Doanh nghiệp Mỹ không muốn tăng thuế để nâng cấp hạ tầng
TCDN - Một bộ phận giới doanh nghiệp Mỹ phản đối đề xuất cơ sở hạ tầng 2.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden vì họ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn.
Thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên 28%
Một số tổ chức doanh nghiệp lớn như Phòng Thương mại Mỹ đã nhanh chóng phản đối việc tăng thuế. Song vài công ty lặng lẽ chấp nhận đóng góp nhiều hơn vì Mỹ thực sự cần một cuộc đại tu cơ sở hạ tầng.
Những doanh nghiệp Mỹ đang lo lắng và muốn nhận chỉ dẫn về con đường phía trước đã liên hệ với các nhà vận động hành lang và những người có ảnh hưởng tới giới hoạch định chính sách.
Nhà Trắng công bố kế hoạch cơ sở hạ tầng ngày 3/1, bao gồm dự định tăng thuế suất thu nhập doanh nghiệp Mỹ từ 21% hiện nay lên 28%. Tổng thống Joe Biden tuyên bố không doanh nghiệp nào có thể phàn nàn với thuế suất chỉ tăng đến mức này".
Tổng thống Joe Biden cũng hứa hẹn kế hoạch 2.000 tỷ USD sẽ mang lại kết quả to lớn, định hình tương lai quốc gia.
"Kế hoạch cơ sở hạ tầng này là khoản đầu tư vô cùng đặc biệt vào nước Mỹ, không giống với bất kỳ điều gì chúng ta đã thấy hoặc đã làm kể từ khi xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang và cuộc đua vũ trụ cách đây nhiều thập kỷ", Tổng thống Joe Biden phát biểu.
AP dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng nói rằng khoản chi tiêu khổng lồ sẽ tạo ra việc làm trong quá trình Mỹ chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh.
Một chuyên gia vận động hành lang tiết lộ vài khách hàng của ông đang phân vân có nên chống lại đề xuất tăng thuế hay không vì doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã hy vọng vào một dự luật cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
"Tôi nghĩ mọi người đang chia rẽ vì rất nhiều tiền trong kế hoạch mới của Nhà Trắng sẽ được phân bổ vào các khoản mục hấp dẫn với nhiều công ty. Ví dụ, những công ty trong ngành xe điện hay Internet băng thông rộng, v.v… sẽ thấy rất nhiều khoản chi tiêu tích cực trong kế hoạch này", một nhà vận động hành lang thổ lộ với CNBC.
Nhà vận động hành lang này đại diện cho đại gia ôtô và hàng không cùng với các quỹ đầu tư tư nhân lớn. "Mặt khác, không ai thích tăng thuế cả", vị này nói thêm.
Một số doanh nghiệp yêu cầu chuyên gia vận động hành lang thuyết phục các nhà lập pháp trung dung trong Đảng Dân chủ ủng hộ việc tăng thuế lên 25% thay vì 28%.
Thời Tổng thống Obama, thuế suất thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ là 35%. Sau khi ông Trump lên nhậm chức năm 2017, con số được giảm còn 21%. Cho dù đề xuất mới đây của ông Biden được Quốc hội Mỹ thông qua thì thuế suất cũng vẫn chưa bằng mức trước đây dưới thời Obama.
Phản đối quyết liệt
Các nhà vận động hành lang khác nói rằng khách hàng của họ sẽ chuyển sang các nhóm vận động doanh nghiệp như Phòng Thương mại Mỹ, Business Roundtable (Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp) và Liên minh RATE.
Thành viên của Liên minh RATE bao gồm một loạt doanh nghiệp lớn như FedEx, Capital One, Altria, Lockheed Martin và Toyota. Họ chủ trương giữ nguyên thuế suất doanh nghiệp ở mức 21%. Một nguồn tin nói với CNBC rằng Liên minh RATE đã "chuẩn bị tiêu số tiền cần thiết" để chống đề xuất tăng thuế doanh nghiệp của ông Biden.
Cựu Thượng nghị sĩ Blanche Lincoln, một trong những nhà lãnh đạo của Liên minh RATE, kêu gọi chính quyền Biden và Quốc hội tập trung vào việc khép các lỗ hổng thuế thay vì tăng thuế suất.
FedEx ủng hộ tăng thuế khí đốt và dầu diesel nhưng phản đối tăng thuế với doanh nghiệp để đại tu cơ sở hạ tầng.
"Chúng tôi không tin rằng tăng thuế suất đối với doanh nghiệp và mở rộng phạm vi đánh thuế là chiến lược đúng đắn để tài trợ cho cơ sở hạ tầng. Những thay đổi như vậy ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh kinh tế của Mỹ và có tác động đến GDP theo cách tiêu cực nhiều hơn là tích cực", người phát ngôn của FedEx nói.
Phòng Thương mại Mỹ và Business Roundtable cũng công khai chỉ trích ý tưởng tăng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều nhóm khác cũng đang chuẩn bị cho cuộc chiến toàn diện chống tham vọng tăng thuế của ông Biden.
Viện Dầu khí Mỹ, nhóm thương mại lớn nhất của ngành dầu khí, cũng chống lại việc dùng thuế để chi trả cho kế hoạch. Viện Dầu khí Mỹ có hàng chục thành viên bao gồm những gã khổng lồ trong ngành năng lượng như Chevron, BP và Shell.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899