Dược Cửu Long: Tổng giám đốc và lãnh đạo cao cấp xin từ nhiệm
TCDN - Dược Cửu Long có Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Trưởng Ban Kiểm soát và nhiều nhân sự thành viên HĐQT đã xin từ nhiệm, trong khi lợi nhuận quý I/2024 đạt 22,3 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (gọi tắt là Dược Cửu Long, mã chứng khoán DCL) đã thông báo về đơn xin từ nhiệm của Tổng Giám đốc là ông Lương Trọng Hải. Trong đơn, ông Hải cho biết thời gian tới vì một số lý do cá nhân nên không thể bố trí thời gian để tham gia đầy đủ các hoạt động Công ty trên cương vị Tổng Giám đốc. Theo đó, ông Hải đề nghị được từ chức từ ngày 1/8/2024.
Được biết, cách đây gần 2 năm, và ngày 1/9/2022, ông Lương Trọng Hải được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Dược Cửu Long sau sự cố dàn lãnh đạo Dược Cửu Long bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, ngày 2/5/2024, Dược Cửu Long cũng đã ra thông báo về việc miễn nhiệm bà Phan Thị Hòa – Chức vụ Trưởng Ban Kiểm soát vì bà Hòa có đơn xin từ nhiệm, theo đó, đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thu Hường thay thế với thời hạn bổ nhiệm nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Đến ngày 1/7/2024, Dược Cửu Long cũng đã ra thông báo về việc miễn nhiệm chứ vụ Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất đối với bà trần khiêm vì bà này đã có đơn xin từ nhiệm, theo đó chức vụ này được giao cho ông Nguyễn Trọng Đức đảm nhiệm…
Vào giai đọan cuối năm 2021, Dược Cửu Long bị vướng vào lao lý khi cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long Lương Văn Hóa cùng cựu Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tòng và cựu kế toán trưởng Nguyễn Văn Thanh Hải bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo đó, ngày 24/11/2022, Tòa án nhân dân Tp.Hà Nội đã tuyên án phạt 8 bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A(H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
Lên tiếng về điều này, Dược Cửu Long cho rằng, qua tra soát tài chính, kế toán, Công ty nhận thấy: Các sai phạm trong vụ án sản xuất thuốc Oseltamivir diễn ra trong khoảng năm 2006 – 2008 thuộc về trách nhiệm của các cá nhân tham gia Ban điều hành Dược Cửu Long giai đoạn trên.
Cụ thể, các bị cáo đã tiến hành hạch toán, sử dụng khoản tiền 3.848.000 USD, tương đương hơn 61,6 tỷ đồng do các cá nhân Ban Điều hành Dược Cửu Long giai đoạn 2006 - 2008 quyết định hạch toán giảm giá vốn trái nguyên tắc kế toán, từ đó sử dụng khoản tiền này vào thời điểm 2006-2008 cho các việc: Chi trả cổ tức cho các cổ đông, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ trả thù lao thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm Soát, thưởng và trích các quỹ đầu tư, phúc lợi xã hội của Công ty.
Vì vậy, Công ty sẽ thực hiện các thủ tục kháng cáo cũng như các thủ tục pháp lý khác nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư, các tổ chức liên quan. Công ty sẽ tiếp tục cập nhật các diễn biến đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM.
Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng mà Dược Cửu Long nhận được là đơn vị này phải bồi thường 58 tỷ cho Bộ Y tế. Liên quan đến vấn đề này tại đại hội cổ đông năm 2024, Dược Cửu Long cho biết, đã gửi công văn đến Bộ Y tế, Cục thi hành án dân sự Tp.Hà Nội để xin được thanh toán theo lộ trình (8 lần) từ 14/3/2024-14/9/2027. Hiện tại, Dược Cửu Long đã nộp 7,2 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Dược Cửu Long cho thấy, đơn vị này ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế đạt 22,3 tỷ đồng tăng 7,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, do nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của công ty mẹ tăng 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, đồng thời lợi nhuận sau thuế của các công ty con sau khi loại trừ giao dịch nội bộ làm tăng lợi nhuận sau thuế trên báo cáo hợp nhất là 4,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899