Đề xuất giải pháp quản lý các lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu ngân sách

03/09/2023, 16:37
báo nói -

TCDN - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích, báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa ký Quyết định số 1322/QĐ-TCT về việc ban hành Kế hoạch triển khai phát động phong trào thi đua “Phát huy truyền thống đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, ngành Thuế Việt Nam quyết tâm thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy “Thu thuế phải thu được lòng dân”, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để lập thành tích chào mừng 80 năm Ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam (10/9/1945 - 10/9/2025).”

Kế hoạch đặt ra 12 nhóm nội dung và giải pháp thực hiện.

Một là, quán triệt quan điểm đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn ngành Thuế Việt Nam nhằm tuyên truyền về truyền thống lịch sử của ngành Thuế; đảm bảo thực hiện hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ thu ngân sách nhưng đảm bảo theo đúng lời dạy của Bác Hồ “Thu thuế phải thu được lòng dân”.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Hai là, các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện quán triệt và tuyên truyền đến từng công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nhận thức được việc triển khai thực hiện phong trào thi đua là cơ hội thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ đi trước; khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, tạo động lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc, cụ thể: “Trong nền kinh tế số ngày nay, thu được lòng dân mới thu được thuế. Chính vì vậy, việc triển khai HĐĐT, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế (NNT), giảm tối đa tất cả chi phí cho NNT, lấy NNT làm trung tâm phục vụ chính là thu lòng dân để thu thuế”.

Vì vậy, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ tra cứu, đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử cho NNT là cá nhân; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) để vận hành hệ thống HĐĐT thông suốt 24/7, từ đó phục vụ tốt nhất hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Đồng thời tiếp tục đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT); nâng cấp hạ tầng CNTT, Cổng TTĐT để kết nối, lưu trữ thông tin và hỗ trợ NNT theo hình thức điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT.

Bốn là, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như:

Triển khai việc thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tăng cường ứng dụng CNTT hiện đại hóa hệ thống thuế; triển khai thực hiện tích hợp việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Tổ chức triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Chương trình hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Năm là, tiếp tục tăng cường triển khai số hóa để nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, tăng cường kiểm tra, giám sát kê khai thuế của NNT chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Chú trọng việc quản lý rủi ro trong phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế của DN để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp để hỗ trợ NNT.

Sáu là, tập trung triển khai các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; hỗ trợ NNT nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng, tạo nguồn thu cho NSNN.

Tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế.

Bảy là, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích, báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.

Tám là, triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, quy trình thanh tra, kiểm tra thuế, trong đó tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra các ngành, lĩnh vực, DN có rủi ro cao về thuế.

Tăng cường điện tử hóa, số hóa trong quản lý công tác thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế theo phương thức quản lý rủi ro để tạo thuận lợi cho NNT.

Chín là, điện tử hóa các thủ tục ban hành thông báo nợ, phân công, phân loại nợ, phân loại đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN trên toàn quốc.

Mười là, triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thuế mà trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo chức năng quản lý thuế, các ngạch công chức chuyên ngành thuế, các kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý và tổ chức thực thi công vụ; tăng cường hình thức đào tạo trực tuyến.

Nâng cao chất lượng, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp. Quán triệt công chức, viên chức thuế chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Mười một là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ, chi tiêu nội ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách; đảm bảo kỷ cương tài chính nội ngành; công tác kiểm tra nội bộ; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra việc thực thi công vụ.

Mười hai là, trên cơ sở triển khai Kế hoạch triển khai phát động phong trào thi đua được ban hành theo Quyết định số 1322/QĐ-TCT, các đơn vị trong toàn ngành Thuế triển khai thực hiện phong trào thi đua sâu rộng, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ công tác thuế được giao. Đồng thời thực hiện khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những tập thể, cá nhân xuất sắc những gương điển hình tiên tiến trong toàn ngành Thuế.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giải pháp quản lý các lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu ngân sách tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thu ngân sách nhà nước đạt gần 70% dự toán
Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán năm và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
55 địa phương thu ngân sách thấp hơn cùng kỳ
Bộ Tài chính cho biết, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 7 tháng đạt trên 60% dự toán; 8/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 55 địa phương thu ngân sách thấp hơn so với cùng kỳ.