Du lịch mùa nước nổi vùng Đồng bằng sông Cửu long

26/07/2024, 12:35

TCDN - Bài viết này sẽ trình bày quan điểm về mùa nước nổi và du lịch mùa nước nổi; phân tích các đặc điểm của loại hình du lịch mùa nước nổi; đề cập đến các sản phẩm du lịch đặc trưng của mùa nước nổi; phân tích mối liên hệ giữa du lịch mùa nước nổi và các hoạt động du lịch khác.

4-1

TÓM TẮT:

Khai thác tài nguyên để đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch là yêu cầu quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Mùa nước nổi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ có giá trị văn hóa đặc sắc mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể và đang phát triển thành một nguồn tài nguyên du lịch đặc trưng của địa phương. Việc khai thác các giá trị của mùa nước nổi cho hoạt động du lịch là một ví dụ điển hình về khả năng tối ưu hóa tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bài viết này sẽ (1) trình bày quan điểm về mùa nước nổi và du lịch mùa nước nổi; (2) phân tích các đặc điểm của loại hình du lịch mùa nước nổi; (3) đề cập đến các sản phẩm du lịch đặc trưng của mùa nước nổi; (4) phân tích mối liên hệ giữa du lịch mùa nước nổi và các hoạt động du lịch khác.

1. Các sản phẩm du lịch mùa nước nổi ở vùng ĐBSCL

Cảnh quan mùa nước nổi

Cảnh quan thiên nhiên trong mùa nước nổi tại ĐBSCL là một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, với một biển nước mênh mông bao la. Khung cảnh bình minh hay hoàng hôn trên đồng nước nổi không chỉ thể hiện sự rộng lớn của thiên nhiên mà còn tạo ra những hình ảnh tuyệt mỹ, làm say lòng du khách. Những cảnh tượng người nông dân tất bật mua bán, thu hoạch nông sản trên vùng nước trắng đồng rất sống động và đặc trưng trong mùa nước nổi, góp phần tạo nên một bức tranh phong phú về đời sống và sinh hoạt của người dân nơi đây. Mùa nước nổi cùng với sông, biển tạo thành một hệ thống kênh rạch chằng chịt và các vùng sinh thái ngập nước đặc trưng của sông Mê Kông như các đồng bằng như Đồng Tháp Mười hay Tràm Chim (Sinh, Louis & Tung, 2009). Những vùng ngập nước hoang sơ và yên bình giúp du khách có cơ hội gần gũi hơn với thiên nhiên. Các địa điểm du lịch nổi tiếng như Làng nổi Tân Lập (tỉnh Long An), Khu du lịch Gáo Giồng, Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), Rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên và Vàm Nao (tỉnh An Giang) không chỉ khai thác du lịch quanh năm mà còn được đánh giá là đẹp nhất và có giá trị thu hút du khách cao nhất trong mùa nước nổi, với sự đặc biệt và hấp dẫn, hệ sinh thái phong phú và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Vẻ đẹp bình dị, sống động và đa sắc màu của mùa nước nổi đã góp phần tạo nên những nét độc đáo cho cảnh quan thiên nhiên ĐBSCL. Điều này không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn hấp dẫn du khách quốc tế, tạo nên một điểm đến du lịch sinh thái và văn hóa đặc biệt

Ẩm thực mùa nước nổi

Ẩm thực mùa nước nổi, đặc trưng của vùng ĐBSCL, chỉ xuất hiện khi con nước dâng cao và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa sông nước đặc trưng của khu vực này. Tính cách phóng khoáng của người dân, phong tục tập quán vùng sông nước, nguồn lương thực thực phẩm phong phú, khí hậu mát mẻ, và không gian mênh mông của nước đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo - văn hóa ẩm thực mùa nước nổi.

Trong mùa nước nổi, lúa gạo vẫn là nguồn lương thực chính của người dân miền Tây. Nguồn thực phẩm chủ yếu bao gồm các loài thủy sản đánh bắt được trong mùa này như cá, tôm, cua, ốc, ếch, lươn, rắn, chuột, cùng với một số loại rau đồng. Sự đa dạng và phong phú của sản vật đã góp phần hình thành tính phóng khoáng cho văn hóa ẩm thực mùa nước nổi, thể hiện từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến và cách thưởng thức.

Quá trình chế biến món ăn trong mùa nước nổi không yêu cầu nguyên liệu và gia vị cầu kỳ, cũng như không có nguyên tắc chế biến chính thống, nhưng vẫn đảm bảo sự tươi ngon và hấp dẫn. Các món ăn thường được chế biến theo sở thích, thói quen và hoàn cảnh gia đình, với sự kết hợp linh hoạt giữa các loại thủy sản và rau đồng. Sự phóng khoáng này là đặc trưng nổi bật của văn hóa ẩm thực mùa nước nổi, nơi bữa ăn của người dân địa phương tuy mộc mạc và đơn giản nhưng lại có giá trị dinh dưỡng cao và đẹp mắt.

Những sản vật từ thiên nhiên, tươi ngon và rẻ tiền, được chế biến khéo léo bởi bàn tay của người phụ nữ và sự sành ăn của người dân địa phương, tạo ra những món ăn ngon và hấp dẫn mà không nơi nào có được. Không gian ăn uống trong mùa nước nổi cũng rất thoải mái và đặc trưng, với bữa cơm gia đình, bữa nhậu của người nông dân hay bữa cơm tiếp khách được dọn ngay trên ghe, xuồng, trẹt trong khung cảnh nước lênh láng.

Tính mùa vụ trong văn hóa ẩm thực mùa nước nổi không chỉ thể hiện ở không gian thưởng thức mà còn ở các sản vật đặc trưng xuất hiện chỉ trong thời điểm này. Do đó, ẩm thực mùa nước nổi không chỉ được thưởng thức bằng vị giác và khứu giác mà còn bằng cả hoài niệm và ký ức. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt cho văn hóa ẩm thực mùa nước nổi.

Du lịch ẩm thực đang là xu hướng mới trên toàn thế giới. (Horng & Tsai, 2010) cho rằng ẩm thực có vai trò quan trọng trong việc cạnh tranh giữa các điểm đến. Các tour du lịch mùa nước nổi mang đến cho du khách những bữa ăn ngon với các sản vật chỉ có trong mùa này như canh chua cá linh bông súng, bông điên điển; cá linh kho mía; bánh xèo cá linh; bông điên điển xào tép; cá lóc nướng trui cuốn lá sen non; rắn hầm sả; ốc hấp tiêu; cá bống trứng kho tiêu; mắm kho ăn với bông súng, hẹ nước, rau choại luộc. Những bữa cơm đạm bạc với cá đồng, rau sạch không chỉ ngon và bổ dưỡng mà còn dễ dàng làm hài lòng mọi du khách.

Mô hình “live with us”, “homestay”

“Live with us” (sống với chúng tôi) và “homestay” (ở nhà dân) là một điểm nhấn của các chương trình du lịch mùa nước nổi. Địa điểm lưu trú của du khách không phải là những khách sạn cao cấp với tiện nghi, hiện đại mà là những ngôi nhà sàn, “nhà ghe” giản dị. Du khách sẽ trở thành thành viên trong gia đình để cảm nhận được sự hiếu khách và chất phác của người nông dân miền Tây. Theo nghiên cứu của Doan, Aquino và Qi (2023), mô hình homestay ở Việt Nam là một cách tiếp cận quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững. Loại hình du lịch này cung cấp cho khách trải nghiệm có tính đặc trưng địa phương cao, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tạo thu nhập trực tiếp cho người dân địa phương.

Cuộc sống mưu sinh của người dân An Giang theo con nước cũng có giá trị khai thác du lịch rất lớn. Trên những cánh đồng mênh mông, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Sản vật mùa này rất đa dạng và phong phú nên chỉ cần được chia sẻ chút kinh nghiệm đánh bắt, du khách có thể dễ dàng thu hoạch được nhiều chiến lợi phẩm.

Đối với các loại ngư cụ dùng để đánh bắt trong mùa nước nổi cũng gây ấn tượng cho du khách bởi sự độc đáo và vô cùng đa dạng. Nét độc đáo của hàng trăm loài ngư cụ dùng để đánh bắt cá là tùy vào từng thời điểm; từng địa hình của dòng chảy; nước sâu, nước cạn; chỗ kín đáo hay trống trải mà người dân sử dụng các loại ngư cụ khác nhau như giăng câu, lưới kéo, cất vó, vãi chài… Khách du lịch sẽ được trải nghiệm các hoạt động trong cuộc sống đời thường của cư dân mùa nước nổi: giăng chài, thả lưới, câu cá, đổ dớn, đặt vó, đặt lờ, đặt lợp, hái bông điên điển, hái bông súng, hái rau muống đồng, bẻ ấu, hái cà na, thu hoạch lúa trời… Đặc biệt là tour “săn chuột đồng” thu hút đông đảo du khách. Công việc săn chuột đồng của người dân cũng đã được các công ty du lịch khai thác thành một sản phẩm du lịch độc đáo trong mùa nước nổi. Những đàn chuột đồng bị nước dâng lên ngập hang, di tản lên đê bao để tìm nơi trú ẩn. Đây thời điểm thích hợp để du khách tự tay săn những chú chuột đồng mập mạp. Du khách sẽ được hướng dẫn cách xác định những hang có chuột và kỹ thuật săn bắt chuột vô cùng hào hứng. Với những chiến lợi phẩm thu được, du khách tự tay chế biến bằng nhiều hình thức như nướng vĩ, nướng trui, luộc, nấu lẩu… Bữa ăn sẽ được dọn ra trên ghe, trên trẹt ngay giữa đồng nước nổi chắc chắn sẽ đem lại cảm giác ngon miệng đến khó tả.

Dầm mình dưới dòng nước đỏ ngầu phù sa để tắm đồng cũng là một hoạt động thu hút du khách. Hoạt động tắm đồng thường được diễn ra ở những cánh đồng lớn không có chướng ngại vật và không có dòng nước chảy xiết để đảm bảo an toàn cho du khách. Những cánh đồng lớn mênh mông ở các huyện Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu (tỉnh An Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) hay Mộc Hóa, Tân Hưng (tỉnh Long An) là những địa điểm tắm đồng lý tưởng được khai thác vào các tour du lịch mùa nước nổi ở vùng ĐBSCL. Thời gian tắm đồng thích hợp nhất là lúc con nước gần đứng và chuẩn bị rút (tháng 9 - 10 âm lịch).

Làng nghề truyền thống

Mùa nước nổi cũng là mùa làm ăn của nhiều làng nghề truyền thống: nghề đóng xuồng, đan lờ lợp, đan lưới, uốn lưỡi câu... Đến thăm các làng nghề thủ công truyền thống ở ĐBSCL trong mùa nước nổi, chắc chắn du khách sẽ bị cuốn hút bởi tay nghề điêu luyện của những người thợ. Đây cũng là dịp để du khách tìm hiểu sự đa dạng của các loại ngư cụ cũng như những cách đánh bắt cá vô cùng độc đáo và lạ lẫm của người dân miền Tây.

Lễ hội

Du khách đến ĐBSCL vào mùa nước nổi cũng là cơ hội để tham gia những lễ hội sôi động như hội đua bò trong lễ Sen Dolta vào cuối tháng tám âm lịch của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi, lễ hội Roya Hadji của đồng bào dân tộc Chăm (tỉnh An Giang); lễ hội danh tướng Nguyễn Huỳnh Đức (tỉnh Long An); lễ hội Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp)... Theo tác giả Hai và Ngan (2022), du lịch lễ hội sông nước mang lại sắc thái đặc trưng riêng cho ĐBSCL với sự trải nghiệm các hoạt động vui chơi gắn với văn hóa của các dân tộc thiểu số Chăm, Khơ Me và người Hoa. Chính các hoạt động này tạo nên sức hút cho khách du lịch không chỉ được vui chơi, giải trí mà còn góp phần giao lưu văn hóa và nâng cao đời sống của người dân.

Các sản phẩm khác

Các loài sinh vật đặc trưng của mùa nước nổi như cây lúa trời, cây lúa mùa nổi… là đối tượng tham quan chính của du khách. Những sản vật của thiên nhiên này được xem là những “mỏ gen quý hiếm” và thu hút rất nhiều nhà khoa học, giới chuyên gia. Hiện nay, cây lúa mùa nổi chỉ còn tồn tại ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) với diện tích hơn 40 ha. Lúa mùa nổi là một loại gạo sạch, thân thiện với môi trường vì không được sử dụng bón phân, thuốc hóa học trong quá trình canh tác. Gốc rạ tự nhiên của chúng còn giúp canh tác rau màu đạt năng suất cao, tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất. Vùng lúa mùa nổi đã hình thành một hệ thống hoa màu và lúa mùa nổi rất độc đáo với nhiều loại hoa màu như bắp, khoai mì, dưa hấu, bí rợ… Cây lúa mùa nổi thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học vì những đặc tính khả năng thích ứng với biển đổi khí hậu, khả năng phát triển tốt trong mùa nước nổi, kháng sâu bệnh và lợi ích kinh tế cao. Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang đã triển khai dự án “Bảo tồn, phát triển lúa mùa nổi tại xã Vĩnh Phước” do tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tài trợ từ năm 2013 - 2016. Dự án nhằm giữ gìn một nguồn gen quý và góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học của vùng ĐBSCL. Nhiều hội thảo khoa học đã đánh giá cây lúa mùa nổi là một tài nguyên du lịch có giá trị cao bởi những đặc tính sinh học đặc biệt và những truyền thuyết kỳ thú của nó.

Nhiều dự án bảo tồn và phát triển những sinh vật quý hiếm đang được triển khai tại nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL. Trong đó, việc tổ chức cho du khách tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái các loài động thực vật đặc trưng trong mùa nước nổi đang được xem là một sản phẩm du lịch độc đáo. Các trò chơi thi bơi xuồng, thi bắt lươn, thi bắt vịt, thi hái bông điên điển, thi câu cá, thi bẻ cà na… cũng luôn thu hút đông đảo du khách.

2. Mối liên hệ của du lịch mùa nước nổi và các hoạt động du lịch khác

Du lịch mùa nước nổi không chỉ là một hoạt động đơn lẻ mà còn gắn kết chặt chẽ với nhiều loại hình du lịch khác như du lịch sinh thái, văn hóa, mạo hiểm, nghỉ dưỡng và ẩm thực. Mùa nước nổi không chỉ mang đến vẻ đẹp thiên nhiên đặc sắc mà còn tạo cơ hội để du khách trải nghiệm và khám phá sâu hơn về cuộc sống và văn hóa của người dân miền Tây. Những trải nghiệm này không chỉ làm phong phú thêm hành trình du lịch của du khách mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tự nhiên độc đáo của vùng đất này, tăng thêm sức hút đối với du khách.

Loại hình du lịch mùa nước nổi không chỉ tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng cho các địa phương có mùa nước nổi mà còn giúp định vị sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương. Phát triển du lịch mùa nước nổi đem lại điều kiện thuận lợi cho việc liên kết tour du lịch hiệu quả trong địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của cả vùng.

Khai thác du lịch mùa nước nổi hợp lý góp phần bảo vệ cảnh quan của địa phương và phát triển du lịch bền vững. Hoạt động du lịch mùa nước nổi còn nâng cao giá trị của các yếu tố sinh thái, văn hóa đặc trưng của vùng. Điều này không chỉ giữ gìn và bảo tồn các tài nguyên tự nhiên và văn hóa mà còn tăng cường nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của du khách và cộng đồng địa phương.

Du lịch mùa nước nổi còn có vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh du lịch của các địa phương trong vùng ĐBSCL. Với những nét độc đáo về tự nhiên, văn hóa và con người, du lịch mùa nước nổi giúp các địa phương thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Việc tổ chức tốt các hoạt động du lịch mùa nước nổi còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và sinh thái.

Phát triển du lịch mùa nước nổi không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn các tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương. Thông qua việc khai thác các hoạt động du lịch liên quan đến mùa nước nổi, người dân địa phương có thể tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, du lịch mùa nước nổi cũng tạo ra cơ hội việc làm, giảm bớt tình trạng di cư lao động và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

3. Kết luận

Du lịch mùa nước nổi ĐBSCL hiện đang trở thành một nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, với những đặc điểm độc đáo và tiềm năng phát triển rất lớn. Việc khai thác các giá trị thiên nhiên này để phát triển du lịch là một ví dụ minh chứng cho sự tận dụng hiệu quả tài nguyên tự nhiên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven sông Mê Kông hùng vĩ. Du lịch mùa nước nổi không chỉ đóng góp vào việc đa dạng hóa các hình thức du lịch tại ĐBSCL mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo phù hợp với từng địa phương. Các hoạt động du lịch mùa nước nổi được tổ chức hợp lý cũng đồng thời góp phần bảo tồn cảnh quan và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, việc phát triển du lịch mùa nước nổi cũng nâng cao giá trị của các yếu tố sinh thái và văn hóa đặc trưng của vùng. Những hoạt động này không chỉ giới thiệu vẻ đẹp tự nhiên và nét văn hóa độc đáo của ĐBSCL mà còn giúp du khách hiểu hơn về con người và vùng đất. Tổ chức hiệu quả các chương trình du lịch mùa nước nổi cũng có vai trò quan trọng trong việc tăng cường ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch của cộng đồng địa phương. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn bảo vệ và tôn vinh những giá trị văn hóa, thiên nhiên đặc biệt của ĐBSCL.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Doan, T., Aquino, R., & Qi, H. (2023). Homestay businesses’ strategies for adapting to and recovering from the COVID-19 pandemic: A study in Vietnam. Tourism and Hospitality Research, 23(2), 213-225.

2. Hai, N. C., & Ngan, N. T. K. (2022). Factors affecting community participation in Khmer festival tourism development in Mekong Delta, Vietnam. GeoJournal of Tourism and Geosites, 44(4), 1482-1490.

3. Harrington, R. J.; Ottenbacher, M. C. (2010). Culinary Tourism - A Case Study of the Gastronomic Capital, Journal of Culinary Science & Technology 8: (1), 14-32

4. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam. (2002). Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2, E - M. Hà Nội: Nxb Từ điển bách khoa.

5. Huynh, V. D., & Piracha, A. (2019). An evaluation on climate change adaptation for tourism sector in the Mekong Delta of Vietnam. Asia Pacific Journal of Tourism Research, 24(9), 894-911.

6. Nguyễn Đình Hòe (2001). Du lịch bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Đại học An Giang, ĐHQG. TPHCM

Võ Thị Thảo Nguyên - Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh An Giang

Tạp chí in số tháng 7/2024
Bạn đang đọc bài viết Du lịch mùa nước nổi vùng Đồng bằng sông Cửu long tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899