Đề xuất trích hơn 400 tỷ đồng/năm cho cơ quan thanh tra từ khoản thu hồi

17/08/2023, 09:40
báo nói -

TCDN - Đây là một trong những điểm mới tại dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Trình bày về dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Dự thảo để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Dự thảo nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi đã nộp vào ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Đối với mức trích, Chính phủ đề xuất quy định theo tỷ lệ 30%, 20%, 10% như hiện hành, nhưng tăng biên độ số tiền nộp vào ngân sách nhà nước được trích để phù hợp với thực tế.

Lý giải về đề xuất tăng, ông Phong cho hay, lương cơ bản, chỉ số trượt giá tăng cao hơn so với thời điểm ban hành Thông tư số 327 năm 2016 và nguồn thu nộp vào ngân sách nhà nước được phát hiện thu hồi qua công tác thanh tra có xu hướng giảm.

Tổng số kinh phí được trích bình quân trong 1 năm của giai đoạn 2018-2022 là 380 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo chính sách mới (tăng biên độ) thì kinh phí hằng năm trích cho các cơ quan thanh tra ước tính tăng 45 tỷ đồng (tăng khoảng 12%) so với mức được trích theo quy định hiện hành, trong đó ngân sách Trung ương tăng 27 tỷ đồng; ngân sách địa phương tăng 18 tỷ đồng.

Đồng thời, Dự thảo cũng quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước là các cơ quan thanh tra theo quy định tại Điều 9 Luật Thanh tra năm 2022, bao gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra sở; Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành sự cần thiết ban hành quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 112 của Luật Thanh tra năm 2022. Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết này bảo đảm cơ sở pháp lý và được xây dựng trên cơ sở thực tiễn.

Về các khoản được trích, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo quy định do đã quy định đây là các khoản được trích từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, nên không trùng lắp với các khoản thu hồi phát hiện qua Kiểm toán nhà nước hoặc số tăng thu ngân sách nhà nước so với dự toán. Đồng thời, đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ như mức các cơ quan thanh tra đang được hưởng theo quy định tại Thông tư số 327/2016/TT-BTC do quy định này đã có căn cứ thực tiễn và bảo đảm lập, quyết định dự toán chi, sử dụng kinh phí được trích không vượt quá nhu cầu chi hằng năm của các cơ quan thanh tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến đề nghị cần thiết kế cụ thể về thủ tục trích, nộp. Trình tự, thủ tục trích, nộp cần được quy định cụ thể, trong đó làm rõ trình tự, thủ tục đối với: Các khoản thu hồi do đối tượng thanh tra trực tiếp nộp vào ngân sách nhà nước; Các khoản thu hồi đã được cơ quan thanh tra nộp vào ngân sách nhà nước từ tài khoản tạm giữ sau khi đối tượng thanh tra nộp vào tài khoản tạm giữ theo kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

Ngoài ra, đề nghị cần rà soát, sắp xếp nội dung liên quan đến lập, giao dự toán và quyết toán kinh phí được trích để áp dụng thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước và phù hợp các quy định pháp luật. Lập dự toán kinh phí trích hàng năm cần xác định trên số thực nộp ngân sách nhà nước đã được cơ quan tài chính/Kho bạc Nhà nước xác nhận từ một thời điểm năm trước đến thời điểm lập dự toán năm sau để bảo đảm chủ động trong lập dự toán chi và tránh trường hợp thực tế các năm sau không có nguồn kinh phí trích nộp, nhưng dự toán chi đã thực hiện từ các năm trước không bố trí được nguồn để hoàn trả...

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất trích hơn 400 tỷ đồng/năm cho cơ quan thanh tra từ khoản thu hồi tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan