Dự kiến trình Luật Kinh doanh bảo hiểm tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022

01/01/2022, 10:05

TCDN - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm Ngô Việt Trung cho biết, dự kiến năm 2022, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2022.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm, (QLBH) Bộ Tài chính, Cục trưởng Ngô Việt Trung cho biết, năm 2022 Cục sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với mục tiêu minh bạch, an toàn, hiệu quả để phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các chuẩn mực quốc tế; đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cơ bản của mọi lĩnh vực kinh tế và tầng lớp dân cư; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm,

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm,

Dự kiến năm 2022, Cục QLBH sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật) hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2022; Xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; Tiếp tục hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Cục sẽ tổng kết, đánh giá việc triển khai bảo hiểm vi mô của Hội Liên hiệp phụ nữ: tiếp tục hướng dẫn, giám sát việc dừng triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 15/7/2021 và các chỉ đạo khác của Chính phủ….

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi yêu cầu Cục QLBH phải nâng cao năng lực tập thể cùng với các chuyên gia với tinh thần cầu thị tiếp thu để xây dựng Luật sao cho chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, Cục phải tập trung vào việc hướng dẫn các quy định của bảo hiểm như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp cần tính đến hướng đi mới sao cho hiệu quả…

Cùng với đó, trong quá trình chuyển đổi số, lĩnh vực bảo hiểm cần phải có biện pháp để các doanh nghiệp bảo hiểm phải đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực kinh doanh để đảm bảo sự minh bạch trong thị trường.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là sự chuyển động của toàn thị trường, cho nên Cục QLBH phải quyết tâm xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, thực hiện công tác giám sát theo quy định mới và hiện đại hóa, ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Là cơ quan quản lý nên Cục QLBH phải đi trước các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công việc để quản lý thị trường bảo hiểm đang ngày càng phát triển mạnh mẽ”.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021 mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định.

Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý IV/2021 ước tính tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 20,9%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ giảm 2,6%. Tính chung năm 2021 doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 15,6% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21,7%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 1,7%.

Năm 2021, tổng tài sản của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm ước đạt 710 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với năm trước; các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 577,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 455,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,9%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3%; chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 49,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7%.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Dự kiến trình Luật Kinh doanh bảo hiểm tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Sau 20 năm, thị trường bảo hiểm (TTBH) đã phát triển, nhiều quy định pháp luật liên quan bộc lộ những bất cập, không thống nhất… cần sửa đổi. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần bảo đảm tạo hành lang pháp lý phát triển TTBH an toàn, minh bạch, bền vững và hiệu quả.