gần 1,46 nghìn tỷ đồng
Trong năm 2020, tổng số tiền Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) ước nộp ngân sách nhà nước gần 1.460 tỷ đồng, trong đó nộp thuế cho ngân sách TP. Cần Thơ là 180 tỷ đồng.