EU công bố danh sách 'các lao động thiết yếu' được phép đi lại nội khối
TCDN - Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/3 (giờ địa phương) đã công bố danh sách "các lao động thiết yếu" được phép đi lại giữa các nước thành viên EU trong mùa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bất chấp những biện pháp phong tỏa và ứng phó khẩn cấp đã được áp dụng.
"Các lao động thiết yếu" trên bao gồm nhân viên y tế, tài xế xe tải chở lương thực - thực phẩm và lao động thời vụ làm việc trong ngành nông nghiệp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết các lao động này đảm nhận các công việc quan trọng giúp EU có thể vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra hiện nay.
Theo bà Ursula von der Leyen, điều đặc biệt quan trọng là những lao động làm việc trong các lĩnh vực quan trọng như y tế, chăm sóc trẻ em và người già, các lao động làm việc những ngành công ích có thể đến nơi làm việc một cách nhanh chóng.
Danh sách này cũng bao gồm các lao động làm việc trong ngành thực phẩm, các nhà nghiên cứu y tế, kỹ thuật viên mạng truyền thông, những người làm việc trên cơ sở hạ tầng thiết yếu và những người vận chuyển đồ bảo hộ y tế như khẩu trang …
Bà Ursula von der Leyen lưu ý rằng, trong giai đoạn bình thường, khoảng 1,5 triệu công dân EU sống ở một nước và làm việc ở một nước khác. Ví dụ, hầu hết lao động đang làm việc tại các bệnh viện ở Luxembourg hàng ngày di chuyển từ các nước láng giềng Pháp hoặc Bỉ.Ngoài ra, 80% lao động nữ làm công việc chăm sóc người cao tuổi tại những viện dưỡng lão ở Áo lại đang sinh sống ở Romania. Trong khi đó, hàng nghìn lao động làm việc tại Đức đến từ các nước thành viên EU ở khu vực Trung Âu.
Động thái trên điễn ra khi EC đang cố gắng duy trì sự thống nhất và các quy tắc được áp dụng trên toàn khối sau khi một số nước thành viên EU thực hiện các biện pháp đơn phương để hạn chế sự đi lại của các công dân EU. Những biện pháp này đã ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực Schengen, khu vực mà người dân được phép đi lại tự do không cần hộ chiếu hay thị thực giữa 26 nước châu Âu, chủ yếu là các nước thành viên EU.
Tuy vậy, danh sách trên chỉ mang ý nghĩa tư vấn và khuyến cáo vì EC không có quyền can thiệp đối với những quy định và biện pháp mà các nước EU áp dụng để ứng phó dịch COVID-19 mà chỉ có thể yêu cầu họ thực hiện những quy định ở mức độ thích hợp với thời gian hạn chế và thông báo cho EC.
Theo TTXVN
email: [email protected], hotline: 086 508 6899