Đề xuất chuyển toàn bộ đơn vị sự nghiệp kinh tế thành công ty cổ phần

11/12/2019, 15:51

TCDN - Trên cơ sở nguyên tắc chuyển đổi thành CTCP đối với các ĐVSNCL thực hiện cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân và người dân sẵn sàng bỏ tiền mua, cần cổ phần hóa toàn bộ các ĐVSN kinh tế.

20191211_153040

Tại Hội thảo cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập: Hiện trạng và giải pháp chính sách do Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính tổ chức ngày 11/12, bà Nguyễn Thị Lệ Thu – Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, về nguyên tắc, việc chuyển đổi thành CTCP nên thực hiện đối với các ĐVSNCL sau: Các ĐVSNCL cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân và người dân sẵn sàng bỏ tiền mua, mang lại lợi nhuận do các công ty hoạt động vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận; Sản phẩm, dịch vụ mà các ĐVSNCL cung cấp không phải là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần đảm bảo quyền tiếp cận của người dân. Các ĐVSNCL hoạt động ở các địa bàn có điều kiện kinh tế phát triển.

Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, đề xuất các ĐVSNCL cần chuyển đổi thành CTCP bao gồm: Toàn bộ các ĐVSN kinh tế.

Đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo: Các cơ sở giáo dục đại học, trừ các cơ sở đào tạo ngành sư phạm và một số chuyên ngành đặc thù. Trường hợp cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa ngành, trong đó có cả ngành sư phạm và các chuyên ngành đặc thù thì NSNN hỗ trợ trực tiếp người học; Các cơ sở dạy nghề.

Đối với lĩnh vực y tế: Các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chất lượng cao, các cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt, phẫu thuật thẩm mỹ.

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ: Các tổ chức nghiên cứu ứng dụng, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ.

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch: Các trung tâm văn hóa, nhà hát, đoàn nghệ thuật, trừ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cổ truyền, văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian.

Đối với lĩnh vực thông tin truyền thông và báo chí: Toàn bộ các ĐVSN thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông và báo chí, trừ các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.

Điều kiện để chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP cần xây dựng khung pháp lý để chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP, trong đó quy định rõ cơ chế tài chính, quyền sở hữu, việc xử lý tài sản, quyền sử dụng đất, cơ chế quản lý, giám sát của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với người lao động sau khi chuyển đổi nhằm ổn định cuộc sống của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhà nước không cắt ngân sách cho việc cung cấp các dịch vụ công mà chuyển từ cơ chế cấp ngân sách để cung cấp dịch vụ công cho các ĐVSNCL sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, mua dịch vụ công từ các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau, trong đó có các ĐVSNCL đã được chuyển đổi thành CTCP.

Để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ công khi chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP, Nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn về dịch vụ cung cấp, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn đó và có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm. Đối với một số dịch vụ công cơ bản, thiết yếu như giáo dục đại học, thu gom và xử lý rác thải, phương tiện công cộng…, sau khi chuyển thành CTCP, Nhà nước cần quản lý giá để đảm bảo quyền tiếp cận của người dân.  

Việc chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP cần được thực hiện theo lộ trình và gắn với việc thực hiện cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL. Việc chuyển đổi cần được thực hiện trước hết đối với các ĐVSNCL đã tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên, các đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên, sau đó đối với các đơn vị khác theo lộ trình tự chủ đã được phê duyệt.

Đến năm 2016, cả nước có 57.995 ĐVSNCL. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2018, số lượng ĐVSNCL được cổ phần hóa chỉ đạt trên 50 đơn vị, chưa đạt 0,09%.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất chuyển toàn bộ đơn vị sự nghiệp kinh tế thành công ty cổ phần tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan