Đại dịch chưa dứt nhưng thương mại toàn cầu đang phục hồi mạnh

26/11/2020, 20:12

TCDN - Dòng chảy thương mại toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ vào mùa hè, tạo ra mức tăng lớn nhất trong hai thập kỷ khi vận tải đường biển và hàng không mở tái hoạt động và nhu cầu hàng tiêu dùng tăng mạnh.

Đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 đã gây nên sự xáo trộn chưa từng thấy đối với nền kinh tế thế giới và hoạt động thương mại toàn cầu. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định thương mại và tiêu dùng giảm mạnh trên toàn thế giới vì đại dịch.

Song báo Wall Street Journal khẳng định dòng chảy thương mại toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ vào mùa hè, tạo ra mức tăng lớn nhất trong hai thập kỷ khi vận tải đường biển và hàng không mở tái hoạt động và nhu cầu hàng tiêu dùng tăng mạnh.

"Với tổng thị phần trên thị trường xuất khẩu thế giới tăng, Trung Quốc đang dẫn đầu đà phục hồi của thương mại toàn cầu", bài báo của Wall Street Journal kết luận.

Văn phòng phân tích chính sách kinh tế CPB Hà Lan ước tính, dòng chảy hàng hóa xuyên biên giới trong quý III đã cao hơn 12,5% so với quý II - mức tăng cao nhất từ năm 2000, khi lần suy giảm lớn nhất diễn ra.

Hàng loạt chỉ báo mới chứng tỏ thương mại tiếp tục phục hồi kể từ cuối quý III. Các cuộc khảo sát những giám đốc mua hàng tại nhiều nhà máy trên khắp thế giới cho thấy, lượng đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng trong tháng 10. Chỉ số lưu lượng container của Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz (Đức) và Viện Kinh tế Vận tải và Logistics cũng đã đạt mức cao kỷ lục trong cùng tháng.

"Dường như đợt giảm đầu tiên do tác động của khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 đã qua", ông Torsten Schmidt, Giám đốc kinh tế của Viện Leibniz, nhận xét.

So với các cuộc suy thoái gần đây, có vẻ như dòng chảy thương mại toàn cầu dường như đã phục hồi nhanh hơn. Ảnh: APL

So với các cuộc suy thoái gần đây, có vẻ như dòng chảy thương mại toàn cầu dường như đã phục hồi nhanh hơn. Ảnh: APL

Bức tranh phục hồi thương mại đã thay đổi theo hướng Trung Quốc và các nước đang phát triển khác ở châu Á đóng vai trò là xung lực chính, còn Mỹ tụt lại phía sau. Các số liệu của CPB chỉ ra rằng, xuất khẩu từ Trung Quốc và các nước đang phát triển khác ở châu Á đã vượt mức trước đại dịch vào tháng 9, nhưng xuất khẩu từ khu vực đồng euro và Mỹ vẫn giảm lần lượt 2,6% và gần 9%.

Số liệu ấy phản ánh một phần thực tế rằng Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn đầu tiên chịu tác động của đại dịch nhưng cũng là nước đầu tiên phục hồi sau thời kỳ phong tỏa; khi mà châu Âu, Mỹ và phần lớn các nước còn lại mới bắt đầu chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Trung Quốc đang có vị thế vững chắc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thiết bị bảo hộ y tế và đồ điện tử giúp mọi người làm việc tại nhà. UBS ước tính rằng vào tháng 7, thị phần xuất khẩu thế giới của Trung Quốc đã tăng 11%, trong khi thị phần của Mỹ giảm 4% và của Pháp giảm 12%.

"Về tổng thể, đại dịch tàn phá tây bán cầu nhiều hơn đông bán cầu", các chuyên gia UBS nhận định.

So với các cuộc suy thoái gần đây, có vẻ như dòng chảy thương mại toàn cầu dường như đã phục hồi nhanh hơn. Trong đợt khủng hoảng tài chính trước, dòng chảy thương mại cần khoảng hai năm để trở lại mức trong tháng 9/2008, khi Lehman Brothers phá sản.

Giới phân tích chỉ ra rằng các quốc gia trên thế giới đang trải qua hai tốc độ phục hồi. Sản xuất và thương mại đang tăng nhanh chóng về mức trước dịch, do các hộ gia đình tiếp tục mua hàng hóa nhập khẩu nhờ khoản hỗ trợ bằng tiền mặt của chính phủ. Dù vậy, đà phục hồi vẫn còn chậm chạp đối với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương như nhà hàng và rạp chiếu phim, những nơi vẫn chịu cảnh "bó tay" bởi các biện pháp phòng chống dịch.

Hồi tuần trước WTO nhận định dòng chảy thương mại đã trở lại mức trung bình dài hạn, cho thấy sự phục hồi có khả năng được duy trì. Song WTO cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại khi năm 2020 kết thúc, do nhu cầu đối với hàng hóa tích tụ trong thời kỳ phong tỏa vào mùa xuân đã được đáp ứng phần lớn, cùng với việc các doanh nghiệp gần như tích lũy lại hàng tồn kho.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Đại dịch chưa dứt nhưng thương mại toàn cầu đang phục hồi mạnh tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan