Đưa tin "WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á", Bộ KH&CN thừa nhận có sơ suất

20/12/2021, 19:12

TCDN - Thông tin đăng tải trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ công bố "đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới" và "Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu" cho bộ kit test của Công ty Việt Á đã bị gỡ do sơ suất.

Theo ghi nhận, chiều 20/12, những thông tin liên quan đến các chủ đề "Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu", "Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá..." liên quan đến bộ test kit của Công ty Việt Á đã không còn tồn tại trên trang web của bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Thông tin về việc

Thông tin về việc "WHO đã đánh giá bộ kit do Công ty Việt Á sản xuất theo quy trình Danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00" từng được đăng tải trên trang web chính thức của Bộ KH&CN.

Về lý do, VTC news đưa tin, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN, thừa nhận: "Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ KH&CN", ông nói.

Về băn khoăn kit test không được WHO chấp thuận nhưng vẫn đưa sản phẩm này vào sử dụng trong 2 năm chống dịch, ông Hùng nhấn mạnh, việc WHO chấp nhận hay không chấp nhận độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế.

Trước đó, ngày 4/3/2020 theo đề nghị của Bộ KH&CN, Bộ Y tế đồng ý cho sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất được cấp số đăng ký để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch COVID-19.

Sản phẩm này là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp quốc gia được Bộ KH&CN đặt hàng Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện. Đề tài được nghiệm thu và thông qua. Do đó, bộ kit test này đủ điều kiện để các cơ sở y tế sử dụng trong nước phục vụ công tác phòng chống dịch.

Ngày 26/4/2020, Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN đăng tải: "Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận".

Trong đó nêu rõ: "Ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ KH&CN giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".

Trong khi đó, ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là: Not Accepted - Không được chấp nhận. 

Theo báo Tuổi trẻ, trên thực tế, tháng 4/2020, Bộ KH&CN đã từng gửi thông cáo báo chí chính thức, thông tin chính thức, phát ngôn chính thức tại các cuộc họp về bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận với thông tin chi tiết "WHO đã đánh giá bộ kit do Công ty Việt Á sản xuất theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".

Gần đây nhất, 10/12, theo danh sách "SARS‐CoV‐2 IVDs: sản phẩm không được chấp thuận sử dụng khẩn cấp (EUL)" đăng tải trên website chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn có tên bộ xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit, mã số sản phẩm VA.A02-055H, số hồ sơ đăng ký EUL 0524-210-00 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Có thể hiểu mã số EUL 0524-210-00 là mã số xác nhận khi công ty đăng ký thẩm định với WHO, không liên quan gì đến việc bộ xét nghiệm này được chính thức cấp phép theo các tiêu chí về an toàn và hiệu quả. 

Mai Anh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Đưa tin "WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á", Bộ KH&CN thừa nhận có sơ suất tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về loạn giá kit xét nghiệm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, liên quan đến việc loạn giá kit xét nghiệm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và ngành Hải quan, không để đơn vị lợi dụng viện trợ, tài trợ lợi dụng nâng giá đưa vào chi phí sản xuất để miễn, giảm thuế TNDN.