Đất Xanh miền Bắc "lách luật" huy động vốn trái phép tại dự án Green City Thanh Hóa?

18/06/2020, 12:39

TCDN - Dù dự án Khu nhà ở, công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa chưa đủ điều kiện mở bán, thế nhưng đơn vị phân phối đã ngang nhiên rao bán và thu tiền giữ chỗ của khách hàng thông qua Phiếu đăng ký tư vấn với “chiêu trò lạ".

Dự án Khu nhà ở, công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa có dấu hiệu huy động vốn trái phép.

Dự án Khu nhà ở, công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa có dấu hiệu huy động vốn trái phép.

Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội đang quảng cáo, rao bán rầm rộ dự án Green City Thanh Hóa với nhiều “mỹ từ” hút khách như: Dự án siêu “hot”, giá đầu tư “siêu lời”; dự án có vị trí kết nối thuận lợi đa hướng, hứa hẹn sẽ mang tới cơ hội an cư và đầu tư…

Tìm hiểu của PV được biết, Green City Thanh Hóa, đó chỉ là tên gọi thương mại tự đặt ra của nhà phân phối, dự án có tên chính thức là “Khu nhà ở, công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa” (tên thường gọi là mặt bằng 2125 - PV) vừa trúng đấu giá (giai đoạn 2), tọa lạc ngay sau tòa án nhân dân Tỉnh Thanh Hóa, tiếp giáp với đại lộ CSEDP và đại lộ Võ Nguyên Giáp, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tổng diện tích dự án là 37.322,7 m2, gồm 399 lô đất liền kề được Công ty Cổ phần HIRAKU  trúng đấu giá quyền sử dụng đất , đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần Đất Xanh miền Bắc – Chi nhánh tại Thanh Hóa.

Cũng theo như thông tin chào bán trên các trang mạng xã hội hiện tại, dự án có hai loại như Lô liền kề: 80m2 - 90m2, Biệt thự: 375m2 - 583m2, giá giao động 15 - 20 triệu/1 m2, tùy vị trí.

Tiến độ đóng tiền của khách hàng tại dự án Công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa

Tiến độ đóng tiền của khách hàng tại dự án Công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa

Tuy nhiên, hiện tại dự án trên vẫn chưa đủ điều kiện để mở bán nhưng đơn vị phân phối là Công ty Đất Xanh miền Bắc, Chi nhánh tại Thanh Hóa đã có dấu hiệu “lách luật” huy động vốn trái phép.

Trong vai khách hàng muốn mua đất, PV được một người tên M., cho biết: “Em là nhân viên của sàn Đất Xanh miền Bắc tại Thanh Hóa, bên em đang mở bán dự án Green City Thanh Hóa. Hiện tại khách hàng muốn mua thì phải đặt chỗ là 100 triệu/ 1 lô.”

Khi được hỏi giá rao bán là bao gồm nhà lẫn đất hay thế nào, nhân viên M., nói: “ Thực chất đây là dự án nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng nhà đầu tư sẽ không xây nhà nữa, thay vào đó khách hàng tự xây. Đây cũng là cách để giúp những nhà đầu tư dễ dàng trong việc chuyển nhượng…”

Tiếp đến, để khách hàng thuyết phục, nhanh xuống tiền hơn, nhân viên tên M., đã cung cấp cho PV một Quyết định trúng đấu giá đất ngày 31/3/2020, khi hỏi về các giấy tờ như chứng minh hoàn thành nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy phép xây dựng… thì nhân viên này đã lái câu chuyện qua nội dung khác?

Cũng như thông tin, tài liệu có được từ một nhân viên khác tên T., sau khi nói chuyện về dự án, để chắc chắn có khách hàng mua đất tại dự án Green City Thanh Hóa, nhân viên T., đã cung cấp cho PV một giấy đặt cọc mang tên “Phiếu đăng ký tư vấn”.

Đây là dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Tại dự án này, khi mà nghĩa vụ tài chính chưa hoàn thiện nhưng đơn vị phân phối đã

Đây là dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Tại dự án này, khi mà nghĩa vụ tài chính chưa hoàn thiện nhưng đơn vị phân phối đã "cầm đèn chạy trước ô tô" nhận cọc của khách hàng với hình thức "phiếu tư vấn"

Tuy nhiên, có một “điểm lạ” trong Phiếu đăng ký tư vấn mà Công ty Đất Xanh miền Bắc này dùng để thu tiền khách hàng 100 triệu đồng, lý do là "thu hộ cho chủ đầu tư". Trong 100 triệu thu hộ này, khách hàng có thể nộp trước số tiền thấp nhất là 20 triệu, nhưng trong vòng 24 giờ khách hàng phải nộp đủ với số tiền là 100 triệu đồng, nếu không, bên A, tức Công ty Đất Xanh miền Bắc sẽ giới thiệu vị trí đó cho khách hàng khác, cũng như mất số tiền đã nộp cho bên A….

Không những vậy Công ty này còn bắt khách hàng thừa nhận và đồng ý bên B “nguyện vọng mua hàng”, và bên A có nhiệm vụ “ thu hộ chủ đầu tư” không được hiểu là tiền đặt cọc đảm bảo giao dịch đối với lô đất tại dự án dưới bất kỳ phương diện nào. Phải chăng, đây chính là “mánh khóe” để Đất Xanh miền Bắc, Chi nhánh tại Thanh Hóa “lách luật”, cố tình đẩy khách hàng vào “thế đã rồi”?

Quy trình đặt cọc, cách thức

Quy trình đặt cọc, cách thức "huy động vốn" tại dự án ông viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa (tên thương mại tự đặt là: Green City Thanh Hóa)

Thông tin từ Chi cục Thuế Khu vực Tp - Đông Sơn: Công ty Cổ phần Hiraku (đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án ông viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa): Số tiền đất phải nộp vào Ngân sách là: 295 tỷ, số đã nộp theo định kỳ là 147,5 tỷ.

Vấn đề này, Luật sư Bùi Khắc Toản - Giám đốc Công ty luật TNHH 4.1 và cộng sự-đoàn LS tp Hà Nội cho biết: “Dự án khi chưa hoàn thiện về pháp lý theo quy định mà có huy động bằng bất cứ hình thức nào đều là sai pháp luật. Trong trường hợp chủ đầu tư, hoặc đơn vị phân phối đã vi phạm điều cấm đó thì tất cả những Hợp đồng đầu tư vốn dưới bất kỳ hình thức nào vào dự án đều có dấu hiệu sẽ bị vô hiệu. Rủi do thường là những nhà đầu tư (người tham gia mua sản phẩm).

Khách hàng mua, góp vốn hay đầu tư phải sản phẩm từ các dự án khi chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý sẽ bị lạm dụng vốn, nguy cơ dự án sẽ không có hạn định để trả sản phẩm cho khách hàng.  Luật sư Toản cho biết thêm.

Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS, điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh quy định như sau: “Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Trước khi bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai thì phải có văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước cấp tỉnh về việc nhà đủ điều kiện bán, cho thuê mua”.

Về chế tài xử phạt hành vi huy động vốn trái phép tại các dự án BĐS, theo điểm đ khoản 4 điều 57, Nghị định 139/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng trong đó có việc huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép sẽ bị phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản và buộc phải khắc phục hậu quả thực hiện đúng quy định hoặc đúng cam kết, buộc bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bên mua, bên thuê mua.

Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều doanh nghiệp BĐS sẵn sàng “nhờn luật” nhằm đạt được mục đích, đẩy mọi rủi ro cho khách hàng gánh chịu vẫn ngang nhiên huy động vốn trái phép thì cần phải có những chế tài nghiêm minh hơn nữa dành cho CĐT, Sàn phân phối vi phạm. Những hành vi vi phạm này cần phải xử lý triệt để tránh các hệ lụy về kinh tế cho các cá nhân mua BĐS.

Đồng thời, cũng tránh gây bất ổn cho sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Được biết, cách đây không lâu, Công ty Đất Xanh miền Bắc, Chi nhánh tại Thanh Hóa cũng đã tiến hành huy động vốn trái phép tại dự án Trung tâm thương mại và Nhà phố Eden thành phố Thanh Hóa, khi mà dự án này vẫn đang còn là những bãi đất cỏ mọc um tùm, hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản chưa hoàn thiện.

Tài chính Doanh nghiệp tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Doãn Tài
Bạn đang đọc bài viết Đất Xanh miền Bắc "lách luật" huy động vốn trái phép tại dự án Green City Thanh Hóa? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Vì sao Thanh Hóa tăng trưởng mạnh mà PCI vẫn thấp?
Tại sao Thanh Hóa vẫn tăng trưởng phát triển mạnh mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn thấp? Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đặt ra vấn đề này tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoa XVII.
Tháo điểm nghẽn nào để Thanh Hóa cất cánh?
HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã khai mạc trọng thể kỳ họp lần thứ 12. Ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nêu một số vấn đề cần thảo luận làm rõ để Thanh Hóa ngày càng phát triển.
Vì sao Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật?
Để xảy ra sai phạm liên quan việc thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ tại Khu kinh tế Nghi Sơn, ông Phạm Đăng Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.