Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Doanh nghiệp cần cơ cấu lại bất động sản, bán bớt dự án chưa triển khai
TCDN - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, để vượt qua được khó khăn, bên cạnh những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan, bộ, ngành địa phương. Doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại bất động sản, dự án, bán bớt dự án chưa triển khai, tạo nên dòng vốn để triển khai các dự án tiếp theo.
Về thị trường bất động sản hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, thời gian qua, thị trường bất động sản, hay doanh nghiệp bất động sản gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như về pháp lý đất đai, thủ tục giao đất, điều chỉnh đất đai, tính giá đất. Ngoài ra, còn có vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy hoạch dẫn đến thay đổi về tính giá đất. Những khó khăn trong thủ tục về thực hiện dự án nhà ở trong đó còn vấn đề chồng chéo về thủ tục.
Đặc biệt, theo ông Sinh khó khăn rất nhanh trong thời gian ngắn là nguồn vốn, trong đó tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp.
“Khó khăn này đã khiến doanh nghiệp dừng thực hiện dự án, nhiều nhà thầu cho công nhân nghỉ việc. Thời gian qua, Tổ công tác của Chính phủ đề nghị địa phương giải quyết thủ tục hành chính nhanh ngọn. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo với ngân hàng nới room tín dụng để phần nào tháo gỡ khó khăn. Và thực tế đã nới room tín dụng 2%, việc này tạo thuận lợi bước đầu trong giải quyết khó khăn nguồn vốn”, Thứ trưởng Sinh nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp. Trong quá trình sửa đổi thường xuyên có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính với Bộ Xây dựng. Những yêu cầu đặt ra phân loại doanh nghiệp xem xét đánh giá thận trọng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Và đến nay bắt đầu tháo gỡ.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết, trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng là một vấn đề lớn khiến thị trường bất động sản trầm lắng, doanh nghiệp khó khăn. Giai đoạn thị trường tốt doanh nghiệp cùng lúc thực hiện nhiều dự án, có thời điểm doanh nghiệp triển khai quá nhiều dự án khiến không cân bằng được tài chính.
Do vậy, “Để vượt qua được khó khăn, bên cạnh những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan, Bộ, ngành địa phương. Doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại bất động sản, dự án, bán bỏ bớt dự án chưa triển khai để tập trung vào dự án đang triển khai. Từ đó, tạo nên dòng vốn để triển khai các dự án tiếp theo. Về lâu dài việc triển khai dự án phải triển khai theo đúng quy định vay dự án nào phải thực hiện dự án đó tránh đầu tư dàn trải, không đúng dự án tạo sự mất cân bằng như trong thời gian qua” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, tình hình thị trường bất động sản năm 2022 đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn so cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, các dự án tổng hợp sơ bộ khoảng 50.000 giao dịch, tương đương cùng kỳ năm 2021. Lượng giao dịch đất nền tổng hợp sơ bộ khoảng 200.000 giao dịch.
Thêm vào đó, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần. Về cơ bản thị trường đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại. Cụ thể, thị trường vẫn đối diện tình trạng thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, giá giao dịch tăng cao.
Về vấn đề thiếu nguồn cung, số liệu cho thấy lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý 3/2022 chỉ tương đương khoảng 71% so với quý 2/2022 và bằng khoảng 34% so với cùng kỳ năm 2021.
Số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là 1.148 dự án, tương đương quý 2/2022 và bằng 163,3% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới là 36 dự án (24.324 căn), bằng khoảng 124% so với quý 2/2022 và 92,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Xây dựng cho rằng, về giá giao dịch, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập tại thời điểm cuối quý 2/2022, ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường, đặc biệt là thị trường thứ cấp.
Với những thách thức của năm 2022, Bộ Xây dựng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 là việc đề xuất các giải pháp cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hoạt động, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng cho biết, năm 2023 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo.
Bộ Xây dựng tiếp tục nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2023, bám sát chủ đề năm của Chính phủ để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và tập trung cao độ để tổ chức thực hiện hiệu quả.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899