Công ty chuyển nhượng phần vốn góp thì kê khai và nộp thuế theo trường hợp chuyển nhượng vốn hay chuyển nhượng chứng khoán?

17/12/2024, 08:13
báo nói -

TCDN - Giải đáp vướng mắc về việc chuyển nhượng phần vốn góp thì kê khai và nộp thuế theo trường hợp chuyển nhượng vốn hay chuyển nhượng chứng khoán.

Hỏi: Công ty cổ phần A có niêm yết trên thị trường chứng khoán, vậy khi công ty A chuyển nhượng phần vốn góp của mình thì phải kê khai và nộp thuế theo trường hợp chuyển nhượng vốn hay chuyển nhượng chứng khoán?

Trả lời: 

Căn cứ Tại Luật số 54/2019/QH14 Luật Chứng khoán

“Điều 32. Công ty đại chúng

1. Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

a) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;

b) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.

2. Công ty cổ phần quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty hoàn thành việc góp vốn và có cơ cấu cổ đông đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đầy đủ và hợp lệ của công ty cổ phần theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này hoặc nhận được báo cáo kết quả hoàn thành đợt chào bán của công ty cổ phần theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, đồng thời công bố tên, nội dung kinh doanh và các thông tin khác liên quan đến công ty đại chúng trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.”

Căn cứ tại Luật số 59/2020/QH14 Luật Doanh nghiệp

“Điều 111. Công ty cổ phần

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.”

Theo đó:

- Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong các công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán là chuyển nhượng chứng khoán, áp dụng quy định về thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán.

- Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong các công ty cổ phần không thuộc trường hợp nêu trên áp dụng quy định về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn.

PV