Doanh nghiệp còn kê khai thông tin giao dịch liên kết chưa đầy đủ, chính xác

13/12/2021, 11:05

TCDN - Dù đã dần ý thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định về giao dịch liên kết, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa kê khai đầy đủ, chính xác các thông tin này, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng không đáng có.

Quy định hiện hành về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (“GDLK”), cụ thể là Nghị định 132/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 05 tháng 11 năm 2020 (“Nghị định 132”), yêu cầu người nộp thuế có phát sinh giao dịch với các bên liên kết phải kê khai thông tin về GDLK. Việc kê khai này là một trong những yêu cầu cơ bản và được áp dụng phổ biến trong quản lý thuế đối với GDLK ở nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu việc không kê khai thông tin GDLK ở các nước thông thường sẽ bị xử phạt hành chính thì ở Việt Nam, cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá và/hoặc tỷ suất lợi nhuận nếu người nộp thuế không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin hoặc không nộp Phụ lục I. Do đó, các doanh nghiệp đã dần ý thức tầm quan trọng của việc tuân thủ và quen thuộc hơn với các quy định về GDLK, trong đó có việc kê khai thông tin về GDLK kèm theo tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hằng năm.

Mặc dù vậy, theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách toàn quốc về tư vấn GDLK của Deloitte Việt Nam, vấn đề đáng lưu tâm khi quan sát thực tiễn là nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc kê khai Tờ khai thông tin GDLK, dẫn đến “chất lượng” của thông tin kê khai chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ đến khi cơ quan thuế tiến hành thanh kiểm tra và thực hiện ấn định các điều chỉnh về giá chuyển nhượng do doanh nghiệp kê khai không đầy đủ, không chính xác thông tin GDLK thì doanh nghiệp mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Việc kê khai tờ khai thông tin GDLK không chỉ đơn thuần nhằm mục đích giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu tuân thủ theo quy định tại Nghị định 132, mà còn mang ý nghĩa cung cấp các thông tin tóm lược về GDLK trong kỳ tính thuế của doanh nghiệp đến cơ quan thuế. Các thông tin này góp phần hỗ trợ cơ quan thuế định hình bức tranh khái quát về GDLK của doanh nghiệp, cũng như đánh giá và phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro đối với GDLK.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách toàn quốc về tư vấn GDLK của Deloitte Việt Nam.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách toàn quốc về tư vấn GDLK của Deloitte Việt Nam.

Dựa theo các thông tin kê khai của doanh nghiệp, trong quá trình thanh, kiểm tra thuế, cơ quan thuế có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm các dữ liệu, phân tích chứng minh tính tuân thủ nguyên tắc giá giao dịch độc lập cũng như việc áp dụng các phương pháp xác định giá GDLK mà doanh nghiệp đã tự kê khai. Do đó, việc kê khai thông tin GDLK đầy đủ và chính xác bước đầu đóng vai trò rất quan trọng. 

Theo kinh nghiễm thực tiễn của các chuyên gia tư vấn từ Deloitte Việt Nam, doanh nghiệp thường mắc phải một số sai sót phổ biến khi thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết.

Thứ nhất, kê khai không đầy đủ/ không chính xác các bên liên kết và loại hình quan hệ liên kết theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Nghị định 132. Định nghĩa bên liên kết theo quy định tại Nghị định 132 lại bao hàm các quan hệ liên quan đến sở hữu, kiểm soát, điều hành, quan hệ tài chính và các khác biệt nhất định so với định nghĩa bên liên quan cho mục đích lập BCTC;

Thứ hai, xác định không chính xác dẫn đến kê khai không đúng các trường hợp được miễn nghĩa vụ kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá GDLK theo quy định tại Điều 19 Nghị định 132.

Thứ ba, kê khai không đầy đủ/ không chính xác các GDLK phát sinh trong kỳ tính thuế. Sai sót này có thể là hệ quả của việc xác định không đầy đủ bên liên kết, xác định không đúng bản chất giao dịch.

Thứ tư, kê khai phương pháp xác định giá GDLK không tương thích với phương pháp áp dụng trong Hồ sơ quốc gia và không phù hợp theo quy định tại Nghị định 132.

Thứ năm, không kê khai hoặc Kê khai không chính xác phần IV – Kết quả sản xuất kinh doanh sau khi xác định giá GDLK của Phụ lục I.

Thứ sáu, không kê khai hoặc nội dung kê khai tại Phụ lục II và Phụ lục III không tương thích với Hồ sơ quốc gia và Hồ sơ toàn cầu.

Theo bà Mai Hạnh, trước hết cần khẳng định, nghĩa vụ lập Tờ khai thông tin GDLK và Hồ sơ Xác định giá GDLK đối với người nộp thuế tham gia vào các GDLK đã được quy định rõ Nghị định 132. Do đó, doanh nghiệp cần chú trọng đáp ứng các nghĩa vụ này để đảm bảo các yêu cầu tuân thủ cơ bản theo quy định và giảm thiểu rủi ro cơ quan thuế xếp vào trường hợp không tuân thủ và bị ấn định thuế.

Doanh nghiệp nên thực hiện rà soát chi tiết để xác định rõ các mối quan hệ liên kết và các GDLK phát sinh, từ đó tăng cường tính đầy đủ và chính xác của thông tin kê khai. Quá trình lập Tờ khai thông tin GDLK và Hồ sơ xác định giá GDLK cần được tiến hành và soát xét chặt chẽ để đảm bảo tính tương đồng giữa thông tin kê khai và số liệu, phân tích trình bày trong Hồ sơ, cũng như đảm bảo tính phù hợp của các phương pháp xác định giá GDLK lựa chọn và phân tích giá GDLK thực hiện.

Deloitte Việt Nam sẽ tổ chức buổi đào tạo trực tuyến Hướng dẫn chi tiết kê khai các Phụ lục Thông tin về Giao dịch liên kết vào ngày 22/12/2021.

Chương trình đào tạo trực tuyến tập trung vào các ví dụ và trường hợp cụ thể cùng các hướng dẫn chi tiết trong quá trình kê khai các Phụ lục Thông tin về giao dịch liên kết. Để tham gia khóa đào tạo trực tuyến, vui lòng đăng ký qua link dưới đây trước 12h00, ngày 20/12/2021: https://forms.office.com/r/w9yinCDzfK

Hà Giang
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp còn kê khai thông tin giao dịch liên kết chưa đầy đủ, chính xác tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thu thuế giao dịch liên kết sẽ được kiểm toán trong năm 2021
Năm 2021 Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ thực hiện kiểm toán Công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm phát hiện các hành vi chuyển giá, trốn thuế, qua đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bịt các lỗ hổng về cơ chế, chính sách...