Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thu, chi ngân sách nhà nước

14/05/2025, 19:25
báo nói -

TCDN - Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, gắn với quyền và trách nhiệm của từng cấp theo phương châm "cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện"; "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Sửa đổi quy định thu, chi ngân sách nhà nước

Chiều 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi toàn diện, mang tính hệ thống. Nội dung sửa đổi Luật NSNN lần này bao gồm 13 nhóm vấn đề lớn và 14 nội dung bổ sung mới, thể hiện sự cập nhật và đồng bộ với các luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Quản lý nợ công.

Cụ thể, quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành. Dự thảo bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi NSNN cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.

Đồng thời, quy định thêm một số nhiệm vụ chi NSNN được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) gồm: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, hoạt động quy hoạch.

Về ngân sách dự phòng, dự thảo điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5%; bổ sung quy định phạm vi chi từ nguồn dự phòng đối với bổ sung chi dự trữ quốc gia; nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách của nhà nước; chia sẻ phần giảm doanh thu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thời gian phải hoàn trả tạm ứng cho Quỹ dự trữ tài chính được nâng lên 12 tháng kể từ ngày tạm ứng.

Đặc biệt, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung về căn cứ lập dự toán NSNN để đảm bảo bao quát đầy đủ các nguồn thu và sửa đổi, bổ sung làm rõ yêu cầu lập dự toán chi thường xuyên.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, để tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dự thảo quy định thẩm quyền Quốc hội, HĐND các cấp ở địa phương quyết định dự toán chi NSNN, chi tiết theo chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, nhưng không quyết định chi tiết lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quyết định phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, đơn vị và địa phương chi tiết chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.

Dự thảo cũng quy định thẩm quyền Chính phủ được điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và một số địa phương (hiện hành thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội); điều chỉnh bội chi, mức vay nợ chính quyền địa phương Quốc hội đã quyết định trong phạm vi bội chi NSNN (hiện hành thuộc Quốc hội).

Đồng thời, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương, thủ trưởng đơn vị dự toán ngân sách về trách nhiệm giải trình liên quan đến lập, phân bổ, điều hành và quyết toán NSNN khi được yêu cầu.

HĐND cấp tỉnh được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật phí và lệ phí đã quy định; quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi an sinh xã hội, các chế độ, chính sách của địa phương. HĐND cấp xã được ban hành các chính sách, chế độ phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. UBND được điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương (hiện hành thuộc Thường trực HĐND); có trách nhiệm giải trình với cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

Đối với quá trình quyết toán NSNN, dự thảo Luật đã đơn giản hóa và giảm thủ tục gồm: quy trình kiểm tra và nội dung, thủ tục xét duyệt quyết toán của cơ quan tài chính và đơn vị dự toán cấp 1; bỏ thủ tục thẩm định quyết toán của cơ quan tài chính cấp trên đối với ngân sách cấp dưới trực tiếp ở địa phương.

Quốc hội nghe về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Quốc hội nghe về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Tăng mức dự phòng lên tối đa 5% là chưa phù hợp

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho hay, Ủy ban cơ bản tán thành với việc mở rộng phạm vi chi từ nguồn dự phòng, bao gồm cả chi cho đối ngoại cấp bách và chia sẻ rủi ro với các dự án PPP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng mức dự phòng lên tối đa 5% là chưa phù hợp, đề nghị giữ như quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành do e ngại làm giảm tính linh hoạt trong phân bổ ngân sách.

Về vấn đề phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP, theo ông Mãi, đa số ý kiến đồng tình với việc thay đổi phương thức phân chia thu, giao HĐND tỉnh quyết định giữa các cấp chính quyền địa phương. Tuy vậy, cũng có đại biểu cho rằng cần có thời gian đánh giá tác động toàn diện, nhất là trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Về phạm vi, đa số ý kiến Ủy ban nhận thấy, việc thực hiện phân cấp nguồn thu giữa Trung ương và địa phương có ảnh hưởng lớn tới nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là quy định mới, cần có thời gian đánh giá mức độ phù hợp, khả thi, hiệu quả trong thực tế.

Vì vậy, nhất trí với phương án Chính phủ trình, chỉ quy định việc phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương; giao HĐND cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh việc sáp nhập các xã, cần có thời gian để làm rõ quy mô, cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã để bố trí ngân sách và phân cấp nhiệm vụ, thẩm quyền phù hợp trong quản lý điều hành ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cũng cho hay, một điểm còn nhiều tranh luận là đề xuất giao Chính phủ quyền điều chỉnh dự toán ngân sách giữa các bộ, ngành, địa phương. Đa số ý kiến không đồng tình, cho rằng điều này có thể dẫn đến xung đột thẩm quyền với Quốc hội với vai trò là cơ quan giữ vai trò tối cao theo Hiến pháp. Một số đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, đồng thời quy định rõ cơ chế báo cáo, giám sát trong những trường hợp cấp bách, nhằm bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Luật sửa đổi lần này đã cắt giảm đáng kể thủ tục hành chính trong các khâu từ xây dựng, chấp hành đến quyết toán ngân sách, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ của địa phương và thủ trưởng đơn vị dự toán. Một số nội dung cụ thể như bỏ quy định số kiểm tra, bỏ quy trình thẩm định quyết toán của cơ quan tài chính cấp trên, hay đơn giản hóa lập dự toán lĩnh vực khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo… được đánh giá là thiết thực, giảm gánh nặng thủ tục, tăng hiệu quả sử dụng NSNN.

Đồng thời thể hiện nỗ lực lớn trong việc thể chế hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương, tiếp cận quản trị ngân sách hiện đại, và tăng cường phân quyền tài khóa. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện vẫn cần sự cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm sự hài hòa giữa linh hoạt và kỷ cương, giữa phân cấp và giám sát chặt chẽ, nhằm tạo dựng hệ thống quản lý ngân sách nhà nước minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thu, chi ngân sách nhà nước tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước
Ngày 11/4, Bộ Tài chính phối hợp với Dự án Tăng cường Quản lý tài chính công tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ (GIZ) tổ chức Hội nghị thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Dự án sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước.

x