Đề nghị xem xét thu thuế TNCN từ đấu giá, chuyển nhượng biển số xe qua đấu giá

07/11/2022, 15:09
báo nói -

TCDN - Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, biển số xe được chọn qua đấu giá là tài sản có thể có giá trị rất lớn nhưng trong Luật chưa có quy định quản lý hai đối tượng thu nhập và tài sản này. Do đó đại biểu đề nghị bổ sung quy định trong Nghị quyết của Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp về dự thảo Nghị quyết ‘’Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá" ngày 7/11, đại biểu Phạm Văn Thịnh đưa ra ý kiến về vấn đề cụ thể liên quan tới chính sách thuế và đăng ký tài sản.

Đại biểu cho rằng biển số xe được chọn qua đấu giá là tài sản có thể có giá trị rất lớn qua đấu giá hoặc khi chuyển nhượng. Để đảm bảo công bằng xã hội, tránh các hành vi lợi dụng trục lợi khi kê khai tài sản, kê khai lệ phí trước bạ khi đăng ký xe, kê khai thu nhập của tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế cần thực hiện đăng ký tài sản là biển số xe qua đấu giá và thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản là biển số xe. Hiện nay, Luật Thuế TNCN năm 2012 và Nghị định số 10 năm 2022 của Chính phủ về lệ phí trước bạ chưa có hai đối tượng thu nhập và tài sản này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu xem xét, bổ sung quy định này vào trong nội dung Nghị quyết và Nghị định.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang).

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang).

Về phân chia nguồn thu, đại biểu Phạm Văn Thịnh chỉ ra rằng, trong dự thảo Nghị quyết và Nghị định không đề cập đến phân chia nguồn thu nên như vậy số thu sẽ về ngân sách trung ương 100%. Theo đại biểu, nguồn thu từ đấu giá quyền chọn biển số nên phân chia hai cấp ngân sách trung ương và địa phương theo tỷ lệ 40-60. Điều này cũng công bằng giữa các địa phương, nơi đăng ký nhiều xe thì nhu cầu đầu tư cho hoạt động đảm bảo an toàn giao thông lớn hơn. Việc phân chia hai cấp ngân sách cũng là cách thức để khoản thu này tăng tính minh bạch.

Về lệ phí đăng ký và cấp biển xe ô tô, quy định của Thông tư 229 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định khi cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số và cấp đổi giấy đăng ký, chủ phương tiện phải nộp một mức lệ phí theo quy định. Hiện Thông tư 229 vẫn còn hiệu lực, vì vậy, để đảm bảo rõ ràng, Nghị định của Chính phủ cần nêu rõ ngoài số tiền trúng đấu giá phải nộp, chủ phương tiện phải nộp lệ phí đăng ký, cấp biển số xe ôtô theo quy định. Việc này sẽ đảm bảo công bằng giữa trước và sau khi áp dụng nghị quyết; giúp quản lý các nguồn thu liên quan đến đăng ký, cấp biển số xe được thuận lợi, minh bạch và khoa học.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc băn khoăn nội dung tại Điều 4 về quyền và quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe quy định…

Theo đó, người nhận chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe của mình mà không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác của mình, không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác là không phù hợp. Vì sau khi thực hiện thí điểm 3 năm xe gắn biển giá sau 2 đến 3 lần chuyển nhượng biển số đã trúng đấu giá theo xe ôtô sẽ hết khấu hao, không được phép sử dụng và lưu hành. Trong khi người nhận chuyển nhượng biển số theo xe không được chuyển nhượng riêng biển số xe cho người khác cũng không được dùng để đăng ký cho xe của mình. Khi muốn mua xe mới thì chủ sở hữu phải đi đấu giá hoặc đăng ký một biển biển xe khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh bày tỏ băn khoăn liệu số xe trúng đấu giá đã nhận chuyển nhượng sẽ được dùng vào việc gì và cơ quan chức năng quản lý biển số xe này như thế nào? Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh theo hướng quy định người nhận chuyển nhượng được phép giữ lại biển số xe để đăng ký cho xe khác của mình như quyền của người đã trúng đấu giá sau khi chuyển nhượng, cho, tặng xe của mình cho người khác.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, giá khởi điểm nên bắt đầu ở mức giá thấp hơn. Theo đại biểu, việc giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo cơ hội để nhiều người dân hơn có thể quan tâm tham gia vào việc đấu giá để lựa chọn không phải là biển số “đẹp” (vì khái niệm “đẹp” tùy thuộc vào từng người và khác nhau ở từng miền) mà để hướng tới việc lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhận thấy, làm như vậy thực hiện được mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời sẽ thu hút để có đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước.

Thứ hai, khi mức giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo thêm cơ hội cho thêm người dân ở các vùng, miền khác nhau, kể cả những vùng có điều kiện kinh tế, mức sống chưa cao được cùng tham gia để lựa chọn biển số xe ôtô theo nhu cầu sở thích của mình. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế và lắng nghe ý kiến của người dân.

Theo thông tin trong Tờ trình của Chính phủ, người tham gia đấu giá tại Singapore nộp số tiền đấu giá ban đầu là 1.000 đô la. Nếu khởi điểm ở giá cao thì đại biểu Nguyễn Thanh Cầm lo ngại rất nhiều người dân, những người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không được thực hiện cơ hội tham gia đấu giá để được sở hữu một biển số xe theo như mong muốn, sở thích của mình.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Đề nghị xem xét thu thuế TNCN từ đấu giá, chuyển nhượng biển số xe qua đấu giá tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giá khởi điểm 1 biển số ôtô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá quy định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá là 40.000.000 đồng; Bộ Công an sẽ đăng công khai biển số xe đưa ra đấu giá trước 45 ngày.