Đường xuất xứ từ Thái Lan trốn thuế vào Việt Nam?

18/08/2021, 11:50

TCDN - 5 nước ASEAN không có năng lực cạnh tranh mía đường nhưng lượng đường xuất khẩu vào Việt Nam đạt tới 399,189 tấn, tăng gấp 10 lần so với con số 38,61 tấn cùng kỳ năm trước. Trong đó đều là đường xuất xứ từ Thái Lan.

Hiệp Hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa công bố Báo cáo sản xuất mía kỳ tháng 7/2021. Báo cáo tiếp tục chỉ ra sự bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN.

Cụ thể, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng đường nhập khẩu  trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng so với cùng kỳ. Nửa đầu năm nay, Việt Nam nhập tổng cộng 781.334 tấn đường. Con số này tương đương với tổng giá trị 367.212.517 USD.

Theo VSSA, đây là con số kỷ lục chưa từng có trong ngành đường Việt Nam. Điều đáng lo là đường nhập khẩu từ 5 quốc gia: Campuchia, Laos, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam tiếp tục hiện tượng bất thường. Lượng đường nhập khẩu 5 quốc gia trên vào Việt Nam đạt tới 399,189 tấn, tăng gấp 10 lần so với con số 38,61 tấn cùng kỳ năm trước.

Nghi vấn trốn thuế từ đường nhập khẩu xuất xứ từ Thái Lan. (Ảnh minh họa)

Nghi vấn trốn thuế từ đường nhập khẩu xuất xứ từ Thái Lan. (Ảnh minh họa)

VSSA cho biết, cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như vậy. Đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khi cả 5 nước trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan. Bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN nêu trên đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan.

Nếu lẩn tránh được xuất xứ từ Thái Lan, đường nhập từ các nước ASEAN chỉ phải chịu mức thuế 5%. Trong khi đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao hơn rất nhiều là 33,88% và 48,88% tùy theo loại đường.

Trong các báo cáo của VSSA, Hiệp hội đã liên tục cảnh báo về tình trạng này. VSSA cho rằng, đường có nguồn gốc Thái Lan (nhưng không nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan) vẫn tiếp tục làm chủ thị trường, bất chấp việc gia tăng kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Có những dấu hiệu cho thấy, các hoạt động gian lận thương mại đã thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với hoàn cảnh. 

Trong tháng 8, Hiệp hội Mía đường dự báo nguồn cung từ nhập khẩu sẽ tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua: nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, từ các nước Asean và từ đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Đường xuất xứ từ Thái Lan trốn thuế vào Việt Nam? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan