Du lịch Bình Thuận trông chờ vào cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết
TCDN - Các khu du lịch, resort tại Bình Thuận đang mong chờ ngày cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi vào hoạt động để gia tăng lượng du khách đến với địa phương.
Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận với tổng chiều dài 99 km. Trong đó, đoạn qua Đồng Nai dài hơn 51 km, đoạn qua Bình Thuận dài hơn 47 km. Cao tốc này được thiết kế với quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h, tổng mức đầu tư là 12.500 tỷ đồng.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được khởi công từ tháng 9/2020 và dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022. Cao tốc này cũng dự kiến đưa vào khai thác trong dịp lễ 30/4/2023. Đây là dự án quan trọng góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh Bình Thuận.
Các chuyên gia dự báo, khi cao tốc đi vào hoạt động thì du khách từ Tp.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ sẽ đến với Bình Thuận nhiều hơn. Trong đó, Phan Thiết sẽ là tâm điểm của du lịch Bình Thuận.
Tỉnh Bình Thuận cũng đã có nhiều kế hoạch thu hút du khách khi cao tốc chuẩn bị hoàn thành. Điển hình như kế hoạch đăng cai tổ chức “Năm du lịch Quốc gia 2023” với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Chương trình sẽ có hơn 200 sự kiện, hoạt động hấp dẫn được tổ chức. Tỉnh Bình Thuận kỳ vọng địa phương sẽ trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Các khu nghỉ dưỡng, resort tại Bình Thuận cũng đang mong chờ ngày cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thông xe để đón thêm nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Ông Remco Christiaan Vaatstra, Tổng quản lý Resort Radisson Phan Thiết cho biết, khu nghỉ dưỡng này rất mong chờ vào tuyến đường cao tốc đang xây dựng. Bởi, hiện nay, du khách di chuyển từ Tp.HCM đến Phan Thiết phải mất khoảng 4 – 5 giờ đồng hồ. Thế nhưng, khi có đường cao tốc thì du khách chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để đến Phan Thiết.
Ngoài ra, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết cũng được kết nối với sân bay Long Thành, đây là điều kiện lý tưởng để các resort có thể đón thêm nhiều du khách quốc tế cũng như du khách từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đến với Phan Thiết trong tương lai.
“Nếu du khách xuống sân bay mà họ phải di chuyển bằng đường bộ thêm 4 – 5 giờ đồng hồ để đến Phan Thiết thì họ sẽ rất ngần ngại để lựa chọn điểm đến này. Thế nhưng, khi có cao tốc thì họ sẽ thoải mái hơn khi lựa chọn Phan Thiết làm nơi nghỉ dưỡng của mình”, ông Remco Christiaan Vaatstra nói.
Anh Lê Bá Vũ, đại diện một khu nghỉ dưỡng tại Phan Thiết chia sẻ, trước tình hình suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu, người dân hạn chế chi tiêu thì ngành du lịch cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, “sức bật” về hạ tầng giao thông sẽ là điểm sáng đầy hi vọng để ngành du lịch vươn lên.
“Khi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi vào hoạt động thì chúng tôi hi vọng sẽ được đón thêm nhiều đoàn du khách hơn. Chúng tôi đã chuẩn bị những phòng nghỉ chất lượng, nhà hàng đẳng cấp, khu spa, phòng gym, hồ bơi để sẵn sàng cho du khách trải nghiệm. Phan Thiết sẽ là nơi lý tưởng để các doanh nghiệp tổ chức team building, hội thảo…”, anh Vũ nói.
Ghi nhận của PV Tài chính Doanh nghiệp, Phan Thiết đang là điểm đến của nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản, du lịch. Những dự án quy mô hàng chục, hàng trăm hecta đang được triển khai tại đây để đón du khách, nhà đầu tư đến với Bình Thuận.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, trong 11 tháng năm 2022, tỉnh này đã đón tổng cộng hơn 5,1 triệu lượt khách, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu lũy kế trong 11 tháng qua đạt hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, cuối năm là thời điểm khách du lịch quốc tế bắt đầu đến Bình Thuận. Tuy nhiên, năm nay lượng khách đến địa phương khá hạn chế dù các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để thu hút khách. Nguyên nhân một phần là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cộng với lạm phát kinh tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia đã khiến ngành du lịch Bình Thuận bị ảnh hưởng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899