Dự toán thu ngân sách 2024: Nhiều tỉnh, thành tăng giảm trái chiều

15/01/2024, 10:06
báo nói -

TCDN - Theo Bộ Tài chính, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội giao là 1,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa chiếm 84,9%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 12%.

Dự toán năm 2024: Thu ngân sách nhà nước 1,7 triệu tỷ đồng 

Năm 2024, Quốc hội quyết định: Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.700,9 nghìn tỷ đồng. Tổng chi NSNN là 2.119,4 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN (bao gồm cả phần cho chương trình phục hồi) là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Ảnh:Thời báo Tài chính Việt Nam.

Ảnh:Thời báo Tài chính Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự báo năm 2024 sẽ là năm khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề. “Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên. Trong đó, mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được ưu tiên hàng đầu” - người đứng đầu ngành Tài chính nhận định.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, cơ quan tham mưu nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới…

Theo ghi nhận của PV Tài chính Doanh nghiệp về dự toán thu ngân sách của các tỉnh, thành trên cả nước năm 2024 có nhiều thay đổi, cụ thể như sau:

Hà Nội dự kiến tăng thu ngân sách trên 8% so với cùng kỳ

UBND Thành phố Hà Nội cho biết, tổng thu NSNN trên địa bàn thành phố đến ngày 28/12/2023 là 405.252 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu phát sinh trên địa bàn đạt 23.964 tỷ đồng, đạt 88,8% dự toán, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô 4.529 tỷ đồng, đạt 215,7% dự toán, tăng 56,2%; thu nội địa 376.536 tỷ đồng, đạt 116,3% dự toán, tăng 26,1%.

Căn cứ vào tổng thu năm 2023, năm 2024, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố được giao là 408.547 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2023; trong đó thu nội địa là 378.530 tỷ đồng.

Tương tự năm 2023, các khoản thu chủ yế đến từ thu nội địa, từ hoạt động xuất, nhập khẩu phát sinh trên địa bàn, từ dầu thô.

Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hà Nội Vũ Mạnh cam kết cùng sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố; các quận, huyện, thị xã tiếp tục nuôi dưỡng và quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở tính thuế, tập trung nhân lực chống thất thu, xử lý phục hồi nợ đọng, lấy người dân, doanh nghiệp nộp thuế là trung tâm phục vụ;

Chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý thuế, thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thành dự toán được giao trong năm 2024 ở mức cao nhất…

Hải Phòng đặt mục tiêu thu vượt năm 2023

Thông tin từ UBND Thành phố Hải Phòng, năm 2024, Hải Phòng đặt mục tiêu thu NSNN hơn 106.761 tỷ đồng bằng hơn 104% so với tổng thu ngân sách năm 2023, trong đó thu nội địa đạt 45.000 tỷ đồng bằng 105,88% so với số thu nội địa thực hiện năm 2023, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 60.000 tỷ đồng bằng 103,45% số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của năm 2023.

Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 11,5-12%.

Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 11,5-12%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 là 210.000 tỷ đồng bằng 109,95% so với năm 2023. Lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 190 triệu tấn bằng 111,76% so với lượng hàng hoá thông qua cảng của năm 2023 là 170 triệu tấn. Riêng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2024 Hải Phòng chỉ đặt mục tiêu từ 2-2,5 tỷ USD, bằng từ 57,14-71,43% với con số thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của năm 2023 (gần 3,5 tỷ USD).

Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Hải Phòng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó sẽ mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu gồm công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại.

Hải Phòng sẽ tập trung giải phóng mặt bằng và đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp Tiên Thanh, khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu và một số cụm công nghiệp.

Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics mới theo quy hoạch như hoàn thành xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 và khởi công xây dựng các bến container số 7, 8 tại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện…

Cùng với đó, Hải Phòng sẽ tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tập trung hiện đại hoá đô thị, phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới…

Tp.HCM chỉ tăng nhẹ 2,8%

Năm 2023, Tp.HCM thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 446.545 tỷ đồng, đạt 95,07% dự toán và bằng 94,69% cùng kỳ.

Chính vì vậy, năm 2024 Tp.HCM được giao dự toán thu ngân sách trên địa bàn là 482.851 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2023.

Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao, ngành tài chính Tp.HCM sẽ tập trung vào các giải pháp quản lý và khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách; phối hợp cơ quan thuế, hải quan theo dõi chặt chẽ tình hình thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; tham mưu các giải pháp cân đối nguồn vốn cho đầu tư công năm 2024; trong đó, có phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Song song đó, ngành tài chính tiếp tục tuyên truyền, triển khai các chính sách giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, thực hiện tốt công tác hoàn thuế để hỗ trợ nuôi dưỡng nguồn thu trên địa bàn; cải cách hành chính, tuyên truyền, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ UBND T.p HCM, cho biết để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ thu-chi ngân sách theo dự toán được giao, các đơn vị ngành tài chính Thành phố căn cứ tình hình thực tiễn của thành phố để có những giải pháp phù hợp nhằm khai thác hiệu quả các nguồn thu trên địa bàn; đặc biệt là các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu; hạn chế thất thu, nợ đọng, phấn đấu tăng thu trên địa bàn.

Trong khả năng cân đối của ngân sách thành phố, các sở ngành khi đề xuất chế độ chính sách làm tăng chi ngân sách phải đánh giá sự cần thiết và tác động của việc ban hành chính sách, đảm bảo nguồn lực và bố trí, sử dụng ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm để đạt kết quả cao nhất.

Bạc Liêu tăng thu 260 tỷ đồng so với 2023

Tại Bạc Liêu, năm 2024, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước cho ngành Thuế Bạc Liêu 3.910 tỷ đồng, tăng so với cùng năm 2023 là 260 tỷ đồng.

Đại diện Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu cho biết, để phấn đấu đạt và vượt dự toán mà Bộ Tài chính giao, ngành Thuế Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp.  Đồng thời, đánh giá chặt chẽ tiến độ thu của từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế để có chỉ đạo điều hành kịp thời. Rà soát chính xác những nguồn thu còn tiềm năng; những lĩnh vực, nguồn thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm quản lý thu hiệu quả.

Tích cực triển khai quản lý sử dụng hoá đơn điện tử hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai thuế của người nộp thuế.

Đặc biệt tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đảm bảo thời hạn, tiến độ, trọng tâm là thanh tra, kiểm tra các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn, doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế giá trị gia tăng. Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành trong việc thu hồi nợ đọng thuế,...

Long An phấn đấu tăng 12%

Dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 Chính phủ giao cho tỉnh Long An là 21.125 tỷ đồng, gồm thu nội địa 17.535 tỷ đồng (bằng 117,9% so với dự toán được giao năm 2023) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.590 tỷ đồng (bằng 80,3% so với dự toán được giao năm 2023); tổng chi ngân sách địa phương gần 18.800 tỷ đồng (bằng 110,8% năm 2023).

Địa phương xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 gần 21.289 tỷ đồng, cao hơn gần 164 tỷ đồng dự toán Chính phủ giao. Trong số thu ngân sách, thu nội địa hơn 17.699 tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu 3.590 tỷ đồng.

Đại diện Cục Hải quan Long An đón nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tài chính.

Đại diện Cục Hải quan Long An đón nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tài chính.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, bố trí kinh phí phù hợp khả năng cân đối nguồn lực và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm.

Các cơ quan, đơn vị tập trung phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách được giao ở mức cao nhất, có kế hoạch triển khai chương trình hành động và phân công chỉ tiêu cụ thể, đồng thời có kế hoạch thu theo từng tháng, từng quý; tăng cường quản lý thu, nắm chắc nguồn thu trên từng lĩnh vực, từng địa phương, từng đối tượng thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, tăng thanh tra, kiểm tra thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ thuế.

Các cơ quan, đơn vị triển khai kịp thời các chính sách về thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với đó, tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh thực hiện các dự án.

Mục tiêu thu ngân sách tại Quảng Ninh giảm 1,7% so với cùng kỳ

Sở Tài chính Quảng Ninh thông tin, năm 2024, thực hiện chủ đề công tác của tỉnh là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” và chương trình hành động của UBND tỉnh, ngành Tài chính sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn khu vực, từng sắc thuế trong hàng tháng, hàng quý để có những điều chỉnh phù hợp. Toàn ngành phấn đấu năm 2024 đạt tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 55.600 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương gần 34.000 tỷ đồng.

Theo thống kê về kết quả thu ngân sách năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước tại Quảng Ninh đạt hơn 56.600 tỷ đồng. Song song với việc phân bổ giao dự toán kịp thời cho các đơn vị, ngành, địa phương, ngành Tài chính thường xuyên rà soát công tác chi thường xuyên, chi đầu tư công…

Đối chiếu với dự toán năm 2024, có thể thấy năm nay Quảng Ninh đã giảm thu ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1,7% so với năm 2023.

Thanh Hóa được giao nhiệm vụ thu ngân sách tăng 0,3% so với cùng kỳ

Thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2024, tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ thu ngân sách 35.567 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22.070 tỷ, thu hoạt động xuất nhập khẩu 13.550 tỷ. Chỉ tiêu trên tăng 137 tỷ đồng so với dự toán được giao năm 2023 (kế hoạch thu ngân sách năm 2023 là 35.430 tỷ đồng).

Theo đánh giá chung, chỉ tiêu này so với số thực hiện năm 2023 không cao, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động phức tạp và những khó khăn từ nội tại của nền kinh tế, thì để đạt được mục tiêu trên là không dễ dàng.

Nhận định rõ những yếu tố tác động đến nhiệm vụ thu, nên trong năm 2024, ngành Thuế và Hải quan sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý, theo dõi, đánh giá tình hình thu; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng. Đồng thời, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho phát triển kinh tế nhằm nuôi dưỡng nguồn thu.

Được biết, tính đến ngày 29/12, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Thanh Hóa đạt 41.920 tỷ đồng, đạt trên 118% dự toán; trong đó thu nội địa ước đạt 25.620 tỷ đồng, đạt trên 117% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 16.300 tỷ đồng, đạt trên 120% chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao. Đáng chú ý, thu nội địa trừ đất là 16.600 tỷ đồng, vượt khoảng 2.000 tỷ đồng so với dự toán giao; có 16/19 lĩnh vực thu vượt so với dự toán. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều đạt khá.

Đồng Nai giảm 7,5% so với năm 2023

Cục Thuế Đồng Nai cho biết, năm 2024, thu ngân sách nội địa của tỉnh Đồng Nai được BộTài chính giao chỉ tiêu đạt trên 37.300 tỷ đồng.

Do đó, để đạt được chỉ tiêu giao, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cho người nộp thuế, kiểm soát lạm phát, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu ngân sách.

“Ngành thuế cần tập trung rà soát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền các giải pháp đôn đốc thu kịp thời đối với những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu như: thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản. Phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách đã giao"- quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu.

Về kết quả thu ngân sách năm 2023, tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn Đồng Nai đạt gần 40.500 tỷ đồng, bằng 101% so với dự toán năm, trong đó, thu tiền sử dụng đất đạt trên 2.300 tỷ đồng, thu từ xổ số kiến thiết trên 2.400 tỷ đồng.

Theo đó, chỉ tiêu thu ngân sách tỉnh Đồng Nai được Bộ Tài chính giao năm 2024 giảm khoảng 7,5% so với năm 2023.

Chính phủ giảm chỉ tiêu thu ngân sách hơn 1.500 tỷ tại Hòa Bình

Theo Cục Thuế Hòa Bình, năm 2024, Chính phủ, Bộ Tài chính giao thực hiện là 3.781,4 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2023 Chính phủ giao dự toán thu ngân sách là 5.305 tỷ đồng. Như vậy, so với năm 2023 thì Chính phủ đã giảm khoảng 1.524 tỷ đồng vào năm 2024.

Nguyên nhân do tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2023 khoảng 4.770 tỷ đồng, đạt 97% dự toán Chính phủ, đạt 69,1% dự toán HĐND tỉnh, bằng 97,3% so cùng kỳ. Có 9/17 lĩnh vực thu, sắc thuế đạt và vượt dự toán thu của năm 2023.

Cục trưởng Cục Thuế Hòa Bình cho biết, Cục Thuế sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT, tạo môi trường cho doanh nghiệp, NNT nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; đặc biệt chú trọng ứng dụng nền tảng số trong công tác tuyên truyền nhằm lắng nghe vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, NNT nắm bắt kịp thời về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra thuế, tập trung quản lý khai thác nguồn thu đối với các lĩnh vực thương mại điện tử, giao dịch liên kết, chuyển nhượng bất động sản. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế…

Đồng thời, tham mưu nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng tại địa đơn vị; Tiếp tục rà soát các quy trình quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của hoạt động quản lý thuế, trong giải quyết thủ tục hành chính thuế và quản lý nội ngành, hướng tới chuyển đổi số một cách toàn diện.

Hoàng Nhung
Bạn đang đọc bài viết Dự toán thu ngân sách 2024: Nhiều tỉnh, thành tăng giảm trái chiều tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan