Số tiền thu từ đấu giá biển số ôtô nộp vào ngân sách Trung ương, địa phương theo tỉ lệ 7-3

22/09/2022, 22:06
báo nói -

TCDN - Theo Tờ trình Chính phủ số tiền thu được từ đấu giá biển số ôtô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc ban hành Nghị quyết sẽ nhằm tiếp tục thực hiện, thể chế hóa đầy đủ, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công, do đó, biển số xe ôtô được coi là tài sản công. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về cấp quyền sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; loại biển số có thể đấu giá; xác định giá khởi điểm; phạm vi quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe;… Việc cấp quyền sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá là rất đặc thù, một số nội dung quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng “biển số đẹp” theo quan niệm của từng người sử dụng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong việc cấp và sử dụng biển số xe, đăng ký xe; ngăn ngừa hành vi trục lợi từ việc cấp quyền sử dụng biển số ôtô; xác lập quyền sử dụng của biển số ôtô; tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong cấp và sử dụng biển số ôtô; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá biển số ô tô; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Mặt khác, trên thế giới nhiều nước đã thực hiện việc lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Myanmar,…

Từ những phân tích trên, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá là cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, bao gồm: xác định biển số ôtô thực hiện thí điểm đấu giá; giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.

Chính phủ đề xuất 5 nhóm chính sách. Một là, quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ôtô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.

Hai là, xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất. Ba là, quy định đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá. Bốn là, quy định quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Năm là, quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá, cụ thể: Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. 

Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Đồng thời nhận thấy nội dung của dự thảo Nghị quyết có 4 chính sách khác với quy định của luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, hình thức văn bản. Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá với thời gian thí điểm là 3 năm.

Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về lý do đề xuất ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và căn cứ để áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng việc đấu giá biển số xe là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân vừa bảo đảm công khai, minh bạch. Chủ tịch Quốc hội nhất trí với việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 để có thể sớm triển khai sẽ nhận được hoan nghênh của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Số tiền thu từ đấu giá biển số ôtô nộp vào ngân sách Trung ương, địa phương theo tỉ lệ 7-3 tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ “chốt” đề án thí điểm đấu giá biển số ôtô
Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá để gửi cho Bộ Tư pháp và phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Thu thuế thế nào khi đấu giá biển số xe đẹp?
Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá trong đó có đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành quy định về thu thuế chuyển nhượng biển số trúng đấu giá; lệ phí đăng ký sang tên đối với biển số trúng đấu giá.