Cổ phiếu Ngân hàng Nam Á: Nhiều rào cản vì tranh chấp, liên quan đến vụ án đã bị khởi tố
TCDN - Những ngày gần đây, Mã cổ phiếu NAB của Ngân hàng Nam Á nhận được khá nhiều sự quan tâm lẫn nghi ngại, dè chừng của giới đầu tư và khách hàng.
Trong xu hướng thị trường chứng khoán hồi phục, tăng mạnh và thông tin NAB chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang Sàn Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE), tăng vốn điều lệ… được xem là tích cực, nhưng cổ phiếu NAB vẫn dường như dậm chân tại chỗ so với giá niêm yết lần đầu. Nguyên do là NAB vẫn còn nhiều rào cản trước những lùm xùm tranh chấp và cổ phiếu NAB của một số cổ đông đã bị Bộ Công an yêu cầu phong tỏa sau khi vụ án bị khởi tố, tạo nên yếu tố rủi ro cho khách hàng khi sở hữu cổ phiếu này.
Liên tục thay đổi sàn giao dịch giá vẫn tăng ì ạch
Trong kế hoạch trình đại hội cổ đông thường niên 2020, ban lãnh đạo Nam A Bank dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) chậm nhất vào tháng 12. Thế nhưng thực tế sau đó lại ngược lại khi Nam A Bank tiến hành niêm yết lên sàn UPCoM vào ngày 9/10 với tổng số hơn 389 triệu cổ phiếu với mã NAB.
Trước đó, ngày 1/9/2020, Nam A Bank tăng vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên hơn 4.564 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán riêng lẻ, tổng cộng phát hành thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu. Hiện Nam A Bank đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).
Khi vừa lên UPCoM không lâu, đầu tháng 12-2020, Nam A Bank lại nộp hồ sơ đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đăng ký niêm yết lần đầu trên sàn này số lượng 456 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 4.564 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Nam Á.
Các thay đổi liên tục này về bề nổi tạo nên những điểm tích cực cho NAB. Tuy nhiên, việc thay đổi tích cực này được nhiều chuyên gia cho rằng chỉ mang tính nhất thời và ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi cổ phiếu NAB liên quan đến tranh chấp và vụ án đã được Bộ công an khởi tố.
Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch quanh mốc 13.800 đồng/cp đến hơn 14.700 đồng/Cp. Dù được xem là có giao dịch sôi động hơn nhưng nếu như đặt trong xu thế tăng của thị trường và các cổ phiếu của các mã ngân hàng tương đương, mức tăng của NAB được xem là quá thấp, đi ngang, khó tăng trưởng mạnh vì hàng loạt lực cản về tranh chấp, liên quan đến vụ án hình sự. Một điểm đặc biệt so với cổ phiếu của các ngân hàng khác, NAB lại bị các nhà đầu tư nước ngoài “ngó lơ”, chưa có cổ đông ngoại nào tham gia dù tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài mức 30%.
Đến cuối tháng 6-2020, tổng tài sản của Nam A Bank ở mức 105.700 tỷ đồng, thuộc nhóm ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ nhất trên cả nước. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau 2 quý đầu năm 2020 đạt 201 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ 2019 do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng.
Nhiều rào cản pháp lý và tranh chấp
Rào cản đối với NAB được dư luận đánh giá là lớn nhất và nghiêm trọng nhất là liên quan đến vụ án hình sự đã được Bộ Công an khởi tố và chính chủ tịch HĐQT Nam A Bank Nguyễn Quốc Toàn là người liên đới trực tiếp trong vụ án này. Cụ thể, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự số 36/QĐ-C01-P4 ngày 20/6/2019 để điều tra về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vào tháng 6-2019.
Theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 36/QĐ-C01-P4, ông Nguyễn Chấn (sinh năm 1923, trú tại quận 3, TPHCM) đã tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Nam Á cấu kết với một số cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Chấn là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại Nam A Bank và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu trị giá khoảng 30.000 tỷ đồng. Cùng với quyết định khởi tố, cơ quan điều tra cũng đã có công văn yêu cầu Nam A Bank và các công ty liên quan tạm dừng biến động của các tài sản bất động sản và tạm dừng giao dịch cổ phiếu của các cổ đông liên quan để phục vụ cho công tác điều tra.
Ngay sau khi vụ án bị khởi tố, ông Nguyễn Quốc Toàn đã tuyên bố sẽ từ nhiệm chức chủ tịch HĐQT để tập trung xử lý các tranh chấp nội bộ của gia đình, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng Nam Á cũng như quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, lời tuyên bố này tiếp tục đánh mất lòng tin của các cổ đông và khách hàng khi đến thời điểm này, sau gần 1 năm 6 tháng kể từ ngày ra tuyên bố, ông Toàn vẫn tiếp tục giữ chức vụ chủ tịch HĐQT tại Nam A Bank. Theo một số thông tin nội bộ, gia đình ông Toàn hiện đã định cư ở Canada và chủ yếu điều hành ngân hàng từ xa.
Vụ án đang trong quá trình điều tra và chưa có kết quả thì các hoạt động niêm yết lên sàn chứng khoán, phát hành bổ sung cổ phiếu, chuyển sàn giao dịch… được các chuyên gia kinh tế đánh giá là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật và làm ngược lại các quy định của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Trong trường hợp các bên tranh chấp có đơn khiếu nại, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tạm dừng các giao dịch của cổ phiếu đang bị tranh chấp thì sẽ tạo nên những hệ lụy lớn về mặt pháp lý vì các cổ phiếu đã được pha loãng, xóa vết chủ sở hữu. Điều này cũng gây khó cho công tác điều tra vụ án của Bộ Công an.
Theo đại diện của gia đình ông Nguyễn Chấn, Nam A Bank đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng khi niêm yết toàn bộ cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán, chuyển dịch, xóa dấu vết chủ sở hữu cổ phiếu và pha loãng biến động giá trị cổ phiếu…
Nghiêm trọng hơn là các hành động này đã cố tình làm trái quy định của Bộ Công an là tạm dừng giao dịch cổ phiếu của các cổ đông liên quan đến vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với một số cá nhân, lãnh đạo của Nam A Bank. Để đảm bảo cho hoạt động điều tra có kết quả và tránh những hệ lụy lớn trong giải quyết hậu quả, cơ quan chức năng cần có biện pháp hủy niêm yết, tạm dừng giao dịch số cổ phiếu NAB liên quan đến các cổ đông.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899