Dự án nào khiến Phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong "xộ khám"?

13/12/2022, 21:21
báo nói -

TCDN - Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận và 6 bị can khác vừa bị bắt về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài (Phan Thiết).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và nhiều lãnh đạo khác bị bắt

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an, đơn vị đang mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông, TP Phan Thiết). Cơ quan CSĐT xác định 6 trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị can (từ trái qua): Đặng Hoài Nhân, Nguyễn Thanh Cho, Lê Nam Hưng (Ảnh: BCA).

Các bị can (từ trái qua): Đặng Hoài Nhân, Nguyễn Thanh Cho, Lê Nam Hưng (Ảnh: BCA).

Đến ngày 12/12, Cơ quan CSĐT ban hành Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án số 21/VPCQCSĐT; các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 7 bị can, trong đó:

1.Quyết định khởi tố bị can số 572/VPCQCSĐT; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 234/LB-VPCQCSĐT đối với bị can Nguyễn Văn Phong, sinh năm 1967, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nguyên Giám đốc Sở Tài chính. Nơi thường trú và nơi ở hiện tại: Phố Bùi Thị Xuân, phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

2. Quyết định khởi tố bị can số 576/VPCQCSĐT; Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 424/LC-VPCQCSĐT đối với bị can Nguyễn Thị Thu Phong, sinh năm 1962, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận. Thường trú tại: Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Khu phố 8, phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

3. Đặng Hoài Nhân, sinh năm 1965, Chủ tịch Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Thuận, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận. Nơi thường trú và nơi ở hiện tại: Khu phố 2, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

2. Nguyễn Thanh Cho, sinh năm 1973, Chuyên viên Phòng Hành chính tổng hợp, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận. Nơi thường trú và nơi ở hiện tại: phường Hưng Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

3. Lê Nam Hưng, sinh năm 1980, Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai. Nơi thường trú và nơi ở hiện tại: Phố Bùi Thị Xuân, phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

4. Phạm Duy Cường, sinh năm 1974, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận. Nơi thường trú và nơi ở hiện tại: Nguyễn Văn Linh, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

5. Lê Anh Huy, sinh năm 1977, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận. Nơi thường trú và nơi ở hiện tại: đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Phú Trinh, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

Về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Bị bắt do giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá

Liên quan đến vụ án này, trước đó hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng bị khởi tố, bị bắt tạm giam gồm: Nguyễn Ngọc Hai - cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Lương Văn Hải - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Lâm và Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; và ông Ngô Hiếu Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.

Cả năm người đều bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Dự án có tổng diện tích lên đến 9,2 ha nhưng không qua đấu giá.

Dự án có tổng diện tích lên đến 9,2 ha nhưng không qua đấu giá.

Theo hồ sơ, dự án thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 nằm trên ba lô đất số 18, 19 và 20 thuộc quỹ đất hai bên đường 706B có tổng diện tích 9,26 ha do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý. Dự án có quy hoạch xây dựng 1,5 ha đất thương mại dịch vụ, 4,6 ha đất ở, diện tích còn lại là đất công cộng dùng chung.

Các lô đất trên được địa phương phê duyệt phương án đấu giá giao quyền sử dụng đất, với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (giá năm 2013). Phương thức đấu giá là chung một gói đấu giá, theo hiện trạng đất thô và khách hàng trúng đấu giá tự bỏ toàn bộ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh, bên trong phạm vi dự án.

Tuy nhiên, địa phương cho rằng không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá các lô đất này mặc dù đã nhiều lần đưa ra thông báo, kéo dài từ năm 2013 - 2015.

Do Công ty Tân Việt Phát được làm chủ đầu tư.

Do Công ty Tân Việt Phát được làm chủ đầu tư.

Cụ thể, ngày 4/10/2013, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định phê duyệt giá khởi điểm là 111.121.080.000 đồng (khoảng 111,1 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,2 triệu đồng/m2).

Từ ngày 25/10/2013 - 26/11/2015, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của Sở Tư pháp tổ chức 6 lần đấu giá 3 lô đất này. Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo, không có tổ chức hay cá nhân nào tham gia đấu giá.

Ngày 26/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - ông Nguyễn Ngọc Hai (được bầu vào ngày 11/12/2015) ra Quyết định số 23, điều chỉnh giá đất ở khu vực có 3 lô đất này lên 1,6 triệu đồng/m2.

Đến ngày 16/1/2017, Công ty CP Tân Việt Phát có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị tỉnh giao 3 lô đất này nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất.

Sau đó, Sở TN-MT có công văn số 341 gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị giao 3 lô đất này cho CTCP Tân Việt Phát không qua đấu giá quyền sử dụng đất, mà chỉ tính theo giá khởi điểm là khoảng 111,1 tỷ đồng cho 3 lô đất trên.

Văn phòng dự án của Công ty Tân Việt Phát ở TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Văn phòng dự án của Công ty Tân Việt Phát ở TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Ngày 23/2/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn 571 gửi Sở TN-MT, Trung tâm phát triển quỹ đất đồng ý giao 3 lô đất trên cho CTCP Tân Việt Phát với giá khởi điểm của năm 2013, tức 1,2 triệu đồng/m2, tổng số tiền của cả 3 lô đất này là khoảng 111,1 tỷ đồng.

Trong công văn 571, UBND tỉnh Bình Thuận lý giải việc giao đất không qua đấu giá cho CTCP Tân Việt Phát như sau: “CTCP Tân Việt Phát là nhà đầu tư duy nhất đăng ký đấu giá 3 lô đất nêu trên. Giá đất thực hiện giao 3 lô đất này theo quyết định số 2423 ngày 4/10/2013 của UBND tỉnh là 1.200.000 đồng/m2”.

Truy nhiên, Cơ quan CSĐT cho biết cơ quan này đã ký hợp đồng với một đơn vị thẩm định giá độc lập, để tiến hành định giá tài sản là 3 lô đất mà UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho CTCP Tân Việt Phát.

Theo đó, giá trị quyền sử dụng đất của 3 lô đất có diện tích khoảng 92.600m2 (lô số 18, 19 và 20) tại thời điểm giao, cho thuê đất (ngày 7/3/2017) là 182.517.055.000 đồng (khoảng 182,5 tỷ đồng), tức giá trị 1.971.007 đồng/m2 (khoảng 1,9 triệu/m2). Cơ quan CSĐT cho rằng sự chênh lệch này đã gây thất thoát ngân sách của nhà nước tỉnh Bình Thuận số tiền là 71.395.975.000 đồng (khoảng 71,3 tỷ đồng).

Quang Linh
Bạn đang đọc bài viết Dự án nào khiến Phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong "xộ khám"? tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan