Doanh nghiệp chuộng phát hành trái phiếu riêng lẻ: Lỗi từ thị trường

30/09/2022, 20:28
báo nói -

TCDN - Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, thời gian qua các doanh nghiệp phát triển tốt, uy tín ở Việt Nam đều không phát hành trái phiếu ra công chúng lại chọn trái phiếu riêng lẻ không phải lỗi của doanh nghiệp mà là lỗi từ thị trường.

Tại Đối thoại chuyên đề: “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP", TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành "đẳng cấp thấp". Nếu doanh nghiệp cứ bám vào đó để “sống” thì đẳng cấp của doanh nghiệp trên thị trường sẽ thấp dần đi, cả về uy tín lẫn chiến lược quản trị.

“Quản trị một tập đoán lớn mà chỉ dựa vào phát hành trái phiếu riêng lẻ để “sống” là một sai lầm”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng bày tỏ với sự tăng trưởng nhanh chóng thời gian qua, nhưng gần như tất cả công ty phát triển rất tốt ở Việt Nam đều không phát hành trái phiếu ra công chúng lại chọn phát hành riêng lẻ. Theo ông Nghĩa, thực trạng này không phải lỗi của doanh nghiệp mà là lỗi từ thị trường.

Theo ông, xét về cấu trúc rủi ro thì trái phiếu phát hành riêng lẻ rủi ro cao hơn rất nhiều so với phát hành trái phiếu ra công chúng. Chỉ những nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao mới có thể đầu tư.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng xét về cấu trúc rủi ro thì trái phiếu riêng lẻ rủi ro cao hơn rất nhiều so với phát hành trái phiếu ra công chúng.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng xét về cấu trúc rủi ro thì trái phiếu riêng lẻ rủi ro cao hơn rất nhiều so với phát hành trái phiếu ra công chúng.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ mong muốn thu hẹp khu vực phát hành trái phiếu riêng lẻ và chuyển hẳn sang khu vực phát hành sang công chúng, bởi đây là khu vực mà tổ chức phát hành có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn.

Ông Nghĩa cho biết, UBCKNN phải mất ít nhất 6 tháng đến khoảng 1 năm để xử lý 1 bộ hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng, bởi có quá nhiều hồ sơ doanh nghiệp nộp lên.

Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc ra đời Nghị định 65/2022/NĐ-CP mà không xử lý thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng thì không chỉ tạo ra ách tắc của bộ phận trong thị trường này mà còn ách tắc thị trường kia. Ông Nghĩa cũng cho biết, 1 số tập đoàn lớn phát hành riêng lẻ hiện nay nhưng họ thực sự có khả năng ra quốc tế, họ có uy tín, tầm quốc tế nhưng họ cảm thấy khó khăn khi phát hành riêng lẻ ở Việt Nam lãi suất cao, phát hành ra quốc tế lãi suất cũng cao bởi họ “chưa đủ đẳng cấp để phát hành ra công chúng ở Việt Nam”. Trong khi đó, khi doanh nghiệp nộp hồ sơ phát hành ra công chúng ở Việt Nam thì sẽ mất hoàn toàn cơ hội kinh doanh, ông Nghĩa chia sẻ.

“Vấn đề này cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc cùng những quy định, hành động thực sự”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến của ông Nghĩa, ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, có doanh nghiệp thời gian qua phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng bản thân họ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để phát hành ra công chúng.

“Đã phát hành trái phiếu riêng lẻ thì phải dành cho đối tượng tham gia nhà đầu tư chuyên nghiệp, mức độ công bố thông tin, vận hành của thị trường phải khác với phát hành ra công chúng. Bởi phát hành ra công chúng có thể tiếp cận mọi nhà đầu tư, không giới hạn, chuẩn mực phát hành theo đó phải cao hơn. Đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư chuyên nghiệp phải cao hơn so với nhà đầu tư thông thường”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam.

Khi phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải có phê duyệt từ đại hội đồng cổ đông, nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), sau đó Ủy ban duyệt và đồng ý phương án phát hành thì doanh nghiệp mới được phát hành. Khi hoàn tất, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ để niêm yết trái phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán để giao dịch trái phiếu với tất cả nhà đầu tư.

Tuy nhiên thời gian qua, thị trường gặp phải vướng mắc khi nộp hồ sơ lên UBCKNN có thời gian xử lý lâu, dẫn đến doanh nghiệp không chủ động được thời gian phát hành trái phiếu. Từ đó doanh nghiệp không kịp huy động đủ nguồn vốn kinh doanh.

Trong khi đó, khi phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp có thể chủ động triển khai hầu hết khâu, không phải xin ý kiến, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm báo cáo kết quả phát hành.

Trước thực trạng có rất nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành ra công chúng nhưng họ vẫn chọn phát hành riêng lẻ, ông Quỳnh cho biết điều này dẫn đến việc phát hành riêng lẻ tăng vọt trong khi phát hành ra công chúng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Năm 2021, tỷ lệ này chỉ chiếm có 5% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên toàn thị trường. Trong 95% còn lại phát hành riêng lẻ có rất nhiều doanh nghiệp rất lớn, rất uy tín, chất lượng.

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, không nên nói rằng "cổ vũ" phát hành ra công chúng, vì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng phát hành theo kênh này. Khi không đạt chuẩn để phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải chọn phương thức phát hành riêng lẻ và sẽ khó khăn hơn với mức độ rủi ro cao hơn, không thể bán cho tất cả đối tượng nhà đầu tư mà chỉ tập trung vào nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

"Phải xác định rõ kiến trúc tổng thể của thị trường tài chính, sản phẩm nào, công cụ nào đi với đối tượng nhà đầu tư nào để không ngăn cản sự phát triển của thị trường. Chúng ta phải luôn mở cho doanh nghiệp con đường để huy động vốn và tìm đúng đối tượng nhà đầu tư phù hợp, giúp nguồn vốn trong nền kinh tế luân chuyển một cách hiệu quả, đúng với khẩu vị rủi ro của các bên tham gia", ông Đỗ Ngọc Quỳnh nêu quan điểm.   

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.

Theo đó, mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp chuộng phát hành trái phiếu riêng lẻ: Lỗi từ thị trường tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết, mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu doanh nghiệp mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Đề xuất thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo
Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề nghị nên thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo. Mỹ và các nước châu Âu đang phát triển rất nhiều để tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả.