Dự toán thu nội địa có thể tăng 6 - 8% trong 2022

05/06/2021, 08:15

TCDN - Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải được xây dựng phấn đấu ở mức tích cực, khả thi, theo đúng các quy định của pháp luật. Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với ước thực hiện năm 2021.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp tại dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024.

Dự thảo nêu rõ, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022 phải được xây dựng phấn đấu ở mức tích cực, khả thi, theo đúng các quy định của các luật về thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật có liên quan.

Dự thảo Thông tư nêu rõ, việc xây dựng dự toán thu năm 2022 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, đặc biệt là các thách thức, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai và các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số; tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý giảm tỷ lệ nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Dự toán thu 2022 đảm bảo tính đúng, tính đủ các khoản thu, sắc thuế

Theo Dự thảo, các địa phương xây dựng dự toán thu nội địa năm 2022 ngoài việc phải đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này, phải tổng hợp đầy đủ các nguồn thu thuộc phạm vi thu NSNN phát sinh trên địa bàn (bao gồm cả số thu ngân sách ở xã, phường, thị trấn, các khoản thu thuế nhà thầu nước ngoài, nhà thầu trong nước khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, các khoản thuế từ các dự án mới được đưa vào sản xuất kinh doanh, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp); đồng thời loại trừ các khoản theo quy định không thuộc nguồn thu cân đối NSNN trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2021, những đặc thù của năm 2022 và số kiểm tra dự toán thu năm 2022 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.

Dự toán thu NSNN năm 2022 phải được xây dựng trên cơ sở hệ thống dữ liệu đối tượng nộp thuế; đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các nhà máy mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN; các quy định điều chỉnh chính sách theo lộ trình tiếp tục ảnh hưởng tới số thu NSNN năm 2022 và các quy định dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung, áp dụng trong năm 2022 (bao gồm cả thay đổi trong việc phân bổ nghĩa vụ thuế quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14).

Trong xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022, tạm tính phân cấp một số khoản thu giữa NSTW và NSĐP (tỷ lệ cụ thể Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định chính thức sau) như sau: về số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu: Tính 37,2% số thu là khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP; 62,8% số thu điều tiết 100% về NSTW.

Về số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản: Đối với trường hợp giấy phép khai thác do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho NSTW, 30% cho NSĐP; trường hợp giấy phép khai thác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thực hiện để lại 100% cho NSĐP.

Dự toán phải gắn với cưỡng chế, thu hồi nợ thuế

Dự toán toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý tài sản công (bao gồm cả nhà, đất), số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan); thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp hiện do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (nếu có) được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật.

Việc xây dựng dự toán thu phải gắn với việc tăng cường quản lý thu, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra, giám sát hoàn thuế giá trị gia tăng, chống thất thu đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và các nguồn thu từ đôn đốc thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán, Thanh tra Chính phủ.

Dự toán các khoản thu phí, lệ phí (thuộc danh mục quy định của Luật Phí và lệ phí) tích cực, chi tiết theo từng khoản thu theo quy định.

Đối với khoản thu phí, thu dịch vụ sự nghiệp công, học phí, giá dịch vụ y tế, các khoản thu hợp pháp khác...được để lại cho cơ quan, đơn vị sử dụng theo quy định không tổng hợp vào dự toán thu NSNN của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, nhưng các cơ quan, đơn vị phải lập dự toán riêng và xây dựng phương án sử dụng gửi cơ quan quản lý cấp trên, báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu dựa vào tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu

Về xây dựng dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, theo Dự thảo căn cứ vào dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ có thuế trong bối cảnh hội nhập, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống có nguồn thu chủ lực và các mặt hàng mới phát sinh.

Xét đến các yếu tố tác động như: dự kiến biến động giá trong nước và giá thị trường quốc tế của những mặt hàng có số thu NSNN lớn; tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của các đối tác thương mại chiến lược; tác động giảm thu từ việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi cam kết trong năm 2022; mức độ thuận lợi hóa thương mại và ảnh hưởng của các hàng rào kỹ thuật; quy mô, tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư trọng điểm có nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị; kế hoạch sản xuất của các nhà máy lọc dầu trong nước;...

Đối với xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, căn cứ vào tình hình thực tế và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn; kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, tổng số dự án và vốn đầu tư được cấp phép mới, tiến độ đầu tư của các dự án đầu tư đang triển khai và dự án đầu tư mới, các dự án đầu tư kết thúc giai đoạn đầu tư và chuyển sang giai đoạn hoạt động kinh doanh tại địa bàn để tính đúng, tính đủ, kịp thời số hoàn thuế giá trị gia tăng dự kiến phát sinh trong năm 2022 theo các chính sách, chế độ hiện hành và chế độ chính sách mới có hiệu lực thi hành. Xây dựng dự toán số hoàn thuế giá trị gia tăng gắn liền với yêu cầu tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, giảm sát, kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng để đảm bảo đúng thực tế phát sinh, đúng chính sách chế độ.

Dự toán thu NSNN (bao gồm cả thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) cần dự kiến phần hoàn trả tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa làm giảm thu NSNN theo quy định của pháp luật.

Về xây dựng dự toán thu viện trợ không hoàn lại, căn cứ các hiệp định, thỏa thuận viện trợ ODA và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức đã và đang thực hiện; các thỏa thuận đã và sẽ được ký kết, triển khai từ năm 2022; các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng dự toán thu viện trợ không hoàn lại năm 2022 của Bộ, cơ quan, địa phương (bao gồm cả các dự án viện trợ được quy định tại Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai). Đối với các khoản viện trợ đã được tiếp nhận (từ năm 2021 trở về trước), chưa có dự toán được giao, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập và tổng hợp vào dự toán năm 2022 để được hạch toán, quyết toán theo quy định.

Chi tiết Dự thảo xem tại đây.

Vũ Nam
Bạn đang đọc bài viết Dự toán thu nội địa có thể tăng 6 - 8% trong 2022 tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Dịch Covid-19 bùng phát, thu ngân sách nhà nước giảm
Tổng cục Thống kê nhận định, dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4, lây lan nhanh trong cộng đồng ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến hoạt động thu ngân sách nhà nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 5 giảm 5.000 tỷ đồng so với cùng kỳ tháng trước.