Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia Dự án cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài

09/02/2024, 09:14

TCDN - Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) gửi đề xuất đến UBND TP.HCM bày tỏ sự quan tâm tới Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài.

Theo văn bản được Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) gửi UBND Tp.HCM vào trung tuần tháng 1/2024, nhà đầu tư này bày tỏ sự quan tâm đến Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài và mong muốn được tham gia đầu tư xây dựng dự án.

Nhà đầu tư này cho biết, đã tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 1996 là tổng thầu và cùng các đối tác Việt Nam trực tiếp thi công các dự án giao thông lớn như: Hợp đồng 1A, đường cao tốc Tp.HCM- Long Thành - Dầu Giây; thi công một phần dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu Cao Lãnh…

Sơ đồ hướng tuyến của đường cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài

Sơ đồ hướng tuyến của đường cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài

Trong khu vực ASEAN, Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc cũng đang thi công dự án đường cao tốc PhnomPenh - Bavet của Campuchia (tuyến cao tốc này sẽ kết nối với đường cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài của Việt Nam). Dự án này này đã khởi công từ tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành sau 4 năm thi công.

 Hiện tại, Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được Chính phủ giao cho Tp.HCM là cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Vì vậy, CRBC bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được tham gia đầu tư xây dựng dự án phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Nhà đầu tư này cam kết nếu được tham gia vào quá trình đầu tư dự án, CRBC sẽ hợp tác hiệu quả với các tập đoàn trong nước như CT Group để hoàn thành tốt dự án.

Cao tốc Tp. HCM - Mộc Bài dài 50 km, bắt đầu từ điểm giao tỉnh lộ 15 với Vành đai 3, kết nối với quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Dự án được giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu với tổng diện tích hơn 435 ha, hơn 570 hộ dân bị ảnh hưởng. Giai đoạn một, tuyến được xây dựng trước 4 làn xe, sau đó sẽ mở rộng lên 6-8 làn. Tp. HCM được giao chủ trì xây dựng tuyến đường.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 16.700 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia dự án là kinh phí giải phóng mặt bằng. Phần còn lại gần 9.300 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Đây cũng là tuyến giao thông cao tốc xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN. 

Đồng thời, phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng. 

PV
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia Dự án cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cao tốc đi đến đâu, người dân vui đến đấy
Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc - Nam luôn nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của bà con Nhân dân khi hạ tầng giao thông của cả nước sẽ được thay đổi diện mạo.