Doanh thu khai thác mới của bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư tiếp tục giảm
TCDN - Mặc dù bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư vẫn là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng khủng hoảng niềm tin khách hàng khiến doanh thu khai thác mới tiếp tục sụt giảm đáng kể trong 4 tháng đầu năm 2024.
Số liệu do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) mới công bố cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 7.290 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Bảo Việt nhân thọ, với thị phần chiếm 17,9%. Thứ hạng trên thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng thay đổi đáng kể, đứng kế tiếp là Dai-ichi (15,3%), Prudential (14,6%).
Manulife lùi sâu về vị trí thứ 4, chiếm 10,3% thị phần, trước khi khủng hoảng bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp này nhiều năm đứng đầu bảng về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về: AIA (6,1%), FWD (6,1%), Sun Life (5,7%), Generali (5,4%), Chubb (5,4%), Cathay (4,4%), MB Ageas (4,2%). 08 doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần 4,6%.
Hiện, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (52,5%) với 268.453 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, doanh thu khai thác mới của sản phẩm này giảm mạnh xuống còn 5,000 tỷ đồng. Xét theo số lượng hợp đồng, sản phẩm này chiếm hơn một nửa lượng hợp đồng bán mới trong 4 tháng qua.
Tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm tử kỳ với 188.641 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 36,9%), nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp là 29.749 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 5,8%). Số lượng hợp đồng khai thác mới các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 4,7%.
Nhìn chung, hợp đồng khai thác mới sản phẩm liên kết đầu tư sụt giảm mạnh trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo không cho phép ngân hàng thương mại bán bảo hiểm liên kết đầu tư.
Lý giải cho đề xuất này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, cần thiết quy định theo hướng không cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động này do sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư mà ngân hàng thương mại cung cấp cho khách hàng.
Trong bối cảnh bảo hiểm liên kết đầu tư đối mặt với khủng hoảng niềm tin của khách hàng, các doanh nghiệp năm nay đẩy mạnh hơn các sản phẩm truyền thống như bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm tử kỳ. Theo đó, 4 tháng đầu năm, doanh số bán mới của bảo hiểm hỗn hợp tăng mạnh 255% lên 588,000 tỷ đồng, bảo hiểm tử kỳ cũng tăng hơn 65% lên 465,000 tỷ đồng.
Trong 4 tháng đầu năm, các đại lý được chi trả 490 tỷ đồng hoa hồng, tăng 8% so với cùng kỳ, trong đó hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc đạt 394 tỷ và hoa hồng môi giới tái bảo hiểm 96 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 4, số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực giảm gần 13% so với đầu năm xuống 12.15 triệu. Tổng doanh thu phí cũng giảm 11%, đạt 44,681 tỷ đồng. Xét về tổng doanh thu phí, Bảo Việt Nhân Thọ dẫn đầu với 23% thị phần. Tiếp theo là Manulife (16.6%), Prudential (gần 15%), Daiichi (13%) và AIA (10%)...
Được biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp đồng bộ, chấn chỉnh vi phạm để tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Cũng trong năm 2024, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là: Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH bảo hiểm Cathay Life Việt Nam.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899