Đề xuất thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo

12/09/2022, 19:11
báo nói -

TCDN - Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề nghị nên thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo. Mỹ và các nước châu Âu đang phát triển rất nhiều để tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả.

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay diễn ra chiều 12/9, ông Trương Văn Phước chia sẻ về 3 vấn đề là kinh nghiệm quốc tế cũng như cách thức để ổn định kinh tế vĩ mô; cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước qua hạn mức tín dụng; tài khóa và chính sách tiền tệ, các mục tiêu.

Theo ông Phước, về ổn định kinh tế vĩ mô, có thể nói là lạm phát toàn cầu tăng lên. Ở Việt Nam của chúng ta có thể nói là bức tranh ngược lại.

“Chưa có con số cụ thể đến 31/12, nhưng chắc là chúng ta có thể tin tưởng rằng tăng trưởng của Việt Nam có thể trên 6,5% thậm chí 7%; lạm phát có thể kiểm soát được”, ông Phước cho hay.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Cũng theo ông Trương Văn Phước, kinh nghiệm của quốc tế một số nước dùng rất nhiều các chính sách, một chính sách ngắn hạn trong chính sách tiền tệ là tăng lãi suất. Quan sát tăng lãi suất, đằng sau tăng lãi suất là gì là điều Việt Nam đang cần. Chắc chắn là ngày 21/9 này Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỉ giá.

“Tôi có ý kiến riêng như này Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỉ giá. Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá”, ông Phước đề xuất.

Về cung ứng tiền và chính sách tiền tệ, ông Phước cho rằng các quốc gia đều phải sử dụng chính sách tiền tệ trong tăng lãi suất và cung ứng tiền để kiểm soát lạm phát. Ở Việt Nam cung ứng tiền thể hiện qua room tín dụng, là kênh gần chủ chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vừa rồi việc Ngân hàng Nhà nước thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng theo ông Phước là rất thích hợp.

Tuy vậy, ông Phước cho rằng cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình trong tương lai. Đồng thời cần tạo ra thanh khoản của thị trường thông qua nhiệm vụ bơm rút tiền thông qua buôn bán ngoại tệ cũng như các công cụ của thị trưởng mở để tạo mặt bằng lãi suất ổn định.

Về sự phối hợp về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, ông Trương Văn Phước khẳng định, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào sự xung đột của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ gần như rất là phổ biến.

Cấu trúc tài chính của thị trường Việt Nam là nguyên nhân chính tạo sự xung đột ngày càng gay gắt hơn. Có thể nói chính sách tiền tệ là định hướng của dòng chảy tín dụng thời gian vừa qua, cũng đã giúp cho yếu tố lạm phát thấp xuống.

Theo ông Phước, thời gian tới, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro. Nếu anh cho vay với các ngành nghề rủi ro nhiều thì hệ số rủi ro cao.

Về chính sách tài khóa, ông Phước nhận định, thị trường vốn hiện nay vẫn còn hạn chế, nhất là thị trường trái phiếu. Vì vậy, ông Phước đề nghị nên thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo. Đây là cái mà hiện nay, đặc biệt là Mỹ, châu Âu đang phát triển rấ nhiều, tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả.

Tuy nhiên, theo ông Phước, một thị trường không chặt quá, không lỏng quá, không cầu toàn làm sao để giải tỏa bớt áp lực lên thị trường tiền tệ nếu không thì dòng tiền mà từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra qua chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến tăng trưởng, đây có thể nói vòng luẩn quẩn trong xung đột chính sách.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

'Nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp cần thận trọng'
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp cần lưu ý tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường có nhiều biến động, giá trị tài sản có thể bị sụt giảm, không đủ thanh toán trái phiếu.