Đề xuất lập Quỹ hỗ trợ lao động mất việc làm, xử lý doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội

06/06/2023, 10:18
báo nói -

TCDN - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sáng 6/6, các đại biểu đã đặt vấn đề về tình trạng lao động mất việc làm, rút bảo hiểm một lần và đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ người lao động; xử lý doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Gần 1 triệu người rút bảo hiểm một lần trong năm 2022

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) nêu rõ, trong những năm qua, đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động mất việc làm nên họ chọn rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống. Tình trạng này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Đại biểu Tráng A Dương.

Đại biểu Tráng A Dương.

"Có nên đề nghị Trung ương lập quỹ hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên?", đại biểu chất vấn.

Báo cáo gửi tới Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng từ báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021).

Giai đoạn 2016 - 2022, bảo hiểm xã hội tại các tỉnh, thành đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong đó số người quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng).

Nguyên nhân của tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, do đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn.

“Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già”, lý do khác được ông Dung đưa ra là tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19. Bộ trưởng cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này.

Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Bộ trưởng cho biết, có nhiều phương pháp khác cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập Quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.

Áp dụng chế tài mạnh đối với hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phản ánh tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này?

Đại biểu Ma Thị Thúy.

Đại biểu Ma Thị Thúy.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản. 

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó. 

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất lập Quỹ hỗ trợ lao động mất việc làm, xử lý doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Gần 150 nghìn lao động mất việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
Cả nước có gần 149 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp, trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử và chủ yếu ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, theo công bố của Tổng cục Thống kê.