Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập: Đã có những bước chuyển thần tốc
TCDN - Tính đến tháng 10/2019, đã có 51 đơn vị sự nghiệp chuyển sang công ty cổ phần. Kết quả sản xuất kinh doanh của 51 đơn vị này cho thấy có một bước nhảy vọt vượt bậc. Có đơn vị sau chuyển đổi doanh thu và lợi nhuận tăng tới 87 lần.
Qua khảo sát thực tế của Bộ Tài chính và báo cáo đánh giá của các Bộ quản lý ngành, địa phương tính đến hết năm 2018, doanh thu bình quân của doanh nghiệp tăng từ 14.950 triệu đồng lên 46.876 triệu đồng (tăng 214%). Lợi nhuận bình quân tăng từ 667 triệu đồng lên 4.081 triệu đồng (tăng 503%).
Mặc dù vẫn còn các đơn vị làm ăn thua lỗ, doanh thu giảm sút nhưng nhìn chung đa phần các đơn vị sau khi chuyển đổi thành CTCP đều hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn.
Theo số liệu của Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về tình hình tài chính tại thời điểm 31/12/2018 của 09 CTCP đã chuyển về SCIC cho thấy: Tổng tài sản tăng 27%, doanh thu tăng 58% so với thời điểm chuyển đổi, cho thấy các doanh nghiệp đã mở rộng được quy mô sản xuất kinh doanh so với trước đây.
Lợi nhuận năm tăng 52% so với thời điểm chuyển đổi. Tốc độ tăng của doanh thu và lợi nhuận gấp khoảng 02 lần tốc độ tăng tài sản cho thấy các DN sau chuyển đổi đã khai thác tài sản tốt hơn để cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, qua khảo sát của Bộ Tài chính và báo cáo của các địa phương đều cho thấy tình hình hoạt động của các ĐVSNCL sau khi chuyển đổi đã có nhiều cải thiện.
Số lượng đơn vị có doanh thu trên 20 tỷ đồng tăng lên trên 50% và đã xuất hiện các đơn vị có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Chẳng hạn, tại Bến Tre, CTCP Xây dựng và bảo trì cầu đường tỉnh Bến Tre đã chuyển từ lỗ 525 triệu năm 2016 thành lãi 2,33 tỷ đồng năm 2018.
Cá biệt có CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn III tỉnh Hà Nam, sau khi chuyển đổi vào năm 2016, đến năm 2018, vốn điều lệ tăng 17 lần, lợi nhuận tạm tính tăng 87 lần.
Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) và hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) của các ĐVSNCL sau CPH trung bình đều đạt 9% theo báo cáo của các địa phương và SCIC. Như vậy, hiệu quả của các doanh nghiệp này cao hơn mức trung bình chung các ngành, hiệu quả hơn so với khối các doanh nghiệp nhà nước 4,2% và trung bình các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán VN với 7,2% (stockbiz.vn).
Các ĐVSNCL đã hoàn thành CPH chủ yếu nằm trong khu vực Công nghiệp và Dịch vụ nên có hiệu suất sinh lời rất cao, tương ứng với kết quả mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã đạt được. Kết quả này phản ánh các ĐVSNCL đã hòa nhập nhanh chóng với nền kinh tế và bước đầu đem lại những kết quả tốt ngoài mong đợi.
Nhìn chung CPH các ĐVSNCL trong thời gian qua đã đạt được những tín hiệu tích cực. ĐVSNCL không chỉ cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, làm tốt hơn vào những lĩnh vực then chốt, cung ứng hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu mà còn mở rộng quy mô ngành nghề theo Luật Doanh nghiệp.
Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị sau cổ phần hóa được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển; giá trị tài sản tăng; Các doanh nghiệp sau CPH, đa phần đều đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt hơn, dịch vụ cung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng do có sự cạnh tranh về giá cả, tiến độ thực hiện và chất lượng dịch vụ, sản phẩm cung cấp theo cơ chế thị trường.
Một số địa phương phản ánh DN sau CPH phải chuyển từ chế độ tính hao mòn sang trích khấu hao, từ được giao đất sang cho thuê đất nên áp lực chi phí lớn, mức lợi nhuận chưa đạt như phương án khi CPH với lý do: việc xây dựng Kế hoạch sản xuất kinh doanh cho 03 năm sau CPH chưa tính hết các khoản chi phí phát sinh khi ĐVNSCL chuyển sang mặt bằng chi phí của doanh nghiệp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899