Doanh nghiệp tư nhân:

Đóng góp to vẫn lo bình đẳng

26/03/2021, 15:41

TCDN - Hiện khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, đóng góp trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43%. Trong khi, doanh nghiệp có vốn FDI chỉ chiếm khoảng 20-22% GDP nhưng lại chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

2-1

Không chỉ có 8.000 doanh nghiệp

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, kinh tế tư nhân của Việt Nam đã phát triển một cách kỳ diệu sau 35 năm đổi mới, giúp nền kinh tế phát triển năng động và đồng đều. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân đã bắt nhịp chuyển đổi kinh tế số, có đóng góp vào sự cải cách thể chế.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận các nguồn lực quan trọng như lao động, thị trường, quyền kinh doanh, thông tin.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, lực lượng kinh tế tư nhân tại Việt Nam không chỉ có 8.000 doanh nghiệp, mà là trên 6 triệu, bao gồm các hộ kinh doanh.

Hiện Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh. "Định hướng chính sách không phải tăng số lượng, mà nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lớn, cỡ vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp lớn không phải theo kiểu SME, cầm tay chỉ việc hay tiền bạc, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, mà quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi. Trong đó, an toàn là yêu cầu hàng đầu", ông Lộc nhấn mạnh.

Ví dụ về ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, khi nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thực hiện một loạt hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân, đầu tư thông qua nghiên cứu, công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh và giúp ngành này dành lại thế thượng phong. Từ đó cho thấy, trong mọi lĩnh vực kinh doanh mối quan hệ giữa nhà nước và lực lượng kinh tế tư nhân đều có thể tận dụng phương thức này.

Đối tác công tư nên mở rộng ra các hoạt động xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng của đất nước. Coi việc xây dựng các ngành này không chỉ nhiệm vụ của nhà nước mà còn cả đội ngũ doanh nghiệp tư nhân.

"Đây là thời điểm thích hợp để nhận thức lại vai trò doanh nhân lớn và xây dựng một chương trình yểm trợ cho các doanh nghiệp lớn. Covid-19 giúp nhận ra những yêu cầu về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội", ông Lộc nói.

Nếu những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm chừng 20-22% GDP nhưng chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là có chuyện. Điều này cho thấy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại.

Do vậy, cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp Việt Nam phải sửa lại, cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân phải là doanh nghiệp Việt và nếu tới đây chúng ta làm đúng tinh thần của Đảng, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thì nền kinh tế còn tăng trưởng cao hơn nữa.

Sửa cách tiếp cận

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm chừng 20-22% GDP nhưng chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là có chuyện. Điều này cho thấy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại.

Do vậy, cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp Việt Nam phải sửa lại, cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân phải là doanh nghiệp Việt và nếu tới đây chúng ta làm đúng tinh thần của Đảng, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thì nền kinh tế còn tăng trưởng cao hơn nữa.

Khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, đóng góp trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43%. Trong khi khu vực kinh tế nhà nước đóng góp khoảng gần 29% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 18% GDP.

"Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airway đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi”, bà Nguyễn Thị Luyến, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói.

Tuy nhiên, câu chuyện kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng giữa các khối doanh nghiệp vẫn luôn là vấn đề nóng khi bàn về những thiệt thòi của khối tư nhân, đặc biệt trong việc tiếp cận những nguồn lực quan trọng như lao động, thị trường, quyền kinh doanh, thông tin...

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sự chênh lệch về nhiều mặt giữa khu vực kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước và FDI có nguyên nhân gốc rễ là môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế chưa thực sự được tạo lập.

“Nhà nước cần thực hiện đầy đủ, thực chất chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặt khu vực này vào sân chơi bằng phẳng với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Những ưu đãi tràn lan, quá mức, thiếu chính đáng, thiếu công bằng dành cho FDI và doanh nghiệp thân hữu phải được xóa bỏ”, bà Lan nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm đầu tư, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, có 3 yếu tố tối quan trọng khi FLC cân nhắc, quyết định đầu tư. Thứ nhất là tầm nhìn về quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Thứ hai là đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông. Thứ ba là nguồn lao động địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, vì nguồn lao động rất quan trọng.

Bà Dung cho biết, môi trường chính trị, sự đoàn kết, xuyên suốt chỉ đạo các cấp tại địa phương cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư lâu dài của doanh nghiệp. Nếu nhận được sự quan tâm chào đón chân thành, các doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi đầu tư. Không cần chính sách riêng cho các doanh nghiệp lớn nhưng cần chính sách ưu đãi chung cho các lĩnh vực nhà nước quan tâm đầu tư, đặc biệt là du lịch, bởi việc hoàn vốn khá lâu.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Thực cho rằng, để làm doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh, tạo dựng hệ sinh thái thì vai trò của nhà nước là hoạch định chiến lược ngành, lĩnh vực một cách rõ ràng, mạch lạc. Nhà nước phải là tổng công trình sư hoạch định các ngành nghề để có thể giao cho các doanh nghiệp lớn, bộ, ban, ngành, địa phương. Tránh lãng phí nguồn lực, trăm hoa đua nở. Cụ thể như các doanh nghiệp ngành gạch Ceramic, không ít doanh nghiệp tỏ ra ngạc nhiên, khi giai đoạn đầu hạn mức về số lượng doanh nghiệp ngành này là hợp lý, nhưng sau một thời gian thì số lượng doanh nghiệp thực tế lại cao gấp đôi, điều này dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau, thị trường thừa cung và các doanh nghiệp không thể vươn mình lên thành doanh nghiệp lớn.

Lan Hạ

Bạn đang đọc bài viết Đóng góp to vẫn lo bình đẳng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan