Đề nghị bỏ quy định cấm công chứng ngoài trụ sở, tạo thuận lợi doanh nghiệp
TCDN - Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị bỏ quy định cấm công chứng ngoài trụ sở. Việc cho phép công chứng ngoài trụ sở cũng là biện pháp, giải pháp cung cấp dịch vụ công đến với người dân một cách thuận lợi nhất.
Tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), liên quan tới quy định về địa điểm công chứng, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng việc có quy trình, thủ tục chặt chẽ hay không không liên quan đến việc phải công chứng tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
“Tại sao không thể công chứng hợp đồng tại địa điểm có tài sản là bất động sản được giao dịch (nhất là trong trường hợp cần xác minh) hay tại trụ sở/ chi nhánh của ngân hàng trong trường hợp công chứng hợp đồng thể chấp bất động sản, hợp đồng mua bán bất động sản cần thanh toán qua ngân hàng. Việc tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu công chứng cũng không nhất thiết phải diễn ra tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. Hơn nữa cho dù công chứng ở đâu thì dự thảo Luật cũng đã yêu cầu “Việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp hình và lưu trữ trong hồ sơ công chứng”…”, đại biểu lý giải.
Từ lập luận nêu trên, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị bỏ quy định cấm công chứng ngoài trụ sở. Việc cho phép công chứng ngoài trụ sở cũng là biện pháp, giải pháp cung cấp dịch vụ công đến với người dân một cách thuận lợi nhất. Với việc cho phép công chứng ngoài trụ sở cùng với bỏ quy định công chứng giao dịch bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh cũng là giải pháp để cung cấp dịch vụ công chứng đến người dân tại địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng, giúp những người dân ở những địa bàn này khi có nhu cầu có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ công chứng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hiện nay dự thảo đã quy định theo hướng mở, có những trường hợp công chứng ở ngoài trụ sở theo quy định cụ thể của Chính phủ. Như vậy, vừa đảm bảo độ mở nhưng cũng có sự kiểm soát, không nới lỏng hoàn toàn. Bởi vì, việc công chứng về nguyên tắc, kinh nghiệm quốc tế là phải công chứng chủ yếu tại trụ sở, chỉ trong một số trường hợp nhất định thì cho phép công chứng ở ngoài trụ sở.
Về vấn đề xã hội hóa hoạt động công chứng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn chiếu, theo Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự công lập đã đề ra yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo của các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng đang được thực hiện rất mạnh theo Luật Công chứng hiện hành năm 2014 và đến hiện tại đã có 9 địa phương giải thể hoàn toàn các phòng công chứng; số lượng trong tổng số 1.298 tổ chức hành nghề công chứng thì hiện nay chỉ còn 120 phòng công chứng, chiếm tỷ lệ khoảng 9,2%, còn lại là các văn phòng công chứng theo mô hình xã hội hóa.
Tiếp đó, trong số 120 phòng công chứng về cơ bản đã tự chủ, phòng công chứng đã đảm bảo cả chi thường xuyên và chi đầu tư, 50/120 văn phòng công chứng đã tự đảm bảo chi thường xuyên, hiện nay chỉ còn 3 phòng công chứng là do nhà nước đảm bảo chi hoàn toàn. Vì vậy, ghi nhận ý kiến đề xuất của đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo sẽ có quy định hợp lý đối với những phòng công chứng đã đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư hoàn toàn để tiếp tục phát huy vai trò,…
Đối với thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, vấn đề ở đây là điều kiện để đảm bảo cho công chứng viên có thể thực hiện được công chứng đối với giao dịch bất động sản khi chúng ta chưa đảm bảo hạ tầng thông tin, cung cấp đầy đủ để xác thực thông tin, đảm bảo điều kiện cho công chứng viên thực hiện công chứng.
“Có thể nghiên cứu theo hướng sẽ giao vấn đề này cho Chính phủ quy định cụ thể để có lộ trình khi từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công chứng và nhất là khi có một cơ sở dữ liệu tập trung, đấy là điều kiện rất tốt để chúng ta có thể dỡ bỏ các quy định về địa hạt công chứng đối với giao dịch bất động sản… “, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899