Đằng sau cuộc nội chiến ở Xây dựng Hòa Bình
TCDN - Dù là tranh chấp nội bộ nhưng thông tin về Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình liên tục được chia sẻ rộng rãi cho giới truyền thông bằng nhiều cách. Vậy, nguyên nhân đằng sau cuộc nội chiến giữa những người từng gọi nhau là "người anh - người em" này là gì?
Nội chiến vì ghế chủ tịch
Mọi sóng gió ở tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam hiện nay khởi nguồn từ Nghị quyết Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngày cuối cùng năm 2022. Văn bản này hoãn thi hành hai quyết định quan trọng với thế cuộc tại Hòa Bình.
Trước đó, ngày 12/12/2022, Chủ tịch Hòa Bình - ông Lê Viết Hải có đơn từ nhiệm ghế chủ tịch và nhường lại cho Thành viên HĐQT độc lập là ông Nguyễn Công Phú. Thay vào đó, ông Hải sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng Sáng lập. Đến ngày 14/12, HĐQT họp và hiện thực hóa các kế hoạch này. Tuy nhiên, vào ngày 31/12/2022, Hòa Bình thông báo hoãn thi hành hai kế hoạch trên bằng Nghị quyết HĐQT 53. Nghị quyết này được công bố vào một hôm trước khi ông Phú được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hòa Bình, tức ngày 1/1/2023. Chính vì vậy, “nội chiến” cũng bắt đầu nổ ra.
Ngay vào ngày mà đáng lẽ mình được nhậm chức chủ tịch, ông Nguyễn Công Phú đã phát đi thông cáo báo chí với nội dung bác bỏ hoàn toàn Nghị quyết HĐQT 53. Ông Phú khẳng định “Các thông cáo của ông Lê Viết Hải với báo chí không những không có cơ sở pháp lý mà còn sai sự thật vì vi phạm điều lệ Tập đoàn”. Ông Phú tuyên bố mình là chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Hòa Bình và cho biết, đã thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Việt Nam (SSC) và các cơ quan tư pháp liên quan về tất cả các động thái vi phạm quy chế, quy định của ông Lê Viết Hải. Đứng cùng ông Phú để phát đi các thông báo còn có nhiều thành viên HĐQT khác như ông Lê Quốc Duy, Dương Văn Hùng và Albert Antoine.
Sau khi thấy phía ông Lê Viết Hải không lên tiếng, ông Phú tổ chức gặp mặt trực tiếp giới báo chí để cung cấp thêm thông tin. Ngoài ông Phú, còn có ông Lê Quốc Duy và ông Dương Văn Hùng cũng lên tiếng khẳng định Nghị quyết HĐQT 53 được ban hành sai quy định. Tại buổi gặp mặt hơn 20 nhà báo vào chiều ngày 5/1/2023, ông Phú nói ông Hải điều hành yếu kém và khiến Hòa Bình đối diện nhiều khó khăn, đặc biệt là tài khoản công ty chỉ còn 23 tỷ đồng. Ông Dương Văn Hùng cũng nói đã chuẩn bị các bằng chứng sai phạm của ông Hải cho các bước tiếp theo. Nếu ông Hải không chịu ngồi lại với HĐQT để thương lượng về việc bổ nhiệm ông Phú, ông Phú và những người liên quan sẽ kiện ra tòa.
Những toan tính riêng
Vào năm 2021, Hòa Bình đã vượt “anh cả” là Xây dựng Coteccons (CTD) về mặt doanh thu và giành lấy ngôi vương trên thị trường xây dựng Việt Nam. Với quy mô và vị trí hiện có, Hòa Bình cần nhất là ổn định quyền lực để tập trung vượt qua áp lực tăng trưởng. Tuy nhiên, việc chuẩn bị thiếu kĩ lưỡng cho bước chuyển giao quyền lực điều hành của Chủ tịch Lê Viết Hải, đã góp phần cho “sóng gió” nổi lên.
Niêm yết trên sàn chứng khoán Tp.HCM từ năm 2005, gia đình ông Lê Viết Hải đang nắm khoảng 22% cổ phần tại Hòa Bình. Vì là doanh nghiệp do gia đình gốc “Lê Viết” sáng lập và phát triển hơn 30 năm qua, nếu ông Hải rời vị trí quan trọng thì phải có người trong gia đình “tiếp quản” vị trí chủ chốt khác. Đây là suy tính thường thấy của nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Để đưa con trai mình là Lê Viết Hiếu ngồi vào ghế tổng giám đốc, ông Hải cũng buộc phải thoái lui khỏi ghế chủ tịch để phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2020.
Dù có vai trò sáng lập, nhưng để hiện thực hóa tính toán trên, với mức sở hữu cổ phần chưa chi phối, ông Lê Viết Hải vẫn cần thực hiện đúng theo Luật Doanh nghiệp bằng các cuộc họp và nghị quyết HĐQT. Vị trí tổng giám đốc thường do chủ tịch HĐQT bổ nhiệm. Nếu ông Hải nhường ghế, nhưng ông Phú không chịu thực hiện thỏa thuận với ông Hải - bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu làm tổng giám đốc Hòa Bình thì sao? Bối cảnh này buộc ông Hải, bằng nhiều cách, phải giữ được vị trí chủ tịch của mình để duy trì ảnh hưởng tại công ty mình sáng lập và phát triển. Còn về ông Phú, với tuyên bố “Tôi không phải là con rối”, có thể thấy nguyên nhân chính khiến ông tham gia nội chiến là vì “danh dự”.
Đó là nguồn cơn chính nhưng chưa phải tất cả. Đáng lẽ đây chỉ là cuộc tranh chấp nội bộ giữa ông Hải và ông Phú, nhưng thực tế, xuất hiện cùng ông Phú còn nhiều thành viên HĐQT khác. Chẳng hạn như ông Lê Quốc Duy và ông Dương Văn Hùng. Nguyên nhân nào khiến HĐQT Hòa Bình chia thành hai phe?
Về Hòa Bình từ năm 2021, ông Nguyễn Công Phú và Dương Văn Hùng là thành viên HĐQT độc lập không điều hành và không nắm bất kỳ cổ phiếu HBC nào. Riêng ông Lê Quốc Duy được xem là “đàn em” thân cận của Chủ tịch Lê Viết Hải. Ông Duy hiện chỉ nắm một lượng nhỏ cổ phiếu HBC. Vì vậy, khi ông Hải và ông Phú có tranh chấp, quyền lợi của ông Hùng và ông Duy không bị ảnh hưởng gì để phải đứng về bên nào. Thậm chí, về lý mà nói, ông Duy cần đứng về bên ông Hải. Nhưng thực tế ngược lại.
Một lãnh đạo của Hòa Bình cho biết, trước đây, ông Dương Văn Hùng đề nghị ông Lê Viết Hải đầu tư vào nhiều dự án riêng (như nhà máy găng tay ở KCN Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) nhưng bị ông Hải từ chối. Còn ông Lê Quốc Duy cũng muốn ông Hải để mình quản lý một số công ty con của Hòa Bình bằng ê-kíp riêng. Tất nhiên, khó xác nhận tính chính xác của những thỏa thuận riêng đó. Nhưng sự quay lưng của những người từng gọi nhau là “người anh – người em” này, không khỏi khiến nhà đầu tư đặt nghi vấn về vấn đề xung đột lợi ích riêng, chứ không phải mục tiêu chung của Hòa Bình.
Bao giờ kết thúc?
Trong “thế trận” hơn một tuần qua tại Hòa Bình, có thể thấy ưu thế đang nghiêng về phía Chủ tịch Lê Viết Hải. Nhưng để nói khi nào kết thúc thì lại là chuyện khó.
Mấu chốt của tranh chấp vừa qua nằm ở Nghị quyết HĐQT số 53, với nội dung chính là hoãn lại việc nhậm chức chủ tịch của ông Nguyễn Công Phú. Phía ông Phú và người liên quan cho rằng văn bản này ban hành sai luật, còn phía ông Hải khẳng định làm đúng luật.
Phía Hòa Bình xác nhận, đã giải trình về Nghị quyết 53 và được các cơ quan quản lý chấp nhận (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM). Nhờ đó, Hòa Bình mới có căn cứ làm việc với phía đối tác ngân hàng và được mở khóa tài khoản trở lại. Bằng ngược lại, các tài khoản của Hòa Bình đã bị phỏng tỏa và không thể hoạt động liên tục đến nay.
Trong khi đó, phía ông Phú chưa công bố được các bằng chứng cụ thể để chứng minh rằng Nghị quyết 53 là sai luật. Ông Dương Văn Hùng (cùng phía ông Phú) cho biết đã lập vi bằng các bằng chứng sai phạm của ông Lê Viết Hải, nhưng cũng chưa cung cấp nội dung cụ thể cho giới báo chí. Hơn nữa, việc cung cấp thông tin cho báo giới và chia sẻ nhiều thông tin nội bộ, dù là đúng hay sai, cũng khiến phía ông Phú càng thêm yếu thế. Bởi ông và những người liên quan không có quyền và nghĩa vụ công bố thông tin. Chính vì vậy, ông Phú giúp ông Lê Viết Hải có thêm căn cứ để gửi đơn tố giác lên cơ quan điều tra.
Nếu ông Phú vẫn muốn đi đến cùng, bằng cách kiện ra tòa, cũng không dễ dàng gì. Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng (Giám đốc Văn phòng Luật sư Phạm Hưng), quy trình xử lý các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp khá phức tạp và kéo dài. Bởi ngoài quy trình hòa giải vài lần, Tòa án cần phải xem xét rất nhiều hồ sơ liên quan để đưa ra phán quyết chính xác.
Trong quá trình chờ Tòa án xem xét, phía ông Hải đã có đủ thời gian thực hiện nhiều biện pháp có lợi cho mình. Trước hết, với vai trò là chủ tịch HĐQT và nắm gần 18% cổ phần, ông Hải đủ điều kiện triệu tập đại hội cổ đông bất thường và xử lý các sai phạm về công bố thông tin của phía ông Phú. Hơn nữa, ông Hải cũng có thể đề cử thêm số thành viên HĐQT thân quen. Phía ông Phú không có ai nắm đủ cổ phần để thực hiện quyền đề cử thêm thành viên HĐQT. Với việc tăng thêm quyền lực thông qua HĐQT, phía ông Hải hoàn toàn có thể kiểm soát thế trận sắp tới.
Ngoài ra, trong khi quá trình kiện tụng kéo dài, thì đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4/2023 cũng sắp tới. Ông Hải có thể dùng uy tín của mình (cổ đông lớn nhất, nhà sáng lập và điều hành hơn 30 năm qua, giúp đưa Hòa Bình lên vị trí số 1 thị trường) để tranh thủ sự ủng hộ của cổ đông.
Lúc đó, đề nghị bầu lại chủ tịch HĐQT khả năng cao sẽ được cổ đông thông qua và dành sự lựa chọn cho ông Hải. Hiện nay, gia đình ông Hải đang nắm khoảng 22% cổ phần Hòa Bình. Hyundai Elevator (một cổ đông thân thiết với ông Hải) nắm 10% cổ phần. Do đó, có thể thấy ưu thế của phía ông Hải là khá lớn so với phía ông Phú.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899