Xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương:

Đánh giá đúng giá trị hiện tại, xác định thiệt hại do cá nhân, tổ chức gây ra

23/05/2021, 09:56

TCDN - Giải pháp xử lý dứt điểm 12 dự án ngành Công Thương là không để kéo dài gây thất thoát tài sản của Nhà nước theo nguyên tắc đối với những dự án không có khả năng phục hồi thì kiên quyết thực hiện phá sản, bán thanh lý tài sản.

2-1_CMYK2

Chỉ 01 dự án được đưa ra khỏi danh sách

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương” (Đề án 1468), tình hình các dự án, doanh nghiệp chưa có chuyển biến đáng kể, còn một số khó khăn, tồn tại. Đến cuối năm 2020, chỉ có Nhà máy sản xuất phân bón DAP1 - Hải Phòng được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ vì đã có lãi. Nhà máy thép Việt Trung đã bắt đầu có lãi nhưng vẫn còn lỗ lũy kế. Có 2 dự án giảm được lỗ nhưng chưa bền vững. Nhà máy Sơ sợi Đình Vũ đã từng dừng hoạt động, nay đã vận hành trở lại. Trong khi 7 dự án còn lại thì thua lỗ hoặc dừng hoạt động.

Có 5/12 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc EPC như Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Dự án nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.

Dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. 12 dự án có vốn chủ sở hữu là 14.350,04 tỷ đồng, vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng (chiếm 74,6%), còn lại 2,84% từ các nguồn khác. Trong tổng số vốn vay, vay các ngân hàng trong nước là 41.801,24 tỷ đồng, vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ cho đến cuối năm 2020 thì tổng nợ phải trả của 12 dự án thua lỗ, yếu kém chậm tiến độ lên đến hơn 63.300 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu đã âm tới 7.200 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), đến ngày 31/12/2019, có 06 dự án còn dư nợ tại VDB bao gồm: Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; 02 dự án/khoản vay của Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Trong đó: Tổng số vốn đã giải ngân: 14.665 tỷ đồng và 2.598.778 USD; Tổng số nợ gốc đã thu: 4.892 tỷ đồng và 1.504.696 USD; Tổng nợ lãi đã thu: 4.833 tỷ đồng và 1.826.045 USD; Tổng dư nợ gốc: 9.773 tỷ đồng (trong đó, nợ quá hạn: 4.349 tỷ đồng) và 1.094.082 USD; Tổng dư nợ lãi: 4.457 tỷ đồng (lãi đến hạn trả chưa trả: 4.349 tỷ đồng).

Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm

Tuy nhiên, việc xử lý các dự án thua lỗ này vẫn đang bế tắc do không xác định, phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền khiến xử lý không đúng thẩm quyền, thậm chí đùn đẩy, không dám làm.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho rằng, do trước đây không xác định rõ vấn đề nào thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị của các dự án, vấn đề nào thì doanh nghiệp xử lý, vấn đề nào do Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), vấn đề nào thuộc thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, vấn đề nào thì phải xin ý kiến các bộ ngành…, “Chỉ khi phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền mới có cơ sở pháp lý cho việc xử lý 12 đại dự án này và cả các dự án DNNN khác nếu rơi vào tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo cách phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm, với 3 dự án của Vinachem là Đạm Ninh Bình, Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, CTCP DAP2, thẩm quyền và trách nhiệm của Vinachem là hoàn thiện phương án xử lý đối với từng dự án đảm bảo khả thi, có thể thực hiện được ngay. Cả 3 dự án này vừa âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế lại chưa xử lý được tranh chấp hợp đồng EPC.

Các dự án Gang thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung và Sơ sợi Đình Vũ đang được tiếp tục xử lý tái cơ cấu các dự án. Tổng công ty Thép và Tập đoàn dầu khí chủ động quyết định theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện phương án tái cơ cấu, thoái vốn khỏi các dự án này.

Ethanol Phú Thọ đã dừng thi công từ năm 2011 như vậy coi như đã phá sản thì cho phá sản. 2 dự án Ethanol Bình Phước, Ethanol Quảng Ngãi đã dừng hoạt động theo quyết định của cổ đông đa số đầu tư 70% vốn. Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 30% vốn. Như vậy trách nhiệm xử lý các dự án này thuộc về cổ đông đa số. Trách nhiệm của PVN là chỉ đạo PV Oil l và các đơn vị thành viên xem xét phần vốn đầu tư nếu đã trích lập dự phòng rồi thì cho chuyển nhượng dự án hoặc bán lại cho cổ đông kia.

Dự án DAP1 - Hải Phòng đã có lãi, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn so sánh hiệu quả giữa hai phương án thoái vốn tại thời điểm hiện nay với thoái vốn khi hết lỗ và tính đến yếu tố thị trường để đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Bế tắc nhất là dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (Vinapaco), đã 4 lần đấu giá nhưng không thành công do không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An, Vinapaco và các cơ quan liên quanh đánh giá, triển khai phương án do UBND tỉnh Long An đề xuất. Đó là thay đổi quy hoạch từ diện tích đất của Nhà máy Bột giấy Phương Nam mở rộng thêm, xây dựng khu đô thị sinh thái khoảng trên 100 - 150ha để gắn với quy hoạch chung của tỉnh và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhà máy giấy Phương Nam cũng như một số dự án khác trong 12 đại dự án không xử lý được cũng bởi không xác định rõ nguyên tắc bảo toàn vốn, không theo nguyên tắc thị trường. Việc đấu giá các dự án này cũng cần xem xét lại. Đấu giá tài sản thì chỉ tính trên giá trị tài sản còn lại. Một số dự án nhà máy dừng hoạt động như vậy giá trị dự án bằng 0, nhưng lại xử lý theo cách đấu giá dự án, tức là tính cả giá trị tương lai dự án khiến giá trị mang đấu giá cao hơn giá trị doanh nghiệp còn lại. Vì xác định không đúng cách nên đấu giá mới không thành công.

Theo Cục trưởng Đặng Quyết Tiến, phương hướng xử lý dứt điểm 12 dự án này là không để kéo dài gây thất thoát tài sản của nhà nước theo nguyên tắc xác định rõ đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật và theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước. Nguyên tắc này đã được đưa vào dự thảo Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Tài chính đang hoàn tất.

Dự thảo Đề án nêu rõ, giải pháp xử lý dự án thua lỗ, kém hiệu quả như sau, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có dự án hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chỉ đạo Hội đồng thành viên/Hội đông quản trị các Tập đoàn, Tổng công ty rà soát, làm rõ thực trạng của các dự án chưa hoàn thành quyết toán để thực hiện quyết toán theo quy định, đồng thời tách riêng xử lý tranh chấp EPC theo quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế; tách riêng việc phục hồi sản xuất hoặc phá sản, thanh lý tài sản của dự án với việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Trong đó, đối với những dự án có khả năng phục hồi thì triển khai đánh giá đúng giá trị hiện tại của dự án theo thị trường để làm cơ sở tổ chức phục hồi sản xuất, đi vào hoạt động.

Đối với những dự án không có khả năng phục hồi thì kiên quyết thực hiện phá sản, bán thanh lý tài sản của dự án theo quy định.

Xác định giá trị thiệt hại do các cá nhân, tổ chức liên quan gây ra trong đó tính đến giá trị thu hồi từ tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại đền bù, từ cơ quan bảo hiểm bồi thường và từ bán thanh lý tài sản của dự án; trên cơ sở đó xác định trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhà nước sử dụng hợp lý nguồn lực để hỗ trợ việc xử lý giải thể, phá sản doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn gắn với trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo các yêu cầu về an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường, các cam kết quốc tế và ổn định xã hội.

Phương Thảo

Tạp chí in số tháng 5/2021
Bạn đang đọc bài viết Đánh giá đúng giá trị hiện tại, xác định thiệt hại do cá nhân, tổ chức gây ra tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Nghi vấn doanh nghiệp bắt tay tăng giá thép: Bộ Công Thương nói gì?
Giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới, trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng khiến giá thép tăng mạnh.