Triển khai các Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng:

Đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển phong trào toàn dân chăm sóc người có công

19/11/2024, 14:10

TCDN - Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo các Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công ở Quy Nhơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công.

Triển khai các chính sách mới đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng

Theo báo cáo của UBND TP. Quy Nhơn về việc thực hiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, sau khi tiếp thu nội dung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, các Nghị định hướng dẫn thi hành và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các phòng, ban, ngành, hội, đoàn thể thành phố và UBND các phường, xã quán triệt những nội dung cơ bản của Pháp lệnh, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác người có công; thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo xác nhận, rà soát; chỉ đạo và hướng dẫn cho UBND các phường, xã củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo xác nhận người có công, hội đồng chính sách phường xã và thường xuyên đôn đốc việc triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ở cấp phường, xã; thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tham mưu, triển khai các chính sách mới liên quan đến chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, chế độ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nghị định cũng được chú trọng với nhiều hình thức như: Tổ chức phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông thành phố và phường, xã về nội dung cơ bản của Pháp lệnh, về chế độ chính sách đối với người có công; thực hiện niêm yết công khai các văn bản chính sách, các thủ tục hành chính, thủ tục hồ sơ về chế độ chính sách người có công tại các cơ quan, công sở, trụ sở tiếp dân... kịp thời triển khai các chính sách giúp nhân dân nắm bắt được chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện chính sách cho cán bộ chuyên cấp thành phố và phường, xã.

Lãnh đạo UBND TP. Quy Nhơn cho biết, các chế độ, chính sách cho người có công và thân nhân được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Hiện, thành phố đang thực hiện quản lý chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng đúng, đủ, kịp thời, chính xác cho 4.422 đối tượng người có công và thân nhân người có công với kinh phí chi trả hàng tháng trên 9,4 tỷ đồng. Thành phố đã phối hợp với cơ quan Bưu điện thực hiện chi trả trợ cấp uu đãi tại các bưu cục cơ sở đóng tại UBND các phường, xã, tạo điều kiện cho người có công nhận chế độ kịp thời, dễ dàng. Từ năm 2023, thực hiện chủ trương chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, thành phố tiến hành triển khai cập nhật tài khoản của các đối tượng và đến nay đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 1.333 người với kinh phí 9,7 tỷ đồng.

Hàng năm, thành phố thực hiện chi trả trợ cấp 1 lần cho trên 1.724 đối tượng thờ cúng liệt sĩ; tổ chức điều dưỡng luân phiên cho trên 2.932 người có công; cấp trên 3.725 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân người có công; thực hiện chế độ quà tặng của Chủ tịch nước nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh – Liệt sĩ cho trên 9.189 lượt người có công với cách mạng với kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng; chế độ ưu đãi giáo dục cho 66 đối tượng con người có công với kinh phí trên 484 triệu đồng; chi trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho khoảng 113 đối tượng thương binh, bệnh binh và con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học.

Công tác quản lý mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ luôn được chú trọng, toàn thành phố có 6 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, phường: Phước Mỹ, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội với 401 mộ liệt sĩ. Việc đầu tư kinh phí để xây dựng và sửa chữa nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ được quan tâm, UBND các phường, xã tự đối ứng ngân sách để cải tạo, tu bổ thường xuyên các hạng mục công trình nhỏ như tường rào, cổng ngõ; giao cho cán bộ văn hóa xã hội và đoàn thanh niên thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh, tạo không gian thoáng đãng, trang nghiêm để nhân dân đến viếng nhân các ngày lễ, Tết của đất nước.

Bên cạnh đó, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước không ngừng phát triển đi vào chiều sâu, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, các tổ chức kinh tế xã hội và nhân dân thành phố ngày càng nhận thức sâu sắc trách nhiệm, tình cảm trong hoạt động Đền ơn đáp nghĩa đối với người có công. Các phong trào Đền ơn đáp nghĩa được phát động, nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực như: Phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thương binh nặng, người có công già yếu neo đơn, phong trào xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa... đã góp phần thiết thực động viên, giúp đỡ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công. Trong 02 năm qua, từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (thu trung bình 280 triệu đồng/năm) do cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, hội đoàn thể, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp đã thực hiện cải thiện nhà ở cho 12 hộ gia đình người có công với kinh phí trên 250 triệu đồng và các hoạt động thăm hỏi người có công nhân dịp lễ, tết, người có công có hoàn cảnh khó khăn bị ốm đau đột xuất; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã được các cơ quan đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thăm nom động viên.

Khó khăn trong thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chế độ chính sách vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như tại Điểm 8 Khoản 7 Điều 182 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành, hướng dẫn theo thẩm quyền chính sách, chế độ ưu đãi đối với người sử dụng đất là người có công và thân nhân;” . Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công và thân nhân của Bộ Tài nguyên Môi trường thực hiện Nghị định 131/2021/NĐ- CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ .

Theo văn bản số 8685/BTC-QLCS ngày 30/8/2022 của Bộ tài chính có ý kiến: “tại Điều 106 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; khoản 1, khoản 4 điều 10, khoản 1 Điều 11, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất và khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 14 Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP thì: “i” Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất thì chỉ được miễn hoặc giảm một lần trong trường hợp: được Nhà nước giao đất làm nhà ở hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang làm đất ở hoặc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; “” Miễn, giảm tiền trong hạn mức đất ở đối với người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về người có công. Căn cứ quy định trên, chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công thực hiện theo pháp luật người có công. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất không áp dụng đối với trường hợp giao đất tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi được thực hiện theo chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất".

Hiện nay việc miễn, giảm tiền sử dụng đất UBND tỉnh ủy quyền cho cấp huyện thực hiện, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong việc giải quyết miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các trường hợp giao đất tái định cư khi thực hiện các dự án phải thu hồi đất và giao đất tái định cư. Do đó, trong quá trình thực hiện, khi nhà nước thực hiện các dự án phải thu hồi đất, giao đất tái định, một số đối tượng người có công và thân nhân có đất bị giải tỏa đề nghị được miễn, giảm tiền sử dụng đất, cấp huyện còn khó khăn do chưa có sự thống nhất trong thực hiện chính sách đối với người có công.

Hoàng Hà
Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển phong trào toàn dân chăm sóc người có công tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ninh Bình: Chăm lo cho người có công với nhiều chính sách thiết thực
Ngoài việc quản lý và thực hiện tốt các chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình còn chăm lo cho người có công bằng các chính sách cụ thể như: Chăm sóc sức khỏe; ưu tiên giao đất sản xuất; hỗ trợ cải thiện về nhà, đất.
Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai chính sách người có công
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công
Ngày 24/10, Cục Người có công - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công.
Thống nhất mức chuẩn trợ cấp người có công tăng lên 2.789.000 đồng/tháng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành văn bản số 4804/VBHN-BLĐTBXH ngày 4/10/2024 về hợp nhất Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Trong đó nêu rõ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.