Đế chế khách sạn của TT Trump lao đao vì đại dịch và biểu tình
TCDN - Tập đoàn Trump đã "ngấm đòn" từ đại dịch Covid-19 cùng tình trạng thương hiệu chìm trong tai tiếng. Làn sóng phẫn nộ chính trị lần này khiến công ty càng khó gượng dậy.
Mickael Damelincourt, Giám đốc khách sạn của Tập đoàn Trump tại Washington D.C., đứng trước đại lộ Pennsylvania, mang khẩu trang và giang rộng hai tay và giơ ngón cái với vẻ mặt tự tin.
Sau 3 tháng chật vật vì dịch Covid-19, với nhân sự bị cắt giảm "tận xương" và đầy phòng trống, ông cuối cùng cũng có cơ hội để ăn mừng.
Khách sạn vừa khai trương khu vực ngồi trên bên vỉa hè, nhằm chào đón những khách hàng thuộc nhóm ủng hộ MAGA (Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại) của Tổng thống Donald Trump.
Đăng tải trên Twitter ngày 28/5, Damelicourt đưa ra tuyên bố tương tự nhà lãnh đạo Mỹ: "Hãy trở lại với công việc nào".
Một ngày sau, Washington rơi vào hỗn loạn. Có thông tin nói ông Trump phải trốn vào boong-ke ngầm trong Nhà Trắng.
Người biểu tình Black Lives Matter kéo về trung tâm thủ đô phản đối phân biệt chủng tộc và tình trạng cảnh sát lạm dụng vũ lực. Khu ngồi ngoài trời vừa khai trương ở Trump International Hotel Washington D.C. lại được dẹp đi.
Rắc rối chồng chất
Ông Trump khiến người dân bức xúc nên khách sạn của ông lại trở thành nơi chịu trận. Tập đoàn Trump từ trước cuộc khủng hoảng chính trị đã "ngấm đòn" từ đại dịch Covid-19 lẫn tình trạng thương hiệu chìm trong tai tiếng. Làn sóng phẫn nộ chính trị lần này nhắm vào tổng thống càng khiến công ty khó gượng dậy.
Theo tiết lộ của nhân viên và cựu nhân viên Tập đoàn Trump, những khách thuê và trao đổi nội bộ bị rò rỉ, Washington Post cho biết đại dịch Covid-19 đã đảo lộn mọi hoạt động tại công ty.
Hàng nghìn phòng khách sạn của hệ thống bị bỏ trống. Tập đoàn Trump cho thôi việc hoặc nghỉ không lương hơn 2.800 nhân sự.
Họ tiết kiệm cả những khoản chi nhỏ nhất. Hoa, chocolate và dịch vụ đặt báo tại khách sạn ở trung tâm New York đã bị hủy. Một số khu vực sinh hoạt chung trong khách sạn tại Chicago phải tắt đèn để tiết kiệm điện.
Những thông tin này được nêu trong thư điện tử mà ban quản lý khách sạn gửi cho nhà đầu tư.
"Đây không phải là lùi xuống một bước, mà là lao thẳng dốc", Eric Danziger, Giám đốc điều hành Trump Hotels, trả lời các thành viên hội đồng quản trị khách sạn Trump tại Chicago ngày 22/4. Đoạn ghi âm cuộc gọi này đã được Washington Post thu thập.
Tình thế chật vật của công ty tiềm ẩn xung đột về lợi ích cho Tổng thống Trump, đặc biệt khi ông là người chỉ huy chính sách ứng phó Covid-19.
Đại dịch đã và đang tàn phá ngành kinh tế giữ vai trò cốt lõi trong đế chế kinh doanh của ông Trump: Du lịch và dịch vụ nhà hàng-khách sạn hạng sang. Mô hình kinh doanh của ông phụ thuộc rất nhiều vào mong muốn đi lại và tụ tập của mọi người.
Thiệt hại trong thời gian qua có quy mô rất lớn, theo Washington Post. Trong 5 khách sạn và khu nghỉ dưỡng đạt doanh thu cao nhất tập đoàn, hết 4 cơ sở đặt tại Miami, Las Vegas, Scotland và Ireland đã đóng cửa từ tháng 3 đến hết tháng 5.
Có khả năng tài sản của ông Trump đã thiệt hại hàng chục triệu USD về doanh thu sau 3 tháng.
Phản ứng trước bài viết của Washington Post, Eric Trump, người con trai lớn nhất trong gia đình ông Trump và được giao phó quản lý hoạt động kinh doanh, tuyên bố năm 2019 của công ty là "một trong những năm tốt nhất trong lịch sử".
"Chúng tôi nợ rất ít, nguồn tiền mặt rất lớn và có những bất động sản tuyệt vời nhất trên Trái Đất. Tình hình chưa bao giờ tốt hơn lúc này. Và chúng tôi đang chiến thắng mọi giải thưởng", Eric Trump nhấn mạnh.
Khách sạn chịu đòn
Từ trước đại dịch, nhiệm kỳ đầy hỗn loạn tại Nhà Trắng đã ít nhiều ảnh hưởng đến đế chế kinh doanh của ông Trump. Ít nhất hai khách sạn trong hệ thống, tại Miami và Chicago, ghi nhận tình hình kinh doanh sụt giảm sau khi ông Trump bước vào chính trường. Khách sạn của tập đoàn tại Washington đang được rao bán.
Giờ đây, làn sóng phẫn nộ về cái chết của George Floyd khiến các khách sạn thêm khó xử. Người biểu tình kéo đến bên ngoài các bất động sản thuộc Tập đoàn Trump ở New York, California và Washington D.C. Không đụng đến được tổng thống, họ ném đồ vật vào những công trình tượng trưng cho nhiệm kỳ của ông.
Một cựu nhân sự điều hành trong Tập đoàn Trump cho rằng tốt nhất đế chế kinh doanh nên rút khỏi thị trường khách sạn. Ngành khách sạn đang chiếm gần 1/3 doanh thu của công ty.
"Họ có quá nhiều phòng cần được lấp đầy, trong một thị trường mà nhu cầu đã giảm mạnh", cựu nhân viên tập đoàn chia sẻ.
Một số nhân viên vẫn kỳ vọng tập đoàn sẽ vượt qua được các khó khăn hiện nay. Nhìn chung doanh nghiệp của ông Trump vẫn đảm bảo được các nghĩa vụ tài chính.
Nguồn thu ổn định là tiền của khách thuê dài hạn và chi phí quản lý vẫn được duy trì. Gia đình ông Trump sở hữu môt loạt bất động sản giá trị cao và ông vẫn còn rất nhiều người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền để tham quan những cơ ngơi này.
Tuy nhiên, khách thuê của ông Trump cũng đang chịu "đạn lạc" từ làn sóng biểu tình.
Max Crespo, chủ chuỗi nhà hàng và xe bán thức ăn Neapolitan Express ở New York, cho biết chi nhánh tại tòa nhà số 40, phố Wall (do Tập đoàn Trump sở hữu), vừa bị phun sơn thông điệp phản đối tổng thống Trump.
Crespo trả cho Tập đoàn Trump gần 20.000 USD/tháng. Ông hy vọng có thể đàm phán lại với "những người đối tác tốt".
Theo các hồ sơ công khai, ít nhất 12 cơ sở của Tập đoàn Trump ở Mỹ và Canada đã sa thải hoặc cho nghỉ việc tạm thời nhân sự, bao gồm đầu bếp, phục vụ bàn, người dọn dẹp và bồi phòng.
Khu nghỉ dưỡng Doral của ông Trump tại Miami ban đầu chỉ thông báo cho tạm nghỉ 560 người, nhưng sau đó xác nhận 250 người trong số đó sẽ nghỉ luôn.
Trong cuộc gọi với các cổ đông, Danziger nói khách sạn thuộc Tập đoàn Trump có thể chuyển qua mô hình thuê lao động bán thời gian, không hưởng bảo hiểm y tế.
Doral đã phải hủy hoặc tạm hoãn ít nhất 10 sự kiện được lên kế hoạch trong năm 2020. Câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach phải đóng cửa vào cuối tháng 3. Đến tận giữa tháng 5, một số khu vực trong khu nghỉ dưỡng mới dần mở cửa.
Mar-a-Lago đã thông báo sẽ mở cửa trọng tháng 6, nhưng một số thành viên tiết lộ thật ra họ cũng không muốn đến.
Theo Zing
email: [email protected], hotline: 086 508 6899