Doanh nghiệp FDI: 75% lao động bị mất việc và giảm giờ làm

25/02/2023, 20:41
báo nói -

TCDN - Có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) bị cắt, giảm đơn hàng, phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng).

Theo thống kê của tổ chức công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) bị cắt, giảm đơn hàng, phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.

pouyuen-31532022112214552620230219162917

Thông tin về tình hình lao động, việc làm những tháng đầu năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ tháng 9/2022 đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt, giảm đơn hàng.

Từ đó, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình họ.

Theo báo cáo của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.

Trong đó giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%, chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).

Có 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh/thành phố gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Long An, Đồng Nai, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Bình Thuận, Đắk Nông, Bình Phước, nợ 74,29 tỷ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ 12,42 triệu đồng/người.

Đến nay đã giải quyết 17,83 tỷ đồng tiền lương của 486 người lao động; chưa giải quyết 56,45 tỷ đồng tiền lương của 5.493 người lao động. So với năm 2021, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ đều giảm nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn (năm 2021 là 62 doanh nghiệp nợ 79,39 tỷ đồng tiền lương của 8.300 người lao động, bình quân nợ 9,56 triệu đồng/người).

PV
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp FDI: 75% lao động bị mất việc và giảm giờ làm tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tháng 1/2023, gần 1,7 tỷ USD FDI 'rót' vào Việt Nam
Tính đến ngày 20/01/2023, thu hút FDI của Việt Nam đạt 1,69 tỷ USD, dù giảm 19,8% so với cùng kỳ 2022 nhưng số dự án đăng ký mới lại tăng 48,5% và gấp 3,1 lần số vốn so cùng kỳ năm trước.