Cơ quan thuế sẽ gỡ vướng cho doanh nghiệp xăng dầu khi thực hiện hóa đơn điện tử
TCDN - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn khẳng định ngành thuế sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Chiều 26/12, Báo Tiền Phong tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Triển khai Hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu - Thực trạng và giải pháp”.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính Phủ có 2 công điện về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Ngay sau đó, Bộ Trưởng Bộ Tài chính cũng có những chỉ đạo rất sát về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc triển khai hóa đơn điện tử thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai tại 6 địa phương, gồm: Hà Nội, Tp.HCM, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ. Sau đó, sẽ tiếp tục triển khai trên toàn quốc. Ngày 21/4/2022, Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã bấm nút để khánh thành trung tâm triển khai hệ thống hoá đơn điện tử trên toàn quốc.
Giai đoạn 2, đến ngày 1/7/2022, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chuyển đổi thành công sử dụng hoá đơn điện tử. Kết quả này nhận được sự hưởng ứng cao của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
“Từ năm 2023, Tổng Cục Thuế tiếp tục triển khai hoá đơn điện tử kết nối với máy tính tiền tại các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại ở các địa phương. Cùng với đó, triển khai hoá đơn điện tử với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cập nhật mới nhất là có trên 3.000 cửa hàng thực hiện việc này. Hoá đơn điện tử xuất từng lần mang lại nhiều lợi ích”, Phó tổng cục trưởng Mai Sơn cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Tổng Cục Thuế, ở góc độ doanh nghiệp, sẽ giúp các đơn vị thay đổi công nghệ quản lý, quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín khi quản lý bằng công nghệ. Quan trọng hơn, không phải mỗi xăng dầu mà tất cả hàng hoá khi xuất hoá đơn điện tử sẽ đem đến nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng. Dần dần, tất cả hàng hoá sẽ xác định được nguồn gốc, tiêu chuẩn như công bố của đơn vị sản xuất. Góc độ các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ giảm thiểu được hành vi gian lận (nếu có). Đến một ngày nào đó sẽ giảm chi phí của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai khẳng định, sau 2 năm đại dịch, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh. Xuất phát điểm của đơn vị xăng dầu Petrolimex khác với các doanh nghiệp tư nhân nên việc triển khai hóa đơn điện tử được thuận lợi, còn phía doanh nghiệp tư nhân tự bỏ tiền ra đầu tư, hạ tầng chưa tương tích, cơ sở kinh doanh chưa đồng bộ và chưa tương tích trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó khó khăn như trục trặc kết nối, mất điện…
Vì vậy, ông Phụng kiến nghị việc triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ trong xăng dầu, các cơ quan chức năng cần có lộ trình thời gian cụ thể để các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa từng bước hoàn thiện.
Luật sư, chuyên gia kinh tế Lê Bá Thường - Đoàn luật sư Tp.HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Văn hóa doanh nghiệp khẳng định hóa đơn điện tử có ưu điểm không mất mát, tránh được cháy nổ, tổng hợp thống kê quyết toán thuế thuận lợi chi phí rẻ hơn hóa đơn giấy.
“Ở góc độ doanh nghiệp tôi thấy những khó khăn của các doanh nghiệp xăng dầu đặc biệt doanh nghiệp khối tư nhân khó khăn hơn khối quốc doanh. Cụ thể chưa thống nhất về phần mềm được sự đảm bảo của cơ quan thuế để doanh nghiệp sử dụng thuận lợi”, ông Thường nêu rõ và kiến nghị phía cơ quan thuế ban hành thống nhất hóa đơn có phần mềm kế toán do đơn vị cung cấp có sự đồng ý của cơ quan thuế. Đồng thời gia hạn thêm thời gian để tập huấn cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo tốt cho các hoạt động của doanh nghiệp và ý nghĩa của hóa đơn điện tử mang lại.
Trả lời vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, Phó tổng cục trưởng Mai Sơn khẳng định, Luật Quản lý thuế (số 38/2019/QH14) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020 trong quá trình xây dựng đã có quy định về hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, quy định về hóa đơn bán lẻ, trong đó có xăng dầu thì có lộ trình có 2 năm trước khi chính thức ban hành. Pháp luật đã tính toán những vấn đề doanh nghiệp nêu, đứng về mặt thượng tôn pháp luật cần nhìn lại quá trình xây dựng pháp luật đến khi ban hành luật.
Theo ông Sơn, hóa đơn điện tử áp dụng với xăng dầu cũng như các hóa đơn bán các mặt hàng khác. Nếu có vướng mắc trong quá trình sử dụng, có trục trặc đến đâu cơ quan thuế sẽ cùng với các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị trung gian, tiếp nhận thông tin và sẽ xử lý kịp thời ngay.
“Chúng tôi có đường dây nóng, có trung tâm công nghệ với các giải pháp vận hành để xử lý tất cả các vấn đề liên quan, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, không để chậm trễ. Hệ thống hóa đơn điện tử khá hiện đại, có phương án dự phòng nên có khả năng hạn chế và tránh được các nguy cơ nghẽn mạng, sập mạng hạn chế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Trên thực tế, việc bán xăng dầu triển khai xuất hóa đơn diễn ra bình thường. Do đó, khi các tổ chức, cá nhân có yêu cầu thì việc triển khai sẽ thuận lợi, hạn chế việc tốn quá nhiều thời gian khi xuất hóa đơn giấy”, ông Mai Sơn nói.
Phó tổng cục trưởng Mai Sơn cũng chia sẻ với những khó khăn doanh nghiệp có thể gặp phải khi thực hiện xuất hóa đơn. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thuế mong muốn doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan thuế sẽ ghi nhận những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899